Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ thuật “kinh điển” của Việt Nam: Bài 1: Bao nhiêu thế hệ đã đóng Nửa đời hương phấn?

Tạp Chí Giáo Dục

Cẩm Tiên và Trọng Hữu trong Nửa đời hương phấn. Ảnh: H.THANH

Nửa đời hương phấn (do hai soạn giả lừng lẫy Hà Triều – Hoa Phượng viết) được xem là vở cải lương “kinh điển” của Việt Nam. Chỉ có những nghệ sĩ (NS) diễn tâm lý giỏi mới được tin tưởng giao vai Hương – một cô gái “buôn hương”, luôn gặp nghịch cảnh trong cuộc đời nhưng rất tự trọng, hiếu đạo, giàu đức hi sinh.
Sức hút của những tài danh
Đầu tiên là một “Sầu nữ” Út Bạch Lan đang thời thanh xuân đã làm tăng thêm hào quang rực rỡ cho tên tuổi đại ban Thanh Minh. NS Út Bạch Lan não nùng, bi thiết trong vai Hương qua từng lời thoại và giọng ca; Hữu Phước vai Tùng với mấy câu vọng cổ khiến người nghe như thót tim khi xuống điệu song lang; Ngọc Nuôi vào vai Diệu đầy hưng phấn. Còn Tám Vân, Việt Hùng, Minh Điển, Kim Quang… tuy tham gia vai phụ nhưng rất “đều tay”. Sau Út Bạch Lan, cũng trên Sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga, NS Thanh Nga diễn vai Hương đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người xem đến bây giờ. Các diễn viên diễn cùng Thanh Nga là Hữu Phước, Thành Được, Bạch Tuyết, Kim Ngọc, Phương Quang, Diệp Lang… đều được xem là “khuôn vàng, thước ngọc”. Vai Hương do Thanh Nga đóng được xem là “kinh điển” cho các diễn viên thế hệ sau “nghiên cứu” và thể hiện. Năm 1961, Nửa đời hương phấn được quay thành phim với tên gọi là Bẽ bàng do Thái Thúc Nha đạo diễn. Phim đen trắng, màn ảnh 16 ly, “Kỳ nữ” Kim Cương vào vai Hương, các diễn viên khác là Lan Anh vai Diệu, La Thoại Tân vai Tùng, Ngọc Phu vai Can, Hoàng Mai vai chú Năm; phần nhạc trong phim do ca sĩ Thái Thanh thể hiện. Bộ phim rất thành công về mặt doanh thu. Sau ngày giải phóng, NS Phượng Liên là người đầu tiên đóng vai Hương. Rồi đến NS Bạch Tuyết cũng từng quay truyền hình và biểu diễn trên sân khấu vai này.
Vào những năm đầu tiên của thập niên 1980, các NS sống tại hải ngoại như Hữu Phước, Việt Hùng, Hà Mỹ Xuân, Mộng Tuyền… đã bỏ công sức ra dàn dựng lại vở Nửa đời hương phấn. Giọng ca của Hà Mỹ Xuân (vai Hương) hơi bị đứt quãng vì cố “ém” cho giống Thanh Nga nhưng vẫn được khán giả tán thưởng nồng nhiệt.
Đến các “ngôi sao” trẻ
Ca sĩ Như Quỳnh thủ vai chính trong DVD Nửa đời hương phấn cùng với Mạnh Quỳnh, Hoài Linh, Hương Thủy, Hương Lan… phát hành tại hải ngoại cách đây không lâu đã thắng lớn. Lần đầu thử sức mình trong lĩnh vực cải lương, Như Quỳnh đã tận dụng nét diễn và giọng ca của cô Thanh Nga rất ngọt nhưng cũng đầy sự sáng tạo mới cho mình. NS Cẩm Tiên, Trọng Hữu, Thanh Ngân, Linh Tâm, Tuấn Thanh… tham gia đóng video vở cải lương này đã trở thành cuộn băng “gối đầu giường” của khán giả mộ điệu cải lương. Các đài truyền hình cả nước cũng ưu ái chọn phát sóng liên tục. NS Cẩm Tiên rất xuất sắc với vai trò kế tục của mình. Cô đào thuộc thế hệ trẻ nhất đã hoàn thành vai Hương với đủ những ngậm ngùi, cay đắng của kiếp má hồng, đã níu giữ khán giả ngồi đến phút cuối cùng trên Sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang chính là Tú Sương. Vai cô em gái Diệu của Thy Trang và Tùng của Hoàng Nhất cùng trang lứa Tú Sương cũng chịu áp lực không kém… Tú Sương vào vai Hương tròn trịa, ngọt ngào, các đoạn tâm lý dài hơi khi Hương bị anh trai Tùng từ chối, bị bà chủ nợ sỉ nhục, bị cha đuổi khỏi nhà, Tú Sương diễn ra tâm trạng đau tủi, ê chề của một cô gái lỡ sa chân vào chốn “bùn nhơ” khao khát hoàn lương nhưng định kiến cuộc đời vùi dập chẳng buông tha bằng ánh mắt thất thần, giọng nói lạc điệu và cả sự im lặng dồn nén đau đớn. Tuy nhiên, một khoảng cách giữa hai thế hệ khiến ai cũng dễ dàng nhận ra là sự tròn vai của Tú Sương chỉ lay động được trái tim khán giả tại rạp chứ không khiến người xem “sống” cùng nhân vật khi đã ra về như các thế hệ trước đã làm được. Vở diễn còn có sự góp mặt của NS Ngọc Giàu, Kiều Mai Lý, Hữu Châu… để nâng đỡ cho các em trẻ. Trong tương lai, chắc chắn sẽ còn nhiều thế hệ trẻ diễn tiếp vở này, nhưng mức độ thành công như thế nào thì… chưa thể đoán trước được.
Tâm Lê
Bài 2: Kim Vân Kiều – bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam

Tính đến nay, vở cải lương này đã hơn 40 tuổi. Vở đã tôn vinh bút danh tài hoa của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng cũng như sự thăng hoa về tài năng và sự nghiệp cho nhiều thế hệ diễn viên đã diễn. Trong hiện trạng cải lương khủng hoảng hiện nay, có được vai diễn trong những vở tuồng như Nửa đời hương phấn là một cơ hội lớn đối với các gương mặt trẻ.

 

Bình luận (0)