Bước đột phá trong sáng tác của nhà văn Anh Đức chính là 3 tiểu thuyết: Một chuyện chép ở bệnh viện, Hòn Đất, Đứa con của đất. Những tác phẩm này nhìn sâu hơn vào mối quan hệ giữa chiến tranh và con người, đi sâu khám phá vấn đề số phận con người.
Nhà văn Anh Đức
Bên cạnh đó, đất và người phương Nam cũng được thể hiện sinh động qua các tác phẩm truyện ngắn của Anh Đức. Với ngòi bút sắc sảo nhạy bén, dạt dào xúc cảm, nhà văn đã viết một loạt truyện ngắn: Đất, Đứa con, Con chị Lộc, Khói, Ký ức tuổi thơ, Gió dậy lên từ một khu rừng, Thằng Mỹ…
1. Truyện ngắn của Anh Đức thường cô đọng, giàu kịch tính trong các tình huống, tình tiết, chi tiết và việc khắc họa chân dung nhân vật. Các truyện ngắn này đều xây dựng trên những câu chuyện có thực mà bút ký hay phóng sự đã từng nói đến. Đặc biệt, Anh Đức có lối văn lột tả chân dung và tính cách nhân vật rất sắc nét.
Ngòi bút của Anh Đức đã len lỏi vào sâu trong cái bản chất hiện thực nhưng vẫn không bỏ quên các chi tiết của cuộc sống. Trong tác phẩm của ông, cái chết và sự sống, đau khổ và hạnh phúc, nỗi buồn và niềm vui, hận thù và tình yêu vừa đối lập nhau, vừa cài vào nhau. Văn của Anh Đức vừa gân guốc, quyết liệt, vừa trữ tình, tha thiết. Điều này làm nên sự nổi bật trong phong cách sáng tác của nhà văn trong việc thể hiện đất và người phương Nam. Ký là ghi chép người thật việc thật, ký của Anh Đức cho thấy sự tham dự của tác giả vào sự kiện, những điều miêu tả của nhà văn mang tính nóng sốt, gợi nhiều háo hức, chờ đợi ở độc giả đương thời. Đặc biệt, khi nói về cuộc sống của người Nam bộ trong khói lửa của chiến tranh, ký của Anh Đức đã làm ta có ấn tượng rằng chỉ cần kể một cách không tô vẽ về đối tượng là đã đủ hấp dẫn người đọc. Có thể nói, ký của Anh Đức đã ghi lại những điều phản ánh của bà con, hiểu và thông cảm những nỗi thống khổ của người dân, phản ánh được hiện thực chiến tranh Nam bộ.
2.Trong truyện ngắn của Anh Đức, mỗi tính cách đều có những nét riêng biệt, nhưng tất cả các tính cách đó đều có những nét chung của con người Nam bộ cách mạng. Về mặt xây dựng nhân vật, Anh Đức đã đạt được một số thành công đáng kể, không lấy việc miêu tả sự kiện làm cái đích cuối cùng mà lấy việc xây dựng tính cách nhân vật làm vấn đề trung tâm của tác phẩm. Nhân vật trong tác phẩm phần lớn là những người nông dân cách mạng Nam bộ. Anh Đức đã dựng lên một số tính cách khá điển hình: nhân vật Sứ trong Hòn Đất, chú Ba trong Đứa con, ông Tám trong Đất, cô Quế trong Khói… Các nhân vật mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một cá tính riêng nhưng tất cả đều mang những nét chung của người Nam bộ cách mạng. Tất cả họ đều là những con người có tâm hồn rộng rãi, khoáng đạt, sôi nổi, thành thật, chín chắn, sâu sắc trong suy nghĩ, kiên quyết dũng cảm trong hành động, quyết liệt với kẻ thù, quên mình vì bạn bè, đồng chí. Tình cảm của họ không giả dối, nửa vời, mà bao giờ cũng yêu ghét rõ ràng.
Ở Bức thư Cà Mau, tất cả nhân vật tích cực của Anh Đức đều đáng yêu, đáng kính. Bất cứ tập trung miêu tả một mặt nào, một khía cạnh nào, Anh Đức không bao giờ quên đặt nó vào trong những quan hệ cách mạng, quan hệ của cả một tập thể đang chiến đấu. Cách mạng là yếu tố quyết định của thời đại chúng ta, những con người đầy lạc quan đang làm cách mạng, những con người mới của thời đại đã trở thành nhân vật trong những truyện ngắn của Anh Đức. Truyện dài Một chuyện chép ở bệnh viện đã miêu tả một tính cách trong quá trình phát triển. Anh Đức đã thành công trong việc miêu tả quá trình trưởng thành của tính cách chị Tư Hậu. Bằng những trang viết cảm động, Anh Đức vừa miêu tả được nỗi vui buồn, lo lắng xót xa của một người vợ yêu chồng, một người mẹ thương con tha thiết, vượt qua những đau thương của một chiến sĩ, chị là một hình tượng mới mẻ trong văn xuôi cách mạng thời đó.
