Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ sĩ indie vẫn khó “sống”

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít nghệ sĩ âm nhạc indie trẻ (theo xu hướng âm nhạc được sáng tạo độc lập, không theo dòng âm nhạc chính thống) đã tạo được phong cách riêng vẫn chưa thể sống bằng âm nhạc. Họ phải làm những công việc khác nhau để nuôi đam mê.

“Kiếm tiền chỗ khác”

Nhạc sĩ Quốc Trung kể anh từng gọi điện cho thành viên Trang Lê của nhóm Limebócx, hay Mạc Mai Sương hỏi thăm có sống được bằng âm nhạc không. “Các bạn nói phải đi làm kiếm tiền chỗ khác, sau 2 – 3 tháng kiếm đủ tiền rồi mới quay lại âm nhạc”, nhạc sĩ Quốc Trung cho hay. Anh nhìn nhận, những cơ hội với nghệ sĩ trẻ, nhất là không phải mainstream (âm nhạc chính thống) như vậy là gần như không có. Đó cũng là lý do sự đa dạng trong sáng tạo âm nhạc VN còn rất thấp.

Nhạc sĩ Quốc Trung phân tích những cái khó của nghệ sĩ indie: “Ở VN, nền công nghiệp âm nhạc chưa phát triển, nghệ sĩ chưa có thói quen làm tour diễn, cũng chưa được đào tạo bài bản về quy trình biểu diễn thế nào, không được làm với nhà sản xuất chuyên nghiệp”. Bên cạnh đó, nhạc sĩ còn cho rằng: “Nhiều người sản xuất âm nhạc VN luôn nghĩ đến lợi nhuận trước. Nhưng nếu họ không quan tâm đến lợi nhuận chăng nữa thì mức độ cởi mở trong sáng tạo của nhà sản xuất âm nhạc tại VN đang rất hẹp, nên những thứ âm nhạc mới mẻ thường gặp khó khăn”.

The Odd Stones biểu diễn trên sân khấu Livespace Vietnam. VIỆN PHÁP CUNG CẤP

Bà Tôn Nữ Như Ngọc, đại diện nhà phát hành Believe, cho hay một số nghệ sĩ indie có điều kiện hoặc có thể kiếm sống hầu hết chỉ ở 3 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. “Những nghệ sĩ indie vẫn là những cộng đồng nhỏ lẻ, chưa có cộng đồng lớn nào. Chúng ta cũng chưa có phong trào để khán giả theo dõi những nhóm indie trẻ, hay để nghệ sĩ thấy rằng họ không cô đơn, không hoạt động một mình”, bà Ngọc nhận xét và cho rằng nếu những nghệ sĩ indie trẻ được sống trong cộng đồng hỗ trợ trên khắp đất nước, hay họ đang được sống trong cộng đồng thì sẽ phát triển tốt hơn.

Nếu không tập trung cho âm nhạc, âm nhạc không tốt thì không ra tiền. Các bạn cần biết mình muốn gì. Và khi xác định rồi, thì hãy dành thời gian tập trung cho điều mình muốn.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Biết đánh đổi, cần cơ hội

Nhạc sĩ Quốc Trung nói anh thông cảm với việc những nghệ sĩ indie trẻ phải đi làm công việc khác, nhưng chất lượng âm nhạc như vậy sẽ bị hạn chế vì nghệ sĩ không tập trung toàn bộ thời gian vào âm nhạc. Anh cho rằng: “Cần tạo cơ hội cho nghệ sĩ trẻ, sân khấu âm nhạc cần đa dạng hơn để những nghệ trẻ đến với công chúng. Bên cạnh đó, cũng cần sự đánh đổi dũng cảm của nghệ sĩ trẻ. Tôi nhìn thấy những năng lượng sáng tạo, ý tưởng, tiềm năng của nhiều nghệ sĩ, nhưng họ cần tập trung cho âm nhạc thì mới nâng cao chất lượng sáng tạo của mình”.

