Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ sĩ TP HCM hướng đến tác phẩm nhân văn, bám sát đời sống

Tạp Chí Giáo Dục

Xây dựng và củng cố các hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới là việc làm ý nghĩa, rất cần sự am hiểu về đời sống văn hóa, nền tảng văn hóa dân gian, tín ngưỡng. Đội ngũ nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh TP HCM cần tạo sức lan tỏa trong cộng đồng khi sáng tác những tác phẩm nghệ thuật sát thực tiễn.

Nghệ sĩ TP HCM hướng đến tác phẩm nhân văn, bám sát đời sống văn hóa - Ảnh 1.

Nghệ sĩ TP HCM tham gia chuyến đi thực tế do PGS – TS Nguyễn Ngọc Thơ tổ chức tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Thanh Hiệp

Ngày 12-4, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ – Trưởng khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học, xã hội và Nhân văn TP HCM, đã tổ chức chuyến đi thực tế cho hơn 30 nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn, diễn viên đang tham gia lớp Thạc sĩ Nghệ thuật sân khấu và Điện ảnh tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác.

Nghệ sĩ TP HCM hướng đến tác phẩm nhân văn, bám sát đời sống văn hóa - Ảnh 2.

PGS -TS Nguyễn Ngọc Thơ phân tích sự khác biệt giữa kiến trúc văn hóa đình, chùa Nam Bộ thông qua những hoa văn, họa tiết, những nét đặc trưng tiêu biểu của gốm sứ được trang trí tại Điện thờ Ngọc Hoàng. Ảnh: Thanh Hiệp

Đoàn đã đến các địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, Điện thờ Ngọc Hoàng, Chùa Bà Thiên Hậu, Nhà chú Hỏa (nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM)…

PGS – TS Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng để góp phần bảo vệ di sản văn hóa và những nền tảng văn hóa truyền thống rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự triển khai đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, trong đó văn nghệ sĩ. Đội ngũ nghệ sĩ TP HCM đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cổ vũ, tạo sức lan tỏa và đưa các hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào đời sống cộng đồng.

Nghệ sĩ TP HCM hướng đến tác phẩm nhân văn, bám sát đời sống văn hóa - Ảnh 3.

Đội ngũ nghệ sĩ TP HCM thông qua những chuyến đi thực tế đã hiểu thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc về đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Ảnh: Thanh Hiệp

"Nếu không am hiểu, không nắm vững kiến thức văn hóa và sự hình thành dòng chảy văn hóa của đất nước thì đội ngũ trí thức Việt Nam, trong đó nghệ sĩ TP HCM, không thể sáng tác những tác phẩm có giá trị" – PGS – TS Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ. Điều ông phấn khởi hơn chính là sự trao đổi, đặt những vấn đề trăn trở trong công cuộc tìm chất liệu thực tế cho những sáng tạo bám sát đời sống, góp phần bảo tồn những di sản văn hóa quốc gia.

Nghệ sĩ TP HCM hướng đến tác phẩm nhân văn, bám sát đời sống văn hóa - Ảnh 4.

NSƯT Hạnh Thúy, đạo diễn Nguyễn Minh Cao và các nghệ sĩ trao đổi với bà Lâm Thị Hoàng Oanh – Trưởng Ban Quản lý Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Thanh Hiệp

NSƯT Trịnh Kim Chi cho rằng những chuyến đi thực tế này không chỉ bổ sung cho luận văn thạc sĩ nghệ thuật mà các nghệ sĩ đang hướng tới, mà còn giúp đội ngũ sáng tạo hiểu rõ hơn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó".

"Sau chuyến đi này, chúng tôi cảm nhận sâu sắc ý thức hoàn thành sứ mệnh đối với môi trường sáng tạo mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển của TP HCM. Các nghệ sĩ hiện nay đã có nhiều điều kiện để sáng tạo, được cổ vũ, động viên kịp thời và đời sống văn học nghệ thuật qua những chuyến thực tế như thế này đã cho ra đời hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm thực sự trở thành những "giai điệu tự hào", cổ vũ thế hệ trẻ bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc" – NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)