Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ sĩ không nên ôm đồm quá nhiều việc?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người cho rằng ca sĩ, nghệ sĩ chỉ nên tập trung làm nghệ thuật, không nên ôm đồm làm quản lý công ty giải trí của mình, và tốt nhất là thuê người làm chiến lược phát triển mới có thể thăng hoa…

Sơn Tùng M-TP chỉ nên hát!

Hiện tại, các ca sĩ trẻ đang nổi tiếng đều mở công ty quản lý chính mình và điều hành cả ê kíp, quyết định mọi khâu cho mình; khác rất nhiều so với thế hệ ca sĩ thập niên 2000 có quản lý riêng lo hết cho ca sĩ. Sự việc Sơn Tùng M-TP bị phạt 70 triệu đồng, buộc gỡ và tiêu hủy MV There's no one at all trên mọi nền tảng vì cái kết tiêu cực của MV cho thấy cần có “tỉnh táo viên” trong việc lập ra chiến lược, như MV cần có gì, không nên làm gì, thời điểm nào ra mắt thì hợp lý, cũng như nhiều công đoạn khác trong sự nghiệp của mình.

Sự việc MV There's no one at all của Sơn Tùng M-TP ngừng phát hành sau gần một ngày ra mắt vẫn đang là chủ đề được nhiều người quan tâm, bởi có sự vào cuộc làm việc tức thì của nhiều cơ quan chức năng như Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử… Trước “cú vấp” lớn trong sự nghiệp của Sơn Tùng M-TP, nhà sản xuất âm nhạc – nhạc sĩ ViruSs cho rằng Sơn Tùng M-TP chỉ nên hát, việc quảng bá MV cần có giám đốc chiến lược làm.

Nghệ sĩ không nên ôm đồm quá nhiều việc? - ảnh 1

Sơn Tùng M-TP là ngôi sao ca nhạc có lượng fan đông đảo nhất hiện nay. N.S

“Đây là một sai lầm, về thời điểm ra MV này. Sơn Tùng M-TP cần một người đảm nhận nhiệm vụ định hướng sản phẩm. Nói thật, nếu là một người làm cùng công ty với Tùng thì khi tôi xem MV trước, tôi chắc chắn sẽ không cho ra mắt. Nếu Sơn Tùng M-TP là chủ tịch của Công ty giải trí M-TP Entertainment, quyết định mọi chuyện, thì tôi góp ý với M-TP Entertainment. Tôi nghĩ mỗi người có mỗi nghề, điểm mạnh riêng. Người quyết định định hướng âm nhạc sẽ là người quản lý sản phẩm, làm giám đốc chiến lược. Còn ca sĩ chỉ hát thôi! Thời điểm ra sản phẩm rất nhạy cảm. Nếu là người trong ê kíp, tôi sẽ không bao giờ ra quyết định đấy, hoặc Tùng sẽ phải thuê người làm giám đốc chiến lược, làm định hướng và phải nghe theo cho dù quyết định sai, sau đó sẽ bàn bạc, trao đổi thêm để rút kinh nghiệm…”, nhà sản xuất ViruSs nhận định.

Ê kíp quản lý tốt giúp nghệ sĩ thành công

Bài toán khó nhất hiện nay chính là giữa hàng trăm nghìn sắc màu của vô số ca sĩ/nghệ sĩ trong showbiz, người quản lý phải giúp nghệ sĩ mình nổi bật hơn hẳn, để hình ảnh và sản phẩm của họ tiếp cận công chúng một cách gần nhất, trên diện rộng nhất và nhanh chóng nổi tiếng nhất. Chính vì vậy, nhiều nghệ sĩ/ê kíp quản lý cũng dễ rơi vào sai lầm khi có định hướng chưa hợp lý.

