Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ sĩ Tố Uyên: Giá mình biết tha thứ hơn…

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi lần gặp nghệ sĩ Tố Uyên, nghe chị nói về những vần thơ của chị và những hồi ức về người chồng đầu tiên và có lẽ là sâu sắc hơn cả – nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ, tôi luôn cảm thấy trong lòng mình một sự nao nao đến xót xa. Dường như thời gian mấy chục năm đã không thể làm già đi nổi tư duy của cô bé Nga một thuở.

Khi tôi còn nhỏ, ở tuổi 9-10, xem phim “Chim vành khuyên”, tôi có cảm giác như tất cả bọn con trai chúng tôi đều mê cô bé Nga, mê theo kiểu rất trẻ con nhưng không phải vì thế mà kém phần lãng mạn.

Và nói thực là, ở tuổi 9-10, tôi đã vô cùng mơ ước được gặp người đã đóng vai Nga trong phim, dẫu biết rằng chị Tố Uyên hơn mình tới chục tuổi (nhân vật nữ thiếu nhi đã làm đám con trai Hàng Đào chúng tôi “mê” như thế là “Em bé Hà Nội” của nữ diễn viên bây giờ đã là NSND Lan Hương, người cùng thế hệ).

Sau này, trở thành nhà báo, có cơ hội được làm quen với nghệ sĩ Tố Uyên, nói thật là tôi hơi bị “khớp” vì khoảng cách quá xa giữa nhân vật và người đã từng đóng nhân vật đó…

Rồi thời gian trôi qua, nghe thêm nhiều chuyện, trải qua nhiều sự và có lẽ là cũng hiểu ra không ít lẽ đời ấm lạnh, mỗi lần gặp nghệ sĩ Tố Uyên, nghe chị nói về những vần thơ của chị và những hồi ức về người chồng đầu tiên và có lẽ là sâu sắc hơn cả – nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ, tôi luôn cảm thấy trong lòng mình một sự nao nao đến xót xa. Dường như thời gian mấy chục năm đã không thể làm già đi nổi tư duy của cô bé Nga một thuở.

Nghệ sĩ Tố Uyên trong Chim vành khuyên

Và tôi có cảm giác rằng, dẫu từng ấy năm trôi qua, chị Tố Uyên vẫn giữ trong lòng mình những rung động và nhận thức về người chồng đồng lứa Lưu Quang Vũ như khi hai người còn mặn nồng hương lửa và vật vã sinh nhai với trái tim đầy thế sự nhưng cũng rất đỗi hồn nhiên, hồn hậu.

Là kẻ hậu sinh, tôi không dám mạo muội phán xét về tình yêu và chia ly của cặp vợ chồng rất ấn tượng này của làng văn học nghệ thuật nước nhà nửa cuối thế kỷ XX nhưng thực sự tôi rất muốn chia sẻ những suy tư của chị Tố Uyên trong những ngày này, khi lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ vẫn đang còn gợi lên những ký ức hôi hổi nóng.

Anh Lưu Quang Vũ, như chúng ta đều biết, đã ra đi một cách bất ngờ vào tháng 8/1988 trong một tai nạn giao thông, cùng với người vợ lúc đó là nữ sĩ Xuân Quỳnh và đứa con chung của hai người, cháu Lưu Quỳnh Thơ.

Trong dịp tưởng niệm này, ít ai nhớ tới chị Tố Uyên, người vợ đầu của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Hai người đã có chung một đứa con trai, cháu Lưu Minh Vũ, hiện là một MC rất quen thuộc trên màn ảnh nhỏ.

Phóng viên: – Mùa thu này đã có một đợt tưởng niệm rất là rầm rộ về 20 năm ngày mất của anh Lưu Quang Vũ. Cảm giác trong lòng chị thế nào?

Nghệ sĩ Tố Uyên: – Thực sự là mình cảm thấy rất xúc động. Nói gì thì nói, anh Vũ là người đã làm nên một sự nghiệp rất lớn. Anh Vũ cũng là bố của Lưu Minh Vũ. Mình nghĩ rằng, trong giai đoạn bên nhau, những gì mình đã cố gắng chịu đựng cũng là những gì mình đã góp phần tạo điều kiện cho chồng mình làm nên sự nghiệp.

