Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ sĩ vĩ cầm đường phố

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giữa lòng thành phố tấp nập, một góc công viên 30-4 (Hàn Thuyên, quận 3, TPHCM) vẫn ngày ngày vang lên tiếng violin êm đềm, xua cái nhịp hối hả của dòng người qua lại. Tiếng đàn xuất phát từ một ông lão râu tóc bạc phơ…

Nghệ sĩ “đường phố” Tạ Trí Hải chơi đàn tại Công viên 30-4

Ông là Tạ Trí Hải, 70 tuổi, gốc Hà Nội. Ông chơi đàn từ 60 năm nay. Ông có thể chơi được violin, mandolin và harmonica rất điêu luyện. Tiếng đàn theo ông từ những năm tháng chống B52 địch trên bầu trời Hà Nội, cùng đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, rồi khi ông còn là kỹ sư của ngành cao su.

Như cái cách ông đùa, vào thành phố chỉ mới 32 năm, và khoảng hơn hai năm nay, ông chọn âm nhạc như một cách kéo cuộc sống chậm lại, sống chia sẻ…

Mới đầu, mọi người rất ngạc nhiên khi thấy ông ngày ngày mang đàn ra dạo tình tang, trong khi ngoài đường tiếng xe cộ, tiếng người chen chúc. Nhưng trong cái xô bồ đó, tiếng đàn của ông vẫn len lỏi, đánh thức thính giác và dần trở nên quen thuộc hơn với những người ngày ngày đi qua con đường này.

Người đến nghe tiếng đàn của ông ngày càng nhiều. Thấy nhiều sinh viên mê nhạc, ông lập CLB Ngàn Sao, tập hợp một số sinh viên và những người yêu nhạc, dạy đàn cho họ tại chính công viên.

Khi CLB mạnh, ông bắt đầu lưu diễn ở nhiều nơi khác. Thường buổi tối ông đến chơi nhạc ở phố Tây Balo trên đường Pham Ngũ Lão. Ngày cuối tuần ông lại quay về công viên 30-4, nơi ông tìm được sự bình yên và thanh thản. Tính ông vốn hiền, gần gũi, lại vui vẻ, nên nhiều đứa bé cứ đòi lại gần chụp hình, được ông bồng bế trên tay.

Nhiều bạn trẻ yêu nhạc cũng nhờ đó mà gắn kết hơn. Không nhận là thầy, nhưng ông Hải vẫn chỉ bảo nhiệt tình cho các bạn về kĩ năng chơi nhạc. Có những buổi chiều một nhóm sinh viên mang đàn guitar cùng ông hòa tấu rộn ràng cả một góc phố.

Nhiều người nước ngoài thấy vậy cùng chung nhịp vui, góp thêm lời ca tiếng hát. Đó là những phút giây ông thấy hạnh phúc nhất.

Và quyển lưu bút thứ chín

Và khoảng hơn 2 năm nay, ông chọn âm nhạc như một cách kéo cuộc sống chậm lại, sống chia sẻ…

Nhiều người đến với tiếng đàn của ông rồi quay lại, nhưng nhiều người cũng như làn gió bay đi. Vậy mà ông vẫn luôn lưu giữ được hình ảnh của họ.

Gặp ai yêu mến ông đều nhờ họ ghi đôi dòng vào quyển lưu bút của mình. Chỉ đơn giản là những cảm xúc, suy nghĩ, lời chúc, số điện thoại hay địa chỉ liên lạc.

“Cảm ơn ông vì những tiếng nhạc trong veo giữa đời ồn ã” (Quang Thanh), “Gặp tiếng đàn ông trong công viên, tôi gặp được niềm hạnh phúc bất ngờ, tâm hồn trẻ lại” (Xuân Chi).

Bên cạnh những dòng lưu bút đó, còn có những dòng chữ tiếng Hàn, Nhật, Anh, Pháp… của những Martin, Jessica, Amy… đề tặng.

Ông Hải nhớ lại: “Có một ông người Pháp tên Roland mời ông uống café và vẽ cho ông một bức chân dung ngay trên sổ”. Cuốn lưu bút của ông ngày càng dày lên, và ông phải thay cuốn khác, đến nay lên đến con số chín.

Tối đến, ông trở về căn phòng trọ độc thân trên đường Nguyễn Huệ, nghĩ về những ngày tháng đã qua trong cuộc đời, ông chẳng có gì phải hối tiếc.

Hoài Nam (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)