Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nghệ sĩ trẻ Việt bất ngờ được Thủ tướng Pháp gửi thư cảm ơn

Tạp Chí Giáo Dục

Ấn tượng đặc biệt với bản Scherzo số 2 của Chopin do thạc sĩ, nghệ sĩ piano trẻ Lưu Đức Anh biểu diễn ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mới đây Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã gửi lời cảm ơn và thư chúc mừng đến thạc sĩ Việt.

Trên trang cá nhân của mình, Lưu Đức Anh vừa vui mừng chia sẻ: “Món quà nhỏ bất ngờ buổi sáng; thư cảm ơn và chúc mừng của Thủ tướng Pháp sau buổi biểu diễn ngày 3/11 vừa rồi. Vô cùng tình cờ khi bản Scherzo số 2 của Chopin, một tác phẩm trong chương trình là bản nhạc mà Bà ngoại của thủ tướng, cũng là một nghệ sĩ Piano thường chơi khi ông còn nhỏ. Vì vậy nên ông đã có ấn tượng đặc biệt với tác phẩm này”.

Trong thư Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam gửi Đức Anh có đoạn viết: "Màn biểu diễn thần kỳ, sâu sắc và đầy cảm hứng của ông với tác phẩm Scherzo của Chopin đã kết hợp hài hòa cùng vẻ đẹp kiến trúc của nơi này, cho phép cảm nhận hơn nữa sự tuyệt vời của tác phẩm này".

Những người hâm mộ và bạn bè của nghệ sĩ piano 9X ngay lập tức bày tỏ niềm tự hào, ngưỡng mộ và gửi hàng loạt lời chúc mừng đến nghệ sĩ trẻ tài tăng.

Lời cảm ơn và thư chúc mừng từ Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhờ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam gửi tới nghệ sĩ Lưu Đức Anh.

Được biết, tối 3/11 Thủ tướng Pháp Édouard Philippe cùng phái đoàn đã tới thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám để tham quan trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Pháp, nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam.

Nghệ sĩ Piano Lưu Đức Anh, tốt nghiệp đại học và thạc sĩ tại Nhạc viện hoàng gia Lìege (Bỉ) và chương trình nâng cao tại Học viện âm nhạc Malmo (Thụy Điển).

Trao đổi với PV, Lưu Đức Anh chia sẻ: “Buổi biểu diễn ở Văn Miếu là diễn ngoài trời, không giống như diễn trong phòng hòa nhạc. Âm thanh khó điều khiển hơn, ánh sáng cũng không theo ý muốn. Lúc đó trời lại tối nữa nên gần như mình không nhìn thấy phím đàn. Nói chung là không hề thoải mái chút nào. Nhưng lãnh đạo thành phố và chương trình cũng sắp xếp được một cây đàn tốt nên phần biểu diễn của mình vẫn diễn ra tốt đẹp.

Vì Thủ tướng Pháp khá bận nên chương trình cũng ngắn gọn. Ngay sau khi chương trình kết thúc, Thủ tướng được các vệ sĩ hộ tống đi ngay lập tức nên mình cũng chẳng có cơ hội được gặp mặt. Nhưng mà rất bất ngờ là Thủ tướng có cử một trợ lý chạy quay trở lại để gặp riêng mình và nói lời cảm ơn và chúc mừng”.

Đức Anh từng đoạt giải nhất cuộc thi Andree Charlier ở Bỉ năm 2016, giải nhất tại cuộc thi piano quốc tế Leopold Godowsky ở Ba Lan năm 2014.

Nghệ sĩ 9X nói thêm: “Qua lời kể lại thì một bản nhạc mình chơi hôm đó cũng tình cờ là bản nhạc của bà của Thủ tướng thường chơi khi ông còn nhỏ, vì vậy nên ông có ấn tượng đặc biệt với phần biểu diễn của mình.

Mình cũng thấy rất tự hào khi là một đại diện của Việt Nam để trình diễn âm nhạc cổ điển của Châu Âu cho người Châu Âu nghe. Nhận được phản hồi tích cực thì mình cũng thấy rất vui và là nguồn động lực nho nhỏ để tiếp tục trên con đường sự nghiệp”.