– Bây giờ chị có nhớ lần đầu tiên chị gặp anh Vũ như thế nào không?

– Mình với anh Vũ biết nhau từ lúc cùng đóng kịch thiếu nhi, khi mới lên chín mười tuổi…

– Chắc hồi đó hai người nhà ở cạnh nhau?

– Gia đình mình là gia đình nhà giáo, ở ngay đầu phố Bùi Thị Xuân. Còn anh Vũ thì ở ngay đầu phố Huế…

– Chị nói thế làm tôi nhớ tới câu thơ Nguyễn Bính: “Học trò trường huyện ngày năm ấy,/ Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ,/ Những buổi học về không có nón,/ Đội đầu chung một lá sen tơ…/ Lá sen vương vấn hương sen ngát,/ Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ,/ Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc,/ Theo về tận cửa mới tan mơ…”.

– Cũng không hẳn như thế nhưng hồi bé hai đứa chỉ thích nhau chơi chơi thôi, chứ chẳng có chuyện yêu đương gì đâu. Sau này gặp lại nhau thì lúc ấy anh Vũ đã ở trong quân đội, còn mình vừa học xong trường Múa…

– Năm ấy chị bao nhiêu tuổi?

– Đó là năm 1966…

– Khi ấy chị đã đóng phim “Chim vành khuyên” rồi…

– Đúng thế. Mình đóng vai bé Nga trong phim “Chim vành khuyên” từ những năm 1961-1962. Mình còn nhớ, khi ấy, từ trong đơn vị quân đội, anh Vũ đã viết thư về xin vé đi xem. Xem xong rồi lại viết thư nói là suốt đời sẽ phấn đấu như là bé Nga…

– Phấn đấu theo nghĩa nào?

– Như là một tấm gương ý, phấn đấu theo một hướng là hết lòng hết dạ yêu Tổ quốc của mình, muốn làm một điều tốt đẹp cho Tổ quốc của mình, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc… Như cô bé Nga trong phim “chim vành khuyên”…

– Và sau đó, hai người đã tỏ tình với nhau, đã nắm tay nhau lần đầu tiên? Anh Vũ rụt rè nói rằng, Uyên ơi, tôi yêu Uyên lắm… Khi nào vậy?

NS Tố Uyên hiện nay– Khoảng tháng 10/1966.

– Anh chị đã gặp nhau ở đâu?

– Lúc đó mình đã ra trường rồi và về nhận công tác ở Nhà hát Giao hưởng…

– Ở khu Cầu Giấy?

– Đúng rồi, ở khu Cầu Giấy. Dạo ấy, anh Vũ mỗi khi từ đơn vị về thì hay vào đó chơi và ở lại với các anh bạn là diễn viên múa, như anh Nhuận là bố của cô gì hay nói trên truyền hình ấy. Rồi các anh diễn viên múa khác như anh Thịnh, anh Kim…

– Tôi có biết, anh Kim là chồng chị Minh, con gái của bác Thương Huyền… Đó cũng là một người anh mà tôi rất quý mến… Và trong những lần tụ bạ với bạn bè là nghệ sĩ múa, anh Vũ đã tình cờ gặp lại chị và tỏ tình?

– Không phải thế. Thực ra, anh Vũ thích mình từ lâu rồi, từ lúc còn trẻ lắm. Nhưng lúc đó mình chơi với anh Vũ chỉ trên tình bạn bè thôi…

– Thế trước anh Vũ, chị đã từng yêu ai chưa?

– Chưa. Nói thật, hồi đó, mình chỉ lo phấn đấu…

– Phấn đấu để trở thành diễn viên nhớn?

– Cũng không hẳn thế. Mình muốn trưởng thành hơn trong nghề nghiệp nên mình không phân tâm cho những công chuyện khác. Anh Vũ là người yêu đầu tiên của mình. Nhận lời yêu nhau rồi thì cuối năm 1969, bọn mình đã đăng ký kết hôn.

