Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nghề tay trái, hái ra tiền

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với các dụng cụ tự chế, nghệ nhân Võ Văn Phúc đã biến những viên đá thô ráp trở thành tuyệt tác

Trong ngôi nhà của nghệ nhân Võ Văn Phúc (số 231/44 Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận – TPHCM) nhìn đâu cũng thấy đá và đá. Ngay cửa ra vào là hòn non bộ bằng đá đủ màu sắc; cạnh hòn non bộ là một chú hổ bằng đá mã não nặng gần nửa tấn mà ông sưu tầm tận Đắk Nông. Trên bàn thờ là bức tượng Bác Hồ và tượng Phật Thích Ca bằng đá được ông đặt trang trọng. Chiếc bàn rộng gần 4 m2 đặt giữa nhà cũng được làm từ đá. Ở góc phòng là chiếc tủ trưng bày đầy những vật dụng bằng đá như bình trà, tách, chén, dĩa, đồ trang sức… “Gia tài của tôi chỉ có thế”- ông nói khi đưa tôi xem những vật dụng mà ông đã dày công tạo ra suốt hơn 20 năm qua.

Nghệ nhân Võ Văn Phúc với chiếc bàn làm việc và những tác phẩm bằng đá

 

Hiện Việt Nam có hơn 2.000 loại đá khác nhau và đó là thế mạnh cho những người thích sưu tầm. Trong thời gian tới, chi hội sẽ thành lập CLB đá cảnh để mọi người chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết làm đá. Chúng tôi đang ấp ủ kế hoạch thành lập công viên đá và siêu thị đá để du khách tham quan, mua sắm.


Nghệ nhân Võ Văn Phúc

Biến đá thành tác phẩm nghệ thuật

Nói đến nghệ nhân làm đá tại TPHCM, ngoài những tên tuổi nổi danh như nhà sưu tầm đá Lê Văn Sâm, nghệ nhân Ba Vạn thì nghệ nhân Võ Văn Phúc cũng là bậc thầy trong việc đóng góp, phát triển ngành nghề. Với những tác phẩm nghệ thuật từng đoạt giải tại các hội thi do Hội Sinh vật cảnh TPHCM tổ chức như: Chúa tử nạn (giải vàng 2007); Giác ngộ (giải vàng 2008), nghệ nhân Võ Văn Phúc đã đem đến cho mọi người những tác phẩm  tuyệt vời từ bàn tay khéo léo của mình.
Làm đá là nghề tay trái nhưng đã nuôi sống cả gia đình ông. Vốn là công chức Nhà nước, đồng lương trầy trật nên từ năm 1987, ông tập tễnh vào nghề mua bán đá quý. Trong quá trình làm đá, ông thấy có những viên đá cần phải mài, chỉnh sửa để tăng thêm vẻ đẹp. Từ đó, ông nghĩ đến việc “tô điểm” cho đá. Cầm viên đá ruby có hình tượng Phật Quan Âm nhỏ nhắn có những đường viền được đánh bóng khéo léo, ông nói: “Thời đó, máy mài, cắt và đánh bóng rất khan hiếm. Tôi phải tự chế dụng cụ đánh bóng trên những khe đá”. Với những dụng cụ tự chế ấy, nghệ nhân Phúc đã biến những viên đá thô ráp thành tuyệt tác, làm mê mẩn biết bao khách hàng.
Giữ cho nghề không mai một 

Khi trở thành người thợ cắt mài đá quý hàng đầu, nghệ nhân Phúc không khỏi trăn trở khi thấy ở Việt Nam có nhiều mỏ đá nhưng ít ai nghĩ đến việc làm đá điêu khắc. Thâm nhập lĩnh vực mới này, hằng ngày, sau giờ làm việc, ông đi lùng mua sách về đá để tìm tòi, nghiên cứu. Làm đá điêu khắc khác với đá quý ở chỗ phải qua nhiều công đoạn như cắt, mài, chạm phác thảo, chạm chi tiết, đánh bóng… “Đặc biệt, phải cắt sao cho phù hợp để vân đá nổi lên, làm bật chủ đề muốn thể hiện” – ông nói.
Để minh họa cho lời nói của mình, ông cho tôi xem tác phẩm Chúa tử nạn làm bằng đá đa sắc: Trên khuôn mặt có nhiều vết xanh đen bầm, đôi mắt quầng thâm, trên trán có vệt máu đỏ. Ông tâm đắc: “Tôi đã mất hơn 3 tháng để hoàn thành tác phẩm này. Như có một cơ duyên, trong quá trình đánh bóng, những chi tiết trên khuôn mặt tác phẩm hiện ra và tôi đã cố giữ lại những chi tiết ấy”.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm đá, ngoài những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ông Phúc còn cho ra đời hàng loạt sản phẩm bằng đá khác như đồ trang sức, trang trí, vật dụng trong gia đình… Một xưởng sản xuất đá cũng được thành lập và giải quyết công ăn việc làm cho gần 10 lao động.
Hiện nay, ngoài công việc chính của một cán bộ chuyên trách ở Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, ông còn là Chi hội phó Chi hội Đá cảnh (Hội Sinh vật cảnh TPHCM). Trong vai trò này, ngoài việc tổ chức những cuộc thi để tôn vinh các nghệ nhân sưu tầm đá tự nhiên, ông còn tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức về đá. Ông cho biết: “Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm làm đá của mình với tất cả những ai yêu thích nghệ thuật này. Có như thế, nghề làm đá mới phát triển bền vững và cạnh tranh với các nước trong khu vực”.

Bài và ảnh: Huỳnh Nga (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)