“Cho dù các bạn có tài năng nhưng nếu bạn đi làm việc khác như đi dạy ngoại ngữ, khi có thời gian mới giở đàn, máy ra để làm thì khó làm được những sản phẩm độc đáo”, nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ và nhấn mạnh: “Nếu không tập trung cho âm nhạc, âm nhạc không tốt thì không ra tiền. Các bạn cần biết mình muốn gì. Và khi xác định rồi, thì hãy dành thời gian tập trung cho điều mình muốn”.

Nghệ sĩ indie vẫn khó sống - ảnh 2

Xanh 8+1 biểu diễn trên sân khấu Livespace Vietnam. VIỆN PHÁP CUNG CẤP

“Thành công của Ngọt là ví dụ về những nghệ sĩ indie trẻ đã dám đánh đổi dành thời gian cho sáng tạo, tập luyện”, nhạc sĩ Quốc Trung nói thêm. Ngọt được thành lập tháng 11.2013 với những đêm diễn đầu tiên tại các quán cà phê của người quen không có cát sê. Không ai nghĩ, chỉ 4 năm sau, Ngọt làm live show, bán 3.000 vé hết “bay” chỉ trong 3 ngày. “Họ lấy tiền từ những gì đã làm trước để đầu tư cho sản phẩm sau mang lại tiếng tăm cộng hưởng”, nhạc sĩ cho hay.

Ca sĩ, nhạc sĩ Vũ Đình Trọng Thắng (nhóm Ngọt) cho rằng “bí quyết” của nhóm đơn giản là những thành viên của nhóm yêu âm nhạc, muốn làm âm nhạc. “Chúng tôi tìm thấy hướng trong việc làm, sự hạnh phúc đến từ việc làm đó, và chúng tôi muốn chia sẻ việc làm đó với những người khác, sau đó mới nghĩ đến tiền bạc, danh vọng. Chúng tôi cũng chắt chiu ấy tiền thu được từ những cái nhỏ đã làm để đào sâu thêm âm nhạc”.

Nhạc sĩ Quốc Trung khuyên những nghệ sĩ indie trẻ, ngoài việc sáng tạo trong nghệ thuật thì cũng cần sáng tạo trong việc đưa sản phẩm đến công chúng, giới thiệu sản phẩm của mình ở càng nhiều nơi càng tốt, đừng quan tâm đến bao nhiêu khán giả, hãy tìm càng nhiều cơ hội càng tốt. “Chúng ta làm việc thật nhiều và sáng tạo, giới thiệu âm nhạc của mình, tìm chỗ của mình, tìm những nơi có cơ hội biểu diễn, khi có cơ hội rồi thì có điều kiện làm việc nhiều hơn. Đừng chờ ai đó đến, trừ khi nếu bạn có sản phẩm “kinh khủng khiếp” thì mới có thể, còn sản phẩm mới lần đầu thì tìm mọi cách để giới thiệu”, anh nói.

Hiện tại, nghệ sĩ indie trẻ có thể tìm đến những nhà phát hành giúp hỗ trợ đưa sản phẩm âm nhạc lên nền tảng nhạc số như Spotify, Apple Music… tiếp cận với khán giả trong nước và cả khán giả nước ngoài. “Nhưng để có thu nhập thì các bạn cần có người nghe và để như vậy các bạn cần sự độc đáo, vì môi trường đó có sự cạnh tranh cao”, nhạc sĩ Quốc Trung nhìn nhận và cho rằng những nghệ sĩ indie trẻ cần chuẩn bị kỹ. “Bởi vì khi đưa sản phẩm âm nhạc chưa được hoàn hảo, không độc đáo, thì sản phẩm sau có làm tốt cũng khó có khán giả quay lại vì ấn tượng không tốt ban đầu, khó lấy lại lượng người nghe”, nhạc sĩ phân tích.

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho rằng nghệ sĩ VN cần sáng tạo tốt hơn, đưa ra những sản phẩm tốt hơn để có sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “Chúng ta ít có cơ hội cọ xát, vì thế không biết sản phẩm mình đứng ở đâu. Nhiều khán giả VN nghe nhưng khi ra quốc tế lại khác. Trong khi, ra quốc tế nhiều cơ hội hơn, tour diễn nhiều hơn, thu nhập tốt hơn. Và có thể tập trung toàn bộ thời gian cho âm nhạc”, anh nhìn nhận.

Theo Ngọc An/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)