– Thế Lưu Minh Vũ sinh năm bao nhiêu?

– Minh Vũ sinh năm 1970… Thực ra, ngay từ năm 1968, mình đã về nhà anh Vũ ở rồi, ở chỗ Phố Huế rồi. Anh Vũ bảo, các em anh còn bé lắm, em sang em giúp đỡ. Thế là mình sang, chăm sóc các em của anh Vũ. Lúc đó, cô Thơ (PGS-TS Lưu Khánh Thơ – HTQ) còn bé tí, mình sang đó còn bắt chấy, tắm rửa cho cô Thơ…

– Chị sang đó thì ở như thế nào?

– Ở nhà bên ấy đấy, ở luôn…

– Hiện đại thế ư? Chưa lấy nhau mà đã ở với nhau rồi…

– Không phải thế. Đại khái cũng chỉ như bạn bè thôi. Ban ngày thì ở bên đó, tối có thể lại về Bùi Thị Xuân. Hai nhà ở cách nhau có 50m thôi mà.

– Hồi ấy, theo cảm nhận của chị, của một vị hôn thê, lúc ở gần anh Vũ, chị có cảm thấy ánh hào quang của một nhà thơ trong anh Vũ bị suy suyển chút nào không?

– Anh Vũ lúc đấy trẻ lắm, trẻ trung và mới bắt đầu viết thôi. Mình cứ động viên cho anh ấy viết. Nói gì thì mình với anh Vũ cũng học cùng phổ thông, cùng lứa…

– Chị cảm nhận thế nào về những vần thơ của anh Vũ hồi đó?

NS Tố Uyên bên cạnh con trai Lưu Minh Vũ và các cháu

– Mình nhớ nhiều thơ của anh Vũ hồi đó lắm…

– Thí dụ?

– Như bài “Vườn trong phố” chẳng hạn. Nhà mình ở Bùi Thị Xuân cũng có một cái vườn, có giếng nước mát lành… Thực là trong trẻo!

– “Trong thành phố có một vườn cây mát/ Trong triệu người có em của ta/ Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật/ Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra./ Vườn em là nơi đọng gió trời xa/ Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng/ Con nhện đi về giăng tơ trắng/ Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi…”.

– Rồi cả “Bầy ong trong đêm sâu”…

– Đó là bài thơ tuyệt hay, rất say đắm và đầy dâng hiến: “Anh là con ong bay giữa trời lận đận/ Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao/ Em ở đâu, em ngủ ở phương nào/ Môi em thở những điều gì khe khẽ?/ Em, em gần hay em xa thế nhỉ/ Đến bất ngờ loá nắng giữa lòng đau/ Anh có hẹn đâu, anh chả nói câu nào/ Anh chỉ buồn thôi, em chỉ buồn thôi, ai biết ?/ Tóc em dài như một ngày mỏi mệt/ Em đợi chi anh, em cần chi anh?/ Anh đợi chờ em, không đợi sao đành…”.

– Rồi là “Anh bắt đầu lớn lên từ nơi ấy”, tức là khi anh Vũ nói, dù anh đi đâu về đâu thì mặt trời vẫn mọc lên từ nơi ấy. Hay là bài “Không có em anh cũng chẳng là anh/ Biết ơn bàn tay chị sắc màu hạnh phúc/ Em là rễ nối liền anh với đất/ Lại là chồi nở búp đón sương mai”… Đấy, thí dụ như thế…

– Hồi ấy, anh Vũ có chép cho chị những bài thơ anh ấy tặng cho chị không?

– Chép, chép! Có giấy trắng mực đen…

– Bây giờ chị vẫn giữ?

– Mình vẫn giữ…

– Tôi có nghe một số người nhớ lại là, hồi đó, sống trong điều kiện của đơn vị quân đội, có những đặc thù riêng của thời chiến nên một người tâm tính như anh Vũ cũng có nhiều trăn trở lắm. Chị cảm nhận thế nào về Lưu Quang Vũ của giai đoạn yêu chị trước khi cưới?

