Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ sĩ và những danh hiệu vượt thời gian!

Tạp Chí Giáo Dục

Những danh hiệu này do chính khán giả yêu mến và trao tặng cho các nghệ sĩ – ca sĩ thần tượng của mình. Và cho đến nay, những danh hiệu ấy đã thật sự vượt thời gian, không có người thay thế…


“Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết

Từ nghệ sĩ…

Năm 1963, khi nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết vừa nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm trong vở Tàn một kiếp hoa trên Sân khấu Thống Nhất thì soạn giả Hoa Phượng đã tuyên bố: “Bạch Tuyết là Cải lương chi bảo, cô đào này có biệt tài sáng tạo và óc thông minh, sẽ còn tiến xa hơn nữa…”. Có nhiều người cho rằng Hoa Phượng quá đà khi đưa Bạch Tuyết “lên mây”, nhưng ông chỉ cười: “Cứ chờ xem thì sẽ thấy lời tôi nói không sai”.

Và quả thật như vậy, sau đó không lâu, trên các trang báo kịch trường cũng như khi xuất hiện trên sân khấu, cái tên Bạch Tuyết được đi kèm với tên gọi Cải lương chi bảo. Danh hiệu này đã song hành cùng với Bạch Tuyết và hàng triệu khán giả hâm mộ nghệ thuật cải lương suốt 50 năm qua thật sự xứng đáng!

Trong số các nam danh ca cùng thời như Minh Cảnh, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm, Thành Được, Thanh Sang… thì Tấn Tài là một trường hợp rất đặc biệt. Ngay lần đầu tiên bước lên sân khấu chuyên nghiệp – Đoàn cải lương Bướm Vàng của ông bầu Văn Thà năm 1959, Tấn Tài đã đảm nhận ngay vai chính. Sau đó, với chất giọng ngọt ngào truyền cảm, buồn man mác rất đặc trưng, ông được Hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên ký hợp đồng độc quyền đầu tiên, rồi liên tục các hãng đĩa khác mời chào. Với số lượng khoảng 400 bài vọng cổ và 200 tuồng cải lương được thu đĩa, ông được báo chí kịch trường lúc bấy giờ đặt biệt danh “Hoàng đế đĩa nhựa”. Lúc sinh thời, Tấn Tài giải thích: “Hồi ấy bên Mỹ có ông vua nhạc rock Elvis Presley thì Việt Nam cũng có ông hoàng đĩa nhựa chăng. Nói cho vui vậy thôi chứ có lẽ vì lúc đó tôi giữ kỷ lục mỗi ngày thu 5-6 đĩa hát, có đĩa tiêu thụ gần 1 triệu bản chỉ trong một ngày nên các ký giả mới ưu ái như vậy”. Năm 1963, Tấn Tài về cộng tác với đoàn Thủ Đô, với vai Điệp Nhứt Lang trong vở Cát Dung Phương Tử của soạn giả Thiếu Linh, ông đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm (cùng năm với các nghệ sĩ Diệp Lang, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Mộng Tuyền và Trương Ánh Loan). Những “bản ruột” của ông như: Bông ô môi, Xuân trên đất khách, Nhớ vợ hiền, Áo em tím sắc hoa cà, Sở Bá Vương, Nhẫn cỏ cho em, Hàn Mạc Tử, Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, Tâm sự anh gù, Qua đò Mỹ Thuận… và các tuồng cải lương: Bóng hồng sa mạc, Tình sử Dương Quý Phi, Chiều đông gió lạnh về, Tiếu ngạo giang hồ, Bụi mờ ải nhạn, Lệnh Hồ Xung, Băng Tuyền nữ chúa… đến nay vẫn luôn làm nức lòng của khán giả mộ điệu. Đặc biệt là vai A Li Khang trong Bóng hồng sa mạc gần như không có “đối thủ”.


“Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài

Cố nghệ sĩ Út Bạch Lan với chất giọng trầm buồn, mùi mẫn, mỗi khi cất tiếng ca lên là như lôi cuốn lòng người, nhất là khi hát bài Lan và Điệp. Danh hiệu “Sầu nữ Út Bạch Lan” đã gắn liền trong tên gọi của bà suốt hơn 60 năm. Chỉ cần nghe qua danh hiệu là có thể cảm nhận được giọng ca và khả năng biểu diễn của cố nghệ sĩ.

