Bài 3: NSƯT Lý Huỳnh:“Lý Huỳnh film” tái xuất
NSƯT Lý Huỳnh |
Tên tuổi của NSƯT Lý Huỳnh đã trở nên quen thuộc với khán giả yêu điện ảnh cả nước qua các bộ phim: Mùa gió chướng, Hòn đất, Vùng gió xoáy… Ông có 6 người con thì đã có 4 người nối nghiệp bố: Lý Sơn (đạo diễn), Lý Hùng – Lý Thanh – Lý Hương (diễn viên điện ảnh – ca sĩ). Tiếng tăm của ông còn được nhắc đến trong vai trò một người sản xuất phim. Niềm đam mê hoạt động ở lĩnh vực điện ảnh của ông – dù trong vai trò là diễn viên hay nhà sản xuất, lúc nào cũng cháy bỏng như nhau….
Tiền + sự mới mẻ = thành công
Năm 1989, NSƯT Lý Huỳnh là người đầu tiên hợp tác với các đơn vị sản xuất phim nhà nước mà tiêu biểu là Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu cho ra mắt bộ phim nhựa Lửa cháy Thành Đại La (đạo diễn Lam Sơn) với hai diễn viên chính là Lý Hùng – Mộng Vân, doanh thu thành công ngoài dự tính. Điều đó tạo cho ông niềm phấn khởi để tiếp tục hợp tác và “trình làng” khán giả hai bộ phim nhựa Thăng Long đệ nhất kiếm và Thanh gươm để lại. Bộ phim nào cũng thu hút trên 100 ngàn lượt người xem. Giải thích sự thành công này, NSƯT Lý Huỳnh cho biết: “Trước đó, hầu hết phim đề tài lịch sử Việt Nam đều nặng về chính trị. Chính vì vậy, những bộ phim về đề tài lịch sử của tôi có thêm võ thuật đã tạo nên sự mới lạ, đáp ứng được nhu cầu đi xem của thanh niên”. Cũng chính trong thời gian này, ông nhận được rất nhiều thư yêu cầu làm phim về đề tài tuổi học trò. Vậy là ông đã quyết định “làm mới” phim mình. Từ năm 1990 -1992, ba tập phim Nước mắt học trò do Lý Sơn đạo diễn với các diễn viên Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Hữu Nghĩa, Lý Hương, Mộng Vân, Hồng Đào… đã trở thành bộ phim ăn khách nhất thời điểm đó, thu hút trên 200 ngàn lượt người xem.
Làm phim tư nhân thời thị trường, tiền cộng với sự mới mẻ là đã đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Chính vì nắm bắt được điều đó, ông cho ra đời hàng loạt phim về đề tài hình sự (chống buôn lậu ma túy), như Phi vụ Phượng Hoàng, Truy nã tội phạm quốc tế (hợp tác với Đài Loan) với sự tham gia của Lý Hùng, Giáng My, Tiền Tiểu Hào, Hà Gia Cư, Lâm Văn Quân, đặc biệt là hai phim Kế hoạch 99 và Hồng Hải tặc (hợp tác với Hãng phim Hồng Kông) đạt doanh thu mỗi phim trên 3 tỷ đồng. Từ khi nhà nước mở cửa, nhiều bộ phim nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…) nhập vào, khán giả đến rạp xem phim thưa dần, đó cũng chính là lý do vì sao sau bộ phim Nước mắt buồn vui (sản xuất năm 2002), NSƯT Lý Huỳnh “án binh bất động” chờ thời cơ.
Tái xuất với Tây Sơn hào kiệt
Tháng 8-2003, Lý Huỳnh đã khai trương trụ sở hãng phim Lý Huỳnh Film tại nhà riêng. Hai kịch bản Nữ vệ sĩ siêu đẳng và Viên đạn tốc độ đã có đạo diễn, chọn cảnh, chọn diễn viên xong hết nhưng ông vẫn chưa dám bấm máy bởi vấn đề nan giải trong thời gian này là tìm đầu ra cho từng bộ phim. “Đứng trước hai ẩn số: thị hiếu khán giả và mạng lưới phát hành phim, tôi chờ đợi nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi mới có thể bắt đầu. Bởi lẽ nếu đầu tư làm một bộ phim mà cầm chắc phần lỗ thì sao dám làm, làm sao có vốn để tái sản xuất. Thật sự chẳng cần lời, chỉ cần thu hồi vốn là vui rồi” – NSƯT Lý Huỳnh cho biết.
Thời gian qua, các hãng phim tư nhân Phước Sang, Thiên Ngân, Đào Thu, Nguyễn Chánh Tín… đã tạo nên một làn sóng mới cho phim Việt Nam, “kéo” được khán giả đến rạp khiến cho Lý Huỳnh rất vui mừng. Ông quyết định bằng mọi giá phải sản xuất phim trở lại. Các thành viên trong gia đình cũng ủng hộ quyết định này của ông. Sau một thời gian dài chuẩn bị, đầu tháng 3 vừa qua, ông đã chính thức khởi quay bộ phim cổ trang Tây Sơn hào kiệt dài 120 phút (đạo diễn Lý Huỳnh, Lý Hùng, Phượng Hoàng) với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Bộ phim sẽ tái hiện một giai đoạn lịch sử hùng tráng khi nghĩa quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ thần tốc ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng: Lý Hùng (vai Hoàng đế Quang Trung), Hoa hậu Thùy Lâm (Công chúa Ngọc Hân), Lý Hương (Đô đốc Bùi Thị Xuân), Lý Huỳnh (Nguyễn Nhạc), Công Hậu (Lê Chiêu Thống), Đoàn Dũng (Tôn Sĩ Nghị)… Lý Huỳnh cho biết: “Trong phim có nhiều cảnh quay lãng mạn, đẹp và tình tứ giữa vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân để làm dịu mát, dung hòa những cảnh chiến trận, máu lửa… Vì là phim lịch sử, nên chúng tôi muốn tất cả các chi tiết trong phim phải chân thực. Chúng tôi sẽ huy động hơn 22 ngàn lượt diễn viên quần chúng, 120 cascadeur, 100 ngựa đua, 100 voi chiến, 1.000 binh khí, 200 võ sư, trong đó có nhiều võ sư ở Bình Định, nhằm tái hiện một cách sinh động các trận chiến của Hoàng đế Quang Trung. Những màn đấu võ trong phim do các võ sư thực hiện thật, kết hợp với kỹ xảo điện ảnh để thu hút người xem. Thông qua bộ phim, chúng tôi cũng muốn tái hiện vẻ đẹp của võ Việt Nam, đặc biệt là dòng võ Tây Sơn. Đây là bộ phim thứ 31 của gia đình tôi, cũng là bộ phim mà tôi dành nhiều tâm huyết nhất, hy vọng sẽ để lại được dấu ấn đặc biệt với khán giả…”
Cuộc sống kinh tế gia đình Lý Huỳnh hiện tại rất ổn định, các con ông đều đã thành đạt và có vị trí trong xã hội. Bản thân ông đã tham gia trên 52 bộ phim đồng thời đoạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Với ông, điện ảnh lúc nào cũng là số một, luôn tâm huyết và tìm mọi cách đưa nền điện ảnh nước nhà phát triển. Chính nhờ điều đó mà ông đã được nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1996, Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa” năm 1999 và bằng khen “Gia đình nghệ sĩ văn hóa cấp quốc gia”.
Bài 4: Nghệ sĩ hài Minh Nhí và Anh Vũ: Từng phá sản vì kinh doanh
SONG MINH
Bình luận (0)