Gia đình Lưu Quang Vũ - Lưu Minh Vũ - Tố Uyên nhiều năm về trước

– Anh Vũ là người hay suy tư về nhân dân và đất nước. Tất cả chúng ta trong giai đoạn đó đều phải trải qua những vất vả, cực nhọc, hy sinh. Mọi người đều phải sống quá khổ…

– Anh Vũ có bao giờ trao đổi với chị những suy tư về việc là dường như anh ấy cảm thấy mình không làm tròn được sứ mệnh người trai của mình trong một giai đoạn có quá nhiều thử thách. Hay những cảm giác bị bó buộc trong điều kiện thời chiến mà anh cảm thấy anh không dễ thích nghi?

– Có!

– Có người kể rằng, khi lấy chị rồi, anh Vũ đã cố gắng săn sóc chị như săn sóc một búp bê xinh đẹp, đầy thơ mộng… Sáng đạp xe đưa cô vợ trẻ lên Xưởng phim làm, rồi vào quán cà phê nào đó ngồi viết thơ, đợi chiều lại đón về… Đó là sự thật hay chỉ là tưởng tượng?

– Anh Vũ đã yêu vợ lắm. Anh Vũ là một người rất chăm đọc sách và làm việc. Lúc nào cũng thế….

– Khi hai người sống với nhau hồi trẻ, chị đánh giá như thế nào về anh Vũ? Tính tình như thế nào? Thói quen như thế nào? Tác phong sinh hoạt như thế nào?

– Khi còn là vợ chồng với nhau thì anh Vũ anh ấy chăm sóc mình lắm, từng ly từng tí một ấy. Khi mình mới sinh Minh Vũ xong, sáng nào dậy, anh ấy cũng đi mua phở cho mình…

– Hồi ấy phở là món quà sang trọng…

– Đúng, là món quà sang trọng. Rồi anh Vũ lại mua thêm các thứ cho mình ăn, như sữa chẳng hạn…

– Anh Vũ có hay mua hoa tặng chị không?

– Có, nhà lúc nào cũng cắm hoa cúc vàng..

– Thế anh Vũ có bao giờ giặt giũ cho chị không hay là…

– Giặt thì ít, mình làm hết…

– Chị có là người nấu ăn tốt không?

– Mình là người nấu ăn tốt…

– Thế anh Vũ thích ăn món ăn gì ở gia đình? Và bạn bè văn nghệ sĩ của anh ấy có hay đến để “ăn vạ” gia đình bé nhỏ của chị không?

– (cười) Anh ấy thích ăn chân giò luộc ấy…

– Có nhiều mỡ ấy à?

– Đấy, có một tí mỡ là anh ấy thích, giống ông Lưu Quang Định (em trai của nhà thơ Lưu Quang Vũ, hiện là Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay – HTQ) bây giờ đấy. Ngày xưa chú Định với chú Bi toàn ăn cơm nhá của chị Uyên đấy chứ.

– Thế à? Thế chú Bi là ai?

– Là em chú Định. Mình còn đón chú ấy ở nhà hộ sinh về, tên chính thức của chú ấy là Lưu Điện Biên.

– Lưu Điện Biên bây giờ làm việc ở đâu?

– Ở phòng hành chính Sở Thể dục – Thể thao Hà Nội ấy. Hồi nhỏ, Bi còn bú tí chị Uyên cơ mà…

– Ra thế…

– Đúng thế, vì Bi cũng chỉ hơn Minh Vũ khoảng 2 tuổi thôi… Mình nhớ, hồi đó, chiều nào mình và anh Vũ cũng dắt ba đứa đi chơi (Lưu Minh Vũ, Lưu Quang Định và Lưu Điện Biên – HTQ) ngoài phố, người ta cứ bảo: Ối giời ơi, cô này trẻ thế này mà đẻ lắm thế! (cười).

– Cũng hạnh phúc, đúng không chị?

