Diễn viên Mạc Can và đạo diễn Vinh Sơn với kỷ niệm bác Ba Phi “rớt râu”. Ảnh: S.M |
Xem các vở cải lương, kịch hay các bộ phim, khán giả thường nhìn thấy các nam nghệ sĩ để râu. Tùy theo thời đại, nội dung tuồng tích mà râu có những kiểu khác nhau. Nghệ sĩ Hữu Châu cho biết: “Hóa trang râu thật ra cũng là một điều khá thú vị. Tuy nhiên, cũng có những sự cố bất ngờ do… râu gây ra mà chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu hết…”.
1.001 kiểu… râu giả
Hầu hết các nam nghệ sĩ ở lĩnh vực sân khấu đều thích “mày râu nhẵn nhụi” cho trẻ đẹp. Khi có vai diễn cần, họ sẵn sàng gắn râu giả vào cho dù điều này có thể làm cho họ già và xấu đi, nhiều lúc khán giả còn không nhận ra nếu như nghệ sĩ này chưa cất lên tiếng nói, giọng ca. Người thường xuyên “bị” gắn nhiều râu giả nhất đó là nghệ sĩ Bạch Long. Anh vốn là người giữ kỷ lục đóng vai Tôn Ngộ Không và các vai thần tiên nên dĩ nhiên phải có nhiều lông và râu. Anh kể: “Gắn râu giả khó chịu và bực bội lắm, nhưng phải cố gắng chịu đựng, hy sinh vì nghề nghiệp. Đôi khi phải bôi nhiều keo để râu không bị sứt, nó làm ảnh hưởng nhiều đến da mặt chứ đâu phải chuyện chơi”. Trong vở kịch Người tốt nhà số 5 trên Sân khấu số 7 Trần Cao Vân, Bạch Long vào vai ông Thần Ác. Hôm nào diễn anh cũng đến thật sớm để hóa trang, chăm chút cho bộ râu. Lúc ra diễn anh phải luôn chú ý kẻo râu… vô tình rời khỏi vành môi và cằm thì… nguy. Chuyện rớt râu trên sân khấu hoặc ở phim trường là chuyện thường ngày xảy ra… Lần vào vai bác Ba Phi trong “Đất phương Nam”, cảnh bác Ba Phi trổ tài nói dóc với bà con, nghệ sĩ Mạc Can vừa bước ra phim trường thì khán giả cười ầm lên. Anh chưa biết ất giáp gì thì nghe tiếng đạo diễn Vinh Sơn: “Can…. râu, Can râu…”, thì ra bộ râu bị sứt dính vào nút áo. Bác Ba Phi mà không có râu thì… đố ai biết? Hay như trường hợp Vũ Luân vào vai Từ Hải Thọ, đoạn bị kết án tử hình trong vở cải lương Xử bá đao Từ Hải Thọ, khán giả đang rưng rưng nước mắt trước cảnh biệt ly, Vũ Luân vào vai xuất thần nhưng bỗng dưng khán giả phía dưới ồ lên cười… Lý do là vì những động tác vũ đạo mạnh quá, Vũ Luân làm rơi một bên râu xuống. Thật bình tĩnh, anh nhặt lên và… gắn vào diễn tiếp. Đáng nói nhất là loại râu… dê. Bảo Chung là cây hài thường vào vai này. Bảo Chung cho biết anh có vài hàm râu dê để thủ, tùy theo vai dê “nặng” hay “nhẹ” mà đem ra sử dụng. Để tránh phiền phức và đề phòng “sự cố râu”, các nghệ sĩ Bảo Quốc, Thành Lộc, Anh Vũ, Chí Linh, Thanh Bạch… thường vẽ râu. Nhớ lần vào vai má mì trong phim Gái nhảy, cứ thấy Anh Vũ vẽ râu là ai cũng phải bật cười. Gương mặt bầu bĩnh và cái miệng móm của anh có thêm “lông mày môi” trông ngộ nghĩnh làm sao. Nghệ sĩ Công Ninh vào vai Nguyễn Đình Chiểu trong phim Người học trò đất Gia Định xưa cũng chạy ngược chạy xuôi “tậu” cho mình một bộ râu trắng dài như tiên ông. Anh cười bảo: “Lần đầu tiên gắn râu dài và già đến thế. Người yêu nhìn còn không ra nữa là…” (cười).
