Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký cắt giấy bằng chân trước bao ánh mắt thán phục của các em học sinh
|
Nhận tin sáng 21-2-2011 Trường Tiểu học Đặng Văn Bất (Thủ Đức) mời được nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đến giao lưu, tôi mừng lắm, liền gọi điện xin phép cô Phạm Thị Mười – Hiệu trưởng nhà trường – được đến trường… nghe ké (vì tôi đã bỏ lỡ hai cơ hội được nghe thầy kể chuyện).
Là một thành viên đi nghe ké nhưng tôi rất vinh dự được nhà trường biết đến và giới thiệu rất trân trọng như một thành viên tham dự chính thức. Và tôi càng xúc động hơn khi thầy Nguyễn Ngọc Ký nhớ tên để giới thiệu thêm với mọi người là tôi từng viết bài giải quyết tình huống giáo dục trên Báo Giáo Dục TP.HCM mà tình huống đó chính thầy đưa ra.
Đến với trường, tôi được biết thêm trường có cô Hiệu phó Nguyễn Thị Nga vui tính, nhiệt tình, gần gũi và có khiếu giới thiệu, mô tả với một giọng dịu dàng, dễ thương… mà thầy Ký bật khen: “Hơn một MC!”. Đối với học sinh, lời thầy kể nhẹ nhàng, ánh mắt trìu mến, ấm áp thu hút bao ánh mắt thân thương, các em nghe như nuốt từng lời của thầy. Từng cái khó mà thầy đã vượt qua từng ngày, từng cấp học, ở nhà, ở trường, với những thành quả thầy đã đạt được… Tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé trong cuộc sống đời thường. Nhìn hàng ngàn cặp mắt thơ ngây của học sinh hướng về thầy để nghe, để ngắm, để ngưỡng mộ trong sự im lặng mới thấy được một nghệ thuật kể chuyện tuyệt vời, nó đã đánh tan trong tôi những lời mà một số ít người hay phân bua khi chưa làm tròn trách nhiệm với học sinh chưa ngoan rằng: nó quậy lắm không thể dạy được, nó phá lắm không thể ngồi yên, nó lộn xộn lắm không hề nghe giảng… Nhưng nói gì thì nói không thể ép buộc họ làm giống như thầy được: nghệ thuật của thầy mà. Một nghệ thuật nơi thầy mà tôi cùng mọi người không thể không học hỏi đó là nghệ thuật lắng nghe và khen ngợi. Một câu đơn đặc biệt mà thầy thốt lên thật nhanh, thật gọn, thật kịp thời khi học sinh trả lời đúng “Tuyệt vời!” thúc đẩy từng đôi tay học sinh vỗ đồng thanh trong tiếng cười rộn rã, trong tâm trạng náo nức chờ đợi câu đố tiếp theo của thầy. Vì sao tôi nói đó là nghệ thuật? Vì từng có một số ít người: không thích khen người khác vì cho rằng việc đó, người đó chưa giỏi bằng mình, từng có rất ít giáo viên khen học sinh “Giỏi!” hay “Có tiến bộ” nhưng ánh mắt chưa được thân thiện hoặc giọng nói đanh, gọn nếu có thể gọi là khen cho có khen! Và cuối tiết dạy không nhớ rằng mình đã từng khen em nào hay cho điểm tốt em nào để ghi vào sổ.
Trong buổi giao lưu, từng lời kể của thầy, từng thành quả thầy đạt được, bao giờ thầy cũng xin các em những tràng pháo tay để tri ân những người đã dẫn dắt thầy trên con đường học vấn. Hình ảnh cô Cương dạy thầy năm lớp 1 – lớp học đầu tiên được thầy trân trọng và tri ân nhất. Hình ảnh ấy đã gợi trong mỗi chúng ta: đừng bao giờ suy nghĩ trẻ con còn bé lắm, không biết gì để chúng ta tự cho phép chúng ta đánh hoặc mắng các em khi các em làm lỗi mà hãy dành những lời nói thân thương, ngọt ngào, những biện pháp giáo dục tối ưu nhất để hướng các em trở thành con ngoan, trò giỏi.
Tôi mong sao thầy có nhiều sức khỏe hơn để giao lưu đến với nhiều trường, nhiều học sinh hơn nữa…
Trần Mỹ Lệ
(Hiệu trưởng Trường TH Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM)
Bình luận (0)