– Cũng hạnh phúc… Ai cũng khen gia đình ông Lưu Quang Thuận được một cô dâu vừa xinh vừa đảm…

– Có khi nào anh Vũ bị mặc cảm rằng, mặc dù mình rất ham muốn làm việc và có khả năng làm tốt nhiều việc nhưng lại không có chỗ để làm việc, để cống hiến hết sức mình nên không thể kiếm đủ tiền để chăm sóc người vợ nổi tiếng và xinh đẹp? Và chính vì thế nên đã nảy sinh ra những rạn nứt trong cuộc hôn nhân của hai người?

– Mình có cảm giác là có lúc anh Vũ đã bị chèn ép…

– Tại sao bị chèn ép?

– Mình cũng không biết. Đại khái là có những lúc anh ấy bảo sẽ được nhận về làm chỗ này chỗ khác nhưng rồi cũng không thấy gì. Có lẽ là do bị ai đó ghen ghét chăng?

– Cũng có thể, là vì ở những cơ quan ấy có những điều kiện nào đấy đối với cán bộ của mình mà một thi sĩ bản tính như anh Vũ thì chưa chắc đã thích ứng được. Âu đó cũng là lẽ thường tình. Mình không thể “nhập gia” một khi mình không thể “tùy tục”…

– Mình cũng không biết nữa. Nhưng thấy anh Vũ cứ như thế thì mình thương lắm. Thương lắm nhưng cũng chẳng giúp được gì…

– Thời nào thì cũng có những người tài năng mà không tìm được chỗ trọng dụng mình. Vì nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan… Có lẽ là vì không tìm được cách để thể hiện năng lực nên không thể lo gì cho vợ, thành ra anh Vũ đã bị mặc cảm dẫn tới xa rời chị chăng?

– Có thể là vì anh ấy mặc cảm do không lo toan được cho vợ. Thứ hai là, anh ấy muốn xa mình để cho mình làm sự nghiệp, vì lúc đó anh cảm thấy sự nghiệp của mình lớn lắm. Hơn nữa, mình lúc nào cũng có nhiều suy nghĩ về sự nghiệp, mình không muốn mình là một diễn viên mà mình muốn mình phải viết, mình phải làm việc gì đấy có ích hơn cho xã hội…

– Và chính suy nghĩ như thế của chị đã làm cho anh Vũ trở nên xa cách, anh coi chị như một tượng thần Vệ Nữ mà tượng thần Vệ nữ thì không ai có thể một mình làm chủ?

– Có lẽ là thế đấy…

– Có phải là vì anh Vũ nghĩ rằng một khi gia đình không có đủ những điều kiện vật chất để tôn vinh một người vợ như chị thì anh ấy không nên giữ gia đình làm gì nữa? Anh ấy nghĩ rằng chị xứng đáng với ai đó có thể lo lắng chu toàn cho chị hơn về vật chất?

– Lý do đó chỉ là một phần nhỏ thôi. Thực ra, về điều kiện vật chất thì gia đình mình lúc đó đâu có đến nỗi nào. Lương diễn viên của mình lúc đó gấp 4-5 lần người khác… Anh Vũ muốn xa mình là vì anh ấy bị một cái gì đó như là sức ép… Anh rất đau khổ khi xa mình và anh ấy nói: “Lòng anh như men rạn/ Vỡ trên bình gốm nâu/ Nếu thấy chẳng cần nhau/ Lời anh đừng nhắc lại/ Nhưng nếu còn thương yêu/ Hãy tin, anh vẫn đợi…”.

– Tôi tin vào sự chân thành của những câu thơ đó… Nhưng liệu khi anh Vũ sống cùng chị, sống gần thần Vệ Nữ, anh ấy có cảm thấy thất vọng về bản thân mình không? Liệu anh ấy có bị mặc cảm là anh ấy không đủ sức để bảo vệ thần Vệ Nữ của mình không?

– Mình nhớ, khi mình gặp những khó khăn ở nơi mình làm việc, bị chèn ép này nọ, anh ấy đã cảm thấy đau đớn lắm…

– Chị cũng không có đủ cơ hội để mà thể hiện đúng vai trò diễn viên của mình?