Cố nghệ sĩ Út Trà Ôn cũng được khán giả và giới báo chí trân trọng gọi là “Ông vua vọng cổ”, bởi lẽ những bài vọng cổ mà ông trình bày khó ai có thể trình bày lại thành công hơn được như: Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Tôn Tẩn giả điên… Một “Kỳ nữ Kim Cương” và cho đến hôm nay vẫn chưa có ai có thể thay thế và sánh ngang tài biểu diễn của chị trong lĩnh vực kịch nói. Không chỉ đơn thuần khi họ được ban tặng những danh hiệu, mà sự đóng góp của họ trong lĩnh vực nghệ thuật chính là thước đo cho những danh hiệu mà họ mang trong người.  “Tiếng hát Khôi Nguyên” dành tặng cho nam nghệ sĩ Minh Vương có chất giọng trời phú tuyệt vời. Hay giọng ca của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu đặc biệt đến nỗi trở thành một “Dây Mỹ Châu” riêng biệt mà ai cũng phải công nhận. Vóc dáng nhỏ nhắn, thường vào những vai tuồng xã hội tuyệt vời, cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ được khán giả tặng danh hiệu “Búp bê sàn gỗ”; “Quái kiệt Tùng Lâm” cho đến nay vẫn luôn xứng đáng với danh hiệu này; “Hề nhựa” Thanh Hoài cũng tạo được nét đặc trưng của mình qua tiếng nói nhừa nhựa rất lạ và dễ nhớ; Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng gắn liền với danh hiệu “Người đẹp Bình Dương” cho đến ngày bà mất…

Đến ca sĩ…

So với các ca sĩ cùng thời như Lan Ngọc, Hồng Vân, Hoàng Oanh… thì nữ ca sĩ Giao Linh gặp rất nhiều may mắn trên con đường đến với nghệ thuật. Chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp năm 17 tuổi, lập tức Giao Linh đã được giới chuyên môn và khán giả mệnh danh là “Nữ hoàng sầu muộn” bởi trên sân khấu, hiếm khi thấy Giao Linh nở nụ cười, giọng hát thì trầm buồn, nức nở giống như tâm trạng những nhạc phẩm mà bà trình bày.

Chính giọng hát của Giao Linh đã làm cho một số nhạc phẩm như Lòng mẹ (Y Vân), Thầm kín (Phượng Linh), Mười năm tái ngộ (Thanh Sơn), Tiếng xưa (Dương Thiệu Tước)… trở nên nổi tiếng. Cho đến hôm nay, nhắc đến ca sĩ Giao Linh, khán giả vẫn dành cho chị một tình cảm yêu mến nồng nàn. Đó chính là phần thưởng vô giá mà bà sở hữu được trong suốt hơn 50 năm đi hát.


“Tiếng hát để đời” Bảo Yến

Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp ca hát, nữ ca sĩ Trang Mỹ Dung đã tạo dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu mến nhạc trữ tình. Bất kỳ ai biết đến bà cũng đều phải công nhận một điều, bà là một người rất hiền lành, ít nói hay cười, có lẽ chính điều đó đã tạo cho bà một giọng ca trầm buồn, sâu lắng, không lẫn với bất cứ một ai. Khán giả tặng cho bà danh hiệu “Giọng hát liêu trai” bởi giọng hát của bà rất lạ, thu hút hồn người giống như có “ma quái” vậy.

Sau năm 1975, cũng có nhiều ca sĩ được khán giả tặng cho các danh hiệu như: “Tiếng hát để đời” Bảo Yến, “Người đàn bà hát tình ca” Hồng Hạnh, “Rock rừng Tây Nguyên” Siu Black, “Di – va” Thanh Lam – Hồng Nhung – Mỹ Linh… rất xứng đáng. Bởi khi các nữ danh ca này cất lên tiếng hát thì khán giả nhận ra ngay và không ai có thể thay thế được tên tuổi của họ.

Hiện nay, cũng có hàng trăm danh hiệu gán cho giới nghệ sĩ – ca sĩ như “Ca sĩ Búp Bê A.B”, “Hoàng tử Q. X. Z”, “Nụ cười vàng M, K…” rồi đến các danh hiệu “Truyền hình chi bảo”, “Tiếng hát vàng dài hơi”, “Nữ hoàng rock trẻ”… Nhưng những danh hiệu này khó lòng mà có chỗ đứng và tồn tại lâu dài bởi đây chỉ là một sự bộc phát nhất thời, không có sự công nhận rạch ròi của công chúng. Nói một cách chính xác đây chỉ là những “danh hiệu ảo” do các bầu show tung hô chứ không phải do chính khán giả hâm mộ ban tặng.

Anh Khôi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)