Thạc sĩ Lưu Đức Anh là một trong những nghệ sĩ piano trẻ nổi bật của Việt Nam hiện nay với nhiều giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế. Anh là đồng sáng lập của tổ chức Maestoso, startup tiên phong của Việt Nam về tổ chức hòa nhạc cổ điển, nhóm đã tổ chức rất nhiều chương trình hòa nhạc thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và đặc biệt là những buổi hòa nhạc miễn phí tại Nhà thờ lớn Hà Nội.

Theo học piano từ nhỏ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, sau khi tốt nghiệp xuất sắc hệ trung cấp, Lưu Đức Anh sang học tại Học viện âm nhạc Hoàng gia của Vương Quốc Bỉ và tốt nghiệp thủ khoa học viện danh tiếng này.

Trong suốt quá trình học tập, Đức Anh đã giành được rất nhiều giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế như: Giải nhì cuộc thi âm nhạc quốc gia mùa thu tại Hà Nội năm 2007, giải nhì cuộc thi Classical Sonata tại Sydney, Australia năm 2009, giải nhì cuộc thi Piano quốc tế lần thứ nhất tại Hà Nội năm 2010, giải nhì cuộc thi piano toàn vương quốc Bỉ năm 2014, giải Nhất cuộc thi piano Leopold Godowsky quốc tế tại Ba Lan năm 2014 và giải nhất cuộc thi âm nhạc Andree Charlier năm 2015 tại Bỉ.

Ngoài ra, anh đã biểu diễn tại rất nhiều sân khấu lớn tại Bỉ, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Nhật,… Những buổi biểu diễn thành công ở thế giới và Việt Nam cùng sự đón nhận của khán giả trong và ngoài nước, chính là động lực để chàng trai trẻ này vững bước trên con đường mà mình đã chọn, vươn tới những đỉnh cao mới trong sự nghiệp âm nhạc.

Với những thành tích xuất sắc, anh đã được đề cử là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô và Mười gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc năm 2017.

Biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn trời Âu, Lưu Đức Anh chia sẻ: “Tham gia vào các buổi biểu diễn không chỉ để anh thỏa mãn tình yêu âm nhạc mà còn là cách giúp anh có thể học hỏi, giao lưu với những người có chuyên môn và thành công trong lĩnh vực âm nhạc. Qua đây, góp phần khẳng định tên tuổi của người Việt Nam trong các cuộc thi âm nhạc thế giới”.

Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh ấp ủ chuỗi chương trình đưa âm nhạc cổ điển đến với mọi người.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh vẫn đang nỗ lực hết mình trong quá trình tập luyện để có thể đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng VIệt Nam. Vừa hoàn thành chương trình nâng cao tại Học viện âm nhạc Malmo, Thụy Điển cách đây không lâu, Lưu Đức Anh trở về Việt Nam một thời gian, anh đang làm việc tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với người trẻ Việt là một trong những mong muốn lớn của Đức Anh.

Anh chia sẻ: “Đưa người trẻ Việt tới với nhạc cổ điển không có nghĩa là ép họ phải thích dòng âm nhạc này. Những dự định của mình đơn giản là giúp tất cả khán thính giả, không chỉ người trẻ có được nhìn nhận đúng đắn hơn về thể loại nghệ thuật này và nhận ra được sự quan trọng của nó".

Nhắn nhủ tới những bạn trẻ Việt muốn theo đuổi âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp, nghệ sĩ Lưu Đức Anh bày tỏ: “Điều mình muốn gửi gắm nhất đến các bạn là tuy đây là một con đường rất dài, rất tốn kém và khó khăn nhưng âm nhạc cổ điển ở Việt Nam hiện vẫn đang rất cần sự đóng góp của thế hệ trẻ. Nó không mang lại lợi ích về tài chính ngay cho các bạn như những ngành nghề khác nhưng nó mang lại cho các bạn một sứ mệnh để cuộc sống của các bạn trở nên ý nghĩa hơn. Mong các bạn cùng đoàn kết và không bao giờ nản chí trên con đường gian nan này”.

Theo Lệ Thu/Dân Trí. Ảnh: NVCC
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)