– Làm một nữ diễn viên xinh đẹp cũng chẳng dễ dàng gì. Đôi khi chỉ vì người ta không yêu được mình, người ta cũng gây khó dễ cho mình…

– Nhưng điều đó sẽ làm cho anh Vũ thương chị hơn chứ sao lại làm anh ấy rời xa chị?

– Anh Vũ cũng tìm cách bảo vệ mình, anh ấy bảo là anh chiến đấu bằng ngòi bút. Anh Vũ bảo, em không hiểu được, người cầm bút là người chiến đấu độc lập, còn em cần đứng dưới ánh sáng mặt trời, và em còn có con, chúng ta như một con thuyền, nếu còn ở với nhau thì chúng ta sẽ chìm xuống. Vậy nên chúng ta sẽ tách ra…

– Anh Vũ nói với chị thế?

– Đúng, anh Vũ nói với mình như thế.

– Rõ ràng là anh Vũ cũng là người biết tìm ra những lý do rất là hay ho để miêu tả những sự kiện rất là đau buồn để chia tay. Đấy là một nhà thơ bẩm sinh, đấy là nhà viết kịch bẩm sinh, có thể tìm ra những mô típ rất hay ho để mà lý giải những sự đau buồn mà không làm cho người mà mình rời bỏ cảm thấy bị tổn thương. Và để cho người ta nhớ mình mãi mãi…

– Bọn mình chia tay nhau mà không hề cãi nhau, không hề gì hết…

– Tức là…

– Bọn mình im lặng…

– Chị nghĩ rằng chia tay như thế là phải?

– Không, mình cũng bị sốc chứ, cũng đau khổ…

– Tức là người chủ động đưa ra đề nghị chia tay là anh Vũ?

– Không, chẳng phải chủ động là anh Vũ đâu. Đơn giản là một lần, khi mình đi đóng phim về nhà thì thấy có người thứ ba xuất hiện…

– Của anh Vũ hay của chị?

– Của anh Vũ chứ! Mình hiểu ra rằng, có người hàng xóm có gì quyết tâm đi vào gia đình nhà mình. Mà gia đình nhà mình lúc ấy rất là vui vẻ. Mình sống cởi mở với tất cả bạn bè của chồng, như Đỗ Chu chẳng hạn. Rồi Lâm Quang Ngọc, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Khắc Phục…

Ngày nào anh Vũ cũng mang một đống quần áo của Nguyễn Khắc Phục, vứt vào phòng mình và bảo, em giặt đi, thằng Phục nó nhờ. Lúc nào cũng thế! Với người bạn nào của anh Vũ, mình cũng xởi lởi. Cả với chị Lâm Thị Mỹ Dạ cũng thế. Đông lắm! Mình đều cơm nước cho tất cả, mình vốn là người sống như thế, sống rất là quảng đại…

– Anh chị chia tay nhau năm nào?

– Đầu năm 1973. Nhưng khi có quyết định ly hôn của tòa án rồi, mình và anh Vũ vẫn sống với nhau bình thường…

– Tức là có quyết định ly hôn rồi vẫn ở với nhau?

– Vẫn ở với nhau (cười). Hồi ấy, mình còn trẻ con, mình tưởng như thế cũng không sao. Sau thấy cô diễn viên Kim Oanh, cô ấy bảo, chúng mày ly dị sao vẫn ở với nhau? Mình mới ồ lên, thế là sai hả chị? Cô ấy bảo, thế là sai, không được đâu! (Cười). Thế là lúc ấy mình mới bắt đầu chuyển về nhà bố mình ở Bùi Thị Xuân…

– Thế trước đó, chị và anh Vũ ở nhà ai?

– Ở nhà anh Vũ trên phố Huế.

– Lúc anh chị ly dị nhau, bác Lưu Quang Thuận có đồng ý không?

– Tất nhiên là không đồng ý rồi. Bác Thuận nói rằng, hai đứa chúng mày rất là dại, đang sống với nhau như thế mà lại… Bác Thuận còn nói với người thứ ba rằng, tôi lạy cô, cô để cho vợ chồng con trai tôi yên…

– Riêng chị không nói gì?