3.Bằng những nét chấm phá tài tình, ngòi bút tả người của Anh Đức đã vẽ lên được những bức chân dung phù hợp với tính cách của nhân vật, không có sự mâu thuẫn giữa ngoại hình và nội tâm. Đặc biệt hình ảnh người phụ nữ hiện ra dưới ngòi bút của ông bao giờ cũng đẹp. Cái gọi là môi trường sống Nam bộ ở đây không chỉ gồm sông rạch và rừng biển mà còn có cả một cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ chống lại kẻ thù dân tộc. Không có gì lạ khi nhà văn đã rất chú ý xây dựng các tình huống xung đột trong tác phẩm của mình để lột tả cho được cái khía cạnh đau thương, anh hùng của môi trường Nam bộ nói trên.
Nhà văn Anh Đức rất tài tình khi xây dựng tình huống. Nhân vật trong truyện ngắn của ông có chung tính cách vừa kiên cường trong đấu tranh cách mạng, vừa đôn hậu dịu dàng trong tình yêu. Tính cách đó được quy tụ lại ở hình tượng những nhân vật nữ như: Quế (Khói), chị Lộc (Con chị Lộc), chị Ba Tương Lai (Xôn xao đồng nước)… và hình tượng người nông dân như: ông Tám Xẻo Đước (Đất), ông Tư Trầm (Giấc mơ ông lão vườn chim). Tính cách của mỗi nhân vật trong truyện được xây dựng trên cơ sở tình huống động giàu kịch tính. Truyện Đất, tình huống kịch là khi bọn giặc dồn nhân dân vào ấp chiến lược, khi bị bức vào khu trù mật, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, do đó mới có sự chạm trán giữa tên ác ôn Tư Sỏi với Tám Xẻo Đước và tính cách hai nhân vật được bộc lộ hoàn toàn. Trong Con chị Lộc là tình huống khi bọn ngụy định ném đứa bé vừa mới chào đời xuống biển. Cuộc chiến đấu dữ dội, quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và kẻ thù độc ác tàn bạo chi phối đến từng hành động, tâm trạng của người dân miền Nam.
Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Thời thơ ấu, ông học ở trường làng rồi lên học tiếp ở Cần Thơ, tham gia hoạt động cách mạng và báo chí, văn nghệ từ thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đến đầu năm 1962 ông trở về Nam kháng chiến chống Mỹ. Từ đây ông lấy bút danh Anh Đức, làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ giải phóng. Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn Anh Đức về sống và làm việc tại TP.HCM. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 5, Phó Tổng thư ký khóa 6, Bí thư Đảng đoàn – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, Ủy viên Ban Thư ký – Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Văn và Kiến thức ngày nay. Ông mất năm 2014 tại TP.HCM. |
4. Anh Đức thường dùng lối kể chuyện ở ngôi thứ nhất để miêu tả, trình bày truyện của mình. Có khi chính tác giả đứng ra kể lại một câu chuyện ông đã được thấy, được nghe (Con cá song); có khi ông để cho nhân vật kể lại cuộc đời của họ nhằm thể hiện số phận con người trong chiến tranh. Ngôn ngữ trần thuật giúp cho nhà văn đi sâu vào tâm lý của nhân vật và tạo điều kiện cho nhân vật tự biểu hiện. Chúng ta thấy lối kể chuyện này thích hợp với ngòi bút của Anh Đức qua một số truyện tiêu biểu. Đặc biệt, dễ nhận thấy trong Hòn Đất là ngôn ngữ trần thuật thể hiện qua một số trang miêu tả chị Sứ với sự tập trung đầy đủ những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Nam bộ.
Ngôn ngữ nhân vật trong các tác phẩm của Anh Đức trong sáng, chính xác, chứng tỏ nó đã được trau chuốt cẩn thận với ngôn ngữ hào hùng của nhân vật qua lời trần thuật của một người sắp từ giã cõi đời nhưng đem đến cho người đọc cảm thấy hào sảng. Ngôn ngữ nhân vật bộc bạch tính cách con người Nam bộ cương quyết sống chết vì đất nước, cách mạng (ông Tám Xẻo Đước trong Đất); có khi ngôn ngữ nhân vật mang tính chất trữ tình thống thiết tái hiện không khí bi tráng của thời đại, có khi ngôn ngữ suồng sả gắn liền với những nhân vật phản diện trong tác phẩm. Đặc biệt, Anh Đức đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ địa phương Nam bộ. Ngôn ngữ trong sáng, tài kể chuyện, tài tả cảnh, khả năng liên tưởng nhạy bén, óc quan sát tinh vi, khả năng bao quát cuộc sống, nhất là lập trường tư tưởng là những yếu tố giúp ông viết được những bài bút ký sinh động.
Nguyễn Ngọc Phú
(Khoa Sư phạm văn, Trường ĐH Đồng Tháp)
Bình luận (0)