Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên là một minh chứng cho nét tài hoa của nhà văn Nam Cao trong nghệ thuật phân tích tính cách nhân vật.
Minh họa Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên
Nhà văn Nam Cao đã xây dựng nên tình huống gay cấn để đi sâu vào diễn tả nỗi day dứt, dằn vặt và ân hận của Lão Hạc khi cùng đường. Nhiều thủ pháp, nhiều phương tiện miêu tả tâm lý nhân vật được tác giả vận dụng để tạo nên chủ nghĩa tâm lý trong sáng tác truyện ngắn. Sức mạnh và chiều sâu của chủ nghĩa tâm lý nhân vật Lão Hạc là sự chuyển hóa lẫn nhau của những mâu thuẫn đối lập trong thế giới tâm hồn con người. Và những diễn biến tâm lý của Lão Hạc là do hoàn cảnh dẫn lối thành tấm gương phản ánh hiện thực xã hội, qua đó làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.
Mang thân gà trống nuôi con, một đời làm ăn lầm lụi, cật lực mà ông lão không có nổi 200 đồng bạc cho con cưới vợ, cuối cùng đành mở to mắt nhìn con đi vào chỗ chết. Nhưng cho dù bị dồn vào chân tường cuộc sống, Lão Hạc vẫn giữ được tâm hồn, nhân cách trong sáng. Trước hết là vẻ đẹp của lòng yêu thương trong cách đối xử với cậu Vàng. Lão yêu thương con chó, lão xem nó là một người