– Không nói gì!

– Sao chị lành thế?

– Vì mình lúc đó rất nổi tiếng, mình nghĩ mọi chuyện sẽ không sao cả. Với lại, nói thực, mình còn bị ghen ngược ấy chứ, làm sao nói gì được. Với lại mình lúc đó cũng nghĩ là, anh Vũ rất có tài, có khi rời xa mình anh ấy sẽ làm nên sự nghiệp xứng đáng, mình là phụ nữ, mình sẵn sàng chìm xuống để cho người đàn ông mà mình yêu nổi lên…

– Như cầu bập bênh, em xuống thấp tức là em làm cho anh cao lên…

– Có lẽ là như thế. Mình đã ra đi hoàn toàn tay không, chỉ mang theo bé Minh Vũ. Mình là người dạy cho Minh Vũ từ những chữ A, B, C…

– Anh Vũ có săn sóc con không?

– Lúc có vợ mới rồi thì cũng khó…

– Nhà thơ một khi đã chẳng thể chu toàn được chính cuộc đời của mình thì cũng khó lo cho ai khác được, dù rất yêu thương, rất tình cảm… Đấy là tôi nói chung như vậy, chứ anh Vũ chắc là cũng đã chu đáo với đứa con trai đầu tiên của mình…

– Minh Vũ thì dù sao cũng có mẹ luôn ở bên cạnh. Nói thật, mình mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi nên sớm biết lo toan cho những người thân lắm.

– Đôi khi tôi cứ vân vi thế này về câu chuyện hôn nhân của chị với anh Vũ, nghĩ thế cũng là để tự luận về số kiếp mình thôi. Khi còn trẻ, ở xa nhau, chị là một ngọn đèn dẫn đường, là một thần tượng đối với anh Vũ.

Nhưng lúc lấy nhau rồi, gặp những trăn trở rất là phức tạp của một tâm hồn nghệ sĩ, thi sĩ, anh Vũ lại cảm thấy không chia sẻ được hết với chị nên mới tìm những nguồn cảm hứng khác, chứ thực tâm lúc nào anh Vũ cũng yêu thương và xót xa cho chị cùng cháu Minh Vũ… Có đúng vậy không chị?

– Có lẽ anh Vũ cũng không ngờ rằng, một người phụ nữ liễu yếu đào tơ như mình lại có suy nghĩ như nam giới, cũng muốn làm nên sự nghiệp…

– À, hóa ra là chị cũng có suy nghĩ như nam giới, muốn làm nên sự nghiệp. Và chính điều ấy lại làm cho anh Vũ cảm thấy hãi và anh ấy phải tìm cái gì đấy dịu dàng hơn? Người ta khác chị, có sự thể hiện nữ tính nào đấy. Mà nhà thơ lúc trẻ thường là rất thiếu tự tin…

Bây giờ thì chúng ta mới nói anh Vũ có tài, rất có tài, còn thời bấy giờ chưa chắc đã biết anh Vũ có tài đến đâu. Bản thân anh Vũ cũng có thể đã hoài nghi vào năng lực của mình, một khi ta có tài, sao ta lại không được trọng dụng?

– Có thể là như thế…

– Và biết đâu chính trong tình huống đó, anh Vũ rất cần một bàn tay có thể xoa đầu anh ấy, giúp anh ấy cảm thấy tự tin lại vào năng lực của mình, thuyết phục anh ấy tin ra rằng anh ấy sẽ là tài năng số 1!

Còn chị khi đó, với tuổi trẻ và kinh nghiệm sống còn ít ỏi của mình, đã không biết làm điều này. Và vì thế chị đã đánh mất Lưu Quang Vũ… Còn chúng tôi đã bị mất một hình tượng tình yêu rất thơ mộng và đẹp đẽ… Có phải vậy không chị?