Nghệ sĩ Quốc Thảo cũng có một kỉ niệm nhớ đời về râu. Số là cảnh quay Bác Tôn do anh thủ diễn trong phim Viên ngọc Côn Sơn được thực hiện lúc 4 giờ sáng. Hôm ấy trời mưa thật to, anh hóa trang xong thì vào nhà một người dân gần đó nằm nghỉ chờ ra diễn. Lúc ra trường quay, “Bác Tôn” bị mất bộ râu. Vì trời tối chẳng tìm thấy ở nơi nào, nhà nghỉ thì xa quá nếu về lấy thì trời sáng mất, anh lại quên mất ngôi nhà của người dân mình nằm ban nãy. Chưa biết tính sao thì đúng lúc đó có một cô bé chạy tới: “Chú nghệ sĩ ơi, con quét nhà nhìn thấy cái này…”. Mừng như bắt được vàng, anh lấy râu mà quên cả cám ơn, hôn lấy hôn để nó rồi gắn vào… diễn. Trong vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi, nghệ sĩ Hữu Châu vào vai Nguyễn Trãi. Nhân vật này đòi hỏi râu phải dài. Anh đã đi đặt một chuyên gia hóa trang làm hẳn cho anh một bộ râu. Trước mỗi suất diễn, anh đều chuẩn bị chu đáo cho bộ râu này. NSND Thanh Tòng cho biết: “Ông bà xưa nói “nhìn mặt mà bắt hình dong”, thế nhưng đối với nghề hát, khi diễn vai kép chỉ cần nhìn râu là đoán được tính cách. Râu của các nhân vật được qui định đúng cách, vai Bao Công thì râu phải dài năm chòm, đen nhánh uy nghi, còn Đổng Trác thì để râu rìa, mọc lộn xộn chẳng khác rễ cây”. Người nghệ sĩ phải biết cách xử lý bộ râu thì mới diễn ra tính cách nhân vật…”.
Và cả râu thật lên sàn diễn
Nghề làm râu phải kể đến các nghệ sĩ: Trường Quang, Thủy Thượng, Trường Lộc, Xuân Trúc, Công Minh, Kim Phượng, Phương Nga, Bảo Ly, Nguyên Đạt… Họ là những bậc thầy trong việc chế tạo ra đủ kiểu râu, tóc, mũ, mão và phục trang cho sân khấu cải lương và phim ảnh, âm thầm đứng sau những thành công của nghệ sĩ, góp phần tô điểm cho sân khấu những hình ảnh thật khó quên. |
Bên cạnh những nghệ sĩ râu giả, cũng có nhiều nghệ sĩ chuyên để râu thật. Thời phim thị trường, khán giả “mê đắm” hàm râu đầy nam tính của các ngôi sao Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Thương Tín, Công Hậu… trong nhiều bộ phim. Nếu có phim nào họ “cạo râu” thì khán giả sẽ phản ứng ngay. Hiện nay, trong giới nghệ sĩ, hầu như ai cũng biết và quen mắt nhìn bộ râu trắng và dài của hai nghệ sĩ lão thành: Đoàn Thanh Dung và Mai Thành. Tham gia rất nhiều bộ phim và trước khi nhận vai, hai nghệ sĩ này thường ra điều kiện “Không được kêu tui cạo râu à nha”. Mà thật, hai nghệ sĩ này “cưng” râu của mình lắm. Mang râu thật lên phim cũng là một thế mạnh, khán giả chỉ cần nhìn là biết nghệ sĩ đó ngay. Diễn viên điện ảnh Lê Quang cũng có bộ râu phù hợp với vóc dáng của mình nên các đạo diễn thường “nhắm” anh vào những vai phù hợp với bộ râu tự nhiên, đặc biệt là vai Võ Tòng không lẫn lộn với bất kỳ ai trong bộ phim Đất phương Nam. Còn danh hài Hồng Tơ vốn có hàm râu… dê dưới cằm, lên sân khấu chỉ cần vẽ vài đường lên vành môi là trở thành “35” hết chỗ chê.
HIỆP THANH
Bình luận (0)