Trước ý kiến của nhạc sĩ ViruSs nói về sai lầm của Sơn Tùng M-TP trong lần ra MV này, TS mỹ học Nguyễn Thế Hùng cũng nhận xét: “Trong nghệ thuật, nghệ sĩ hoàn toàn tự do sáng tạo nhưng cũng cần nghĩ đến khía cạnh đạo đức và trách nhiệm xã hội. Việc tung sản phẩm có yếu tố nhạy cảm ở thời điểm nào là vấn đề nên được nghệ sĩ tính đến”.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Phong Việt nêu ý kiến: “Phần đông các nghệ sĩ Việt đang đánh cược với danh tiếng của họ bằng các sản phẩm gây chú ý về truyền thông, nhưng không phù hợp với văn hóa, giá trị sống của người Việt. Người quản lý giỏi sẽ quyết định 60 – 70% đến thành công của ca sĩ, còn lại phụ thuộc vào tài năng, sự may mắn của ca sĩ. Bởi họ định hướng từ dòng nhạc, hình ảnh, đến truyền thông cho ca sĩ dựa trên kiến thức sẵn có hoặc tham khảo người có chuyên môn…”.

Chị Hương Trần, quản lý lâu năm của một số nghệ sĩ nổi tiếng, nhấn mạnh việc cần phải có quản lý giỏi đối với một nghệ sĩ trong thời buổi này: “Tài năng, nhân cách và khao khát thành công là điều kiện cần; và một ê kíp, người quản lý tốt sẽ là điều kiện đủ, để một nghệ sĩ thắng lợi về mặt tên tuổi và vị thế. Yếu tố tiên quyết để tôi định hướng cho nghệ sĩ của mình là phải chọn lựa những điều thị trường cần và điều đó phải phù hợp với nghệ sĩ, để cùng nhau làm ra những sản phẩm được khán giả yêu thích, đúng sở trường, đúng hình ảnh định vị cần lan tỏa, chuyển tải của nghệ sĩ”.

“Quản lý không đơn giản chỉ là người nhận show, sắp xếp lịch diễn mà còn phải định hướng được con đường cho nghệ sĩ. Chỉ cần một quyết định sai cũng gây nên tổn thất nặng nề, khó lường. Người quản lý cần có kỹ năng giao tiếp tốt, tư duy phân tích sâu, kiến thức vững chắc về âm nhạc, truyền thông, marketing… Có những người quản lý định hướng sai đường cho nghệ sĩ, xây dựng hình ảnh, âm nhạc không chuẩn hoặc sử dụng truyền thông bẩn để quảng bá cho nghệ sĩ… thì chắc chắn mối quan hệ này sẽ sớm tan đàn xẻ nghé, vì hiệu quả để ca sĩ thành công lâu bền sẽ không có”, quản lý Hương Trần chia sẻ thêm.

Hiện tại, khái niệm "quản lý" trong showbiz Việt hiểu đơn giản là người đại diện cho nghệ sĩ về mọi mặt. Có thể phân ra 2 loại chính. Một là quản lý theo mô hình công ty, vai trò quản lý giống như giám đốc vì họ là người đưa ra các định hướng phát triển cho nghệ sĩ và trực tiếp thực hiện các định hướng đó, còn nghệ sĩ là "nhân viên". Với dạng này, người quản lý thực sự có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nghệ sĩ. Họ tác động trực tiếp đến việc xây dựng hình ảnh và hướng đi cho nghệ sĩ; nghệ sĩ chịu ảnh hưởng trực tiếp về mọi khâu đối với người quản lý của mình.

Hai là quản lý riêng, theo sát nghệ sĩ. Người quản lý này trực tiếp book show, lo toàn bộ phần truyền thông, hình ảnh, âm nhạc cho nghệ sĩ dựa trên sự bàn bạc thống nhất của cả hai, và chính nghệ sĩ sẽ trả lương hằng tháng cho quản lý (hoặc chia phần trăm trên mỗi cát sê nghệ sĩ nhận được từ việc đi hát, dự event, hợp đồng quảng cáo…).

Theo Phan Cao Tùng/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)