– Không, mình lúc đó cũng biết anh Vũ là người rất có tài chứ. Chính vì biết thế nên mình mới lấy anh Vũ làm chồng. Nhưng rồi mình vẫn đồng ý rời xa anh ấy bởi vì mình cảm thấy anh ấy như một píttông, ấn anh ấy xuống thì anh ấy sẽ bật lên. Mình ra đi là mình tạo điều kiện cho anh ấy bật lên, để cho anh Vũ thể hiện được cái tài để xứng đáng ngang với mình và cho con trai sau này…

– Liệu sự nghiệp sáng tác của anh Vũ có đáng để hy sinh một tình yêu như đã có giữa anh Vũ và chị không?

– Mình nghĩ, trong cuộc đời rất cần những người như thế; rất nhiều người hy sinh trong im lặng. Hôm nay chúng ta được như thế này là nhờ hàng triệu người đã hy sinh im lặng…

– Cái đấy thì tôi hiểu rồi… Sau khi chị rời khỏi anh Vũ và một mình chị nuôi con, anh Vũ có giúp đỡ về mặt vật chất cho chị và Minh Vũ không?

– Khó, anh Vũ chả giúp được gì…

– Nhưng khi nổi tiếng rồi, anh Vũ cũng có nhiều nguồn thu nhập cao lắm cơ mà?

– Cái chính là mình vì tự ái nên mình cũng không muốn nhờ vả gì.

– Khi anh chị chia tay rồi, bác Lưu Quang Thuận đã đối xử với chị và Minh Vũ như thế nào?

– Bác Lưu Quang Thuận là một người tốt, là một ông bố tốt, chăm sóc các con tốt. Bác ấy rất quý mình… Khi mình rời khỏi gia đình rồi thì bác Thuận vẫn sang chơi bên nhà. Bác ấy bảo, con ạ, thằng Vũ nó dại lắm con ạ, nó phải biết rằng, vì con còn yêu nó thì con mới nuôi con của nó chứ…

– Nhà thơ thì bao giờ cũng dại, thường chỉ thay thế cái dại này bằng cái dại khác thôi, chứ nhà thơ thì không bao giờ khôn được… Đấy là tôi cứ suy từ mình ra…

– (cười):…

– Thế chị đã đọc hết thơ của chị Xuân Quỳnh chưa?

– Có đọc nhưng không nhiều.

– Đến bây giờ nghĩ về mối tình của chị và anh Vũ, chị có cảm giác gì?

– Đó là một đoạn đời đẹp! Rất đẹp!

– Mặc dù cái đẹp đẽ bao giờ cũng đi đôi với sự cay đắng, đau khổ, nhưng tôi nghĩ rằng, chị là một người hạnh phúc, bởi lẽ, bây giờ, đến cái tuổi này rồi, chia tay nhau rồi, đã người dương kẻ âm rồi, nhìn lại nhau thì không hề cảm thấy có cái gì oán hận nhau mà vẫn còn cảm thấy những dư vị ngọt ngào…

– Thực sự mà nói thì, lúc ấy chồng mình trẻ quá, mình cũng trẻ không thể hiểu được cái lớn lao ấy như thế nào. Giá lúc ấy anh Vũ chín chắn hơn, mà mình cũng không có cái kiểu tự ái tự cao đấy, biết tha thứ hơn, thì cũng không đến nỗi mọi chuyện lại xảy ra như thế…

– Muốn hạnh phúc thì phải biết tha thứ. Khi còn trẻ, ít ai trong chúng ta hiểu được điều này. Chị có thể nói thực được không, chị có còn yêu anh Vũ không?

– Ngay cả khi đã chia tay rồi, chỉ cần anh Vũ nói một câu là mình sẽ quay trở lại với anh Vũ ngay…

– Có bao giờ Minh Vũ trao đổi gì với chị về kịch của bố mình không?

– Không, không trao đổi…

– Chị có bao giờ trao đổi với con trai về người bố của nó không?

– Không, mình ít nói lắm, vì mình sợ con mình nó đau khổ, tổn thương nên mình không nói..

– Nhưng Minh Vũ nhìn nhận thế nào về bố?

– Thì, nó rất thương bố nó…

– Vâng, cảm ơn chị!

Theo Hồng Thanh Quang (An ninh thế giới)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)