Nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn đang biểu diễn |
Nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn mở đầu câu chuyện về thời đi học của mình bằng câu nói chân tình ấy. Là cánh chim đầu đàn của đội ngũ violon Việt Nam, sự say mê và lao động nghệ thuật không mệt mỏi đã mang lại cho ông rất nhiều kiến thức, những học vị và danh hiệu cao quý: giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân. Gần 50 năm vừa biểu diễn vừa giảng dạy, ông đã đào tạo thành danh nhiều nghệ sĩ hiện đang biểu diễn, giảng dạy trong nước và nước ngoài.
PV: Thưa giáo sư, được biết tuổi thơ và thời đi học trước đây của giáo sư rất vất vả?
– Tôi sinh năm 1942 tại Thường Tín, Hà Tây, trong một gia đình âm nhạc. Cha tôi là nhạc sĩ Tạ Phước, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội ngày nay). Do ảnh hưởng “gien” của bố nên các anh em của tôi đều theo nghiệp đàn là Tạ Tuấn, Tạ Đôn (violon), Tạ Huấn (cello). Năm lên 4 tuổi, tôi theo gia đình tản cư về Thanh Hóa. Ở nơi sơ tán này, việc học hành của tôi rất vất vả, một phần cũng do nhà quá nghèo. Năm lên lớp 5 ở Trường Nguyễn Thượng Hiền, tôi phải đi bộ từ nhà tới trường gần 7km. Hồi ấy, tôi phải ngồi học bài dưới ánh đèn dầu chứ đâu có điện như bây giờ, nhưng tôi ham học, học rất giỏi và nghịch ngợm cũng không ai bằng. Trên đường đi học phải qua con sông Ngân Giang, dù có cầu bắc ngang nhưng tôi và các bạn toàn bơi qua, một tay cầm sách vở quần áo giơ lên cao, một tay bơi qua. Ngoài giờ học, chúng tôi còn chơi thả diều, đánh đáo và rất nhiều trò chơi khác. Ở trường, tôi thường xuyên biểu diễn đàn cho thầy cô và bạn bè xem nên được nhiều người biết đến.
* Đến năm lớp 7, giáo sư đã được cử sang Trung Quốc học?
Tôi rất yêu thích nghề dạy học bởi lẽ bố tôi ngày trước cũng vừa là nhạc sĩ vừa là nhà giáo. Riêng tôi, từ năm 12 tuổi đã được Nhà nước cho đi học ở nước ngoài, được đào tạo thật bài bản. Tôi quan niệm nghề giáo cực kỳ cao quý, thiên chức của nhà giáo không chỉ giảng dạy về chuyên môn mà còn phải giúp học sinh của mình trở thành một con người chân chính. |
– Đúng vậy, năm 1954, khi mới 12 tuổi, tôi được cử sang Trung Quốc học trung cấp âm nhạc Khoa Violon ở Nhạc viện Bắc Kinh. Mặc dù học chung với các bạn người nước ngoài nhưng tôi được tin tưởng giao làm lớp trưởng. Kỷ luật hồi ấy rất nghiêm khắc, một tuần chỉ duy nhất tối thứ bảy và chủ nhật học sinh mới được ra khỏi khuôn viên trường. 6 giờ sáng là phải dậy tập thể dục, ai mà dậy muộn là bị phạt úp mặt vô tường. 22 giờ là phải tắt đèn đi ngủ, không ai được nói chuyện riêng cả. Nhờ thế đã rèn luyện cho tôi nhiều thói quen và đức tính tốt. Trong thời gian học, tôi đã biểu diễn thành công nhiều tác phẩm, trong đó có Vui xuân mới của Mao Wen (Trung Quốc). Năm 1958, tôi được chọn đi thi Concours violon Enescu tại Bucharest (Rumani) và nhận được bằng danh dự Diplome. Cũng trong năm 1958, sau khi tốt nghiệp trung cấp Nhạc viện Bắc Kinh, tôi tiếp tục được cử sang Liên Xô học đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky.
* Giáo sư có thể bật mí đôi nét về thời gian học ở đây?
– Lúc đó, tôi được học chung với Đặng Thái Sơn, Đàm Linh, Trọng Bằng… Trường này đào tạo chuyên môn rất cao, có ngày tôi phải tập đàn trên 10 tiếng. Khi ngủ cũng mơ thấy toàn nốt nhạc. Năm 1962, tôi nhận huy chương bạc violon tại Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới tổ chức ở Helsinki (Phần Lan). Thời gian học ở đây, tất cả 29 môn học của tôi toàn điểm 5, được nhiều thầy cô khen ngợi. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi trở về giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Từ năm 1965 đến 1968, tôi tiếp tục học nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Tchaikovsky lấy bằng tiến sĩ, sau đó về giảng dạy violon tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1991, tôi vào công tác cho Nhà hát Giao hưởng – Vũ kịch TP.HCM đồng thời giảng dạy tại Nhạc viện TP. Từ năm 1994 – 2006, tôi là Trưởng đoàn Nhà hát Giao hưởng – Vũ kịch TP.HCM. Từ 2007 đến nay, tôi làm cố vấn nghệ thuật của Nhà hát. Ngoài công tác biểu diễn và chịu trách nhiệm nghệ thuật, tôi còn dàn dựng một số tác phẩm cho đàn violon.
* Hồi còn nhỏ, giáo sư có định hướng sau này mình sẽ trở thành một nhà giáo?
– Tôi rất yêu thích nghề dạy học bởi lẽ bố tôi ngày trước cũng vừa là nhạc sĩ vừa là nhà giáo. Riêng tôi, từ năm 12 tuổi đã được Nhà nước cho đi học ở nước ngoài, được đào tạo thật bài bản. Tôi quan niệm nghề giáo cực kỳ cao quý, thiên chức của nhà giáo không chỉ giảng dạy về chuyên môn mà còn phải giúp học sinh của mình trở thành một con người chân chính.
* Được biết, nhiều học trò của giáo sư hiện đã trở thành những tài năng nòng cốt của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam?
– Nhiều học trò của tôi đã thành danh, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế cũng như đảm nhận các chức vụ quan trọng: Đỗ Phượng Như (giải nhì cuộc thi violon quốc tế tại Đức (1990), giải nhì tại Pháp, giải nhất tứ tấu tại Leningrad), Đỗ Xuân Tùng (Trưởng phòng Đào tạo Nhạc viện Hà Nội), Nguyễn Anh Giang (Trưởng bộ môn violon Nhạc viện TP.HCM), Bùi Công Duy đoạt nhiều giải thưởng violon trong nước và quốc tế… Thú thật, tôi rất tự hào về điều này.
* Cuộc sống gia đình của giáo sư hiện tại rất hạnh phúc?
– Ngôi nhà của chúng tôi được xem là ngôi nhà của nghệ thuật. Vợ tôi là nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân Kim Dung, Hiệu phó Trường Múa TP.HCM. Bà đã cùng với vợ chồng nghệ sĩ Đặng Hùng – Vương Linh thành lập lớp múa Những Ngôi Sao Nhỏ. Con gái tôi, Tạ Thùy Chi là một nghệ sĩ múa trưởng thành từ lớp Những Ngôi Sao Nhỏ, hiện nay đang làm giảng viên múa của Trường Múa TP.HCM. Con trai ông, Tạ Tôn, cũng là một nghệ sĩ violon, đã tốt nghiệp master tại Đại học Houston. Cuộc đời đã cho tôi quá nhiều hạnh phúc trong sự nghiệp và cuộc sống gia đình, tôi không còn mơ ước điều gì hơn.
Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện thú vị này.
SONG MINH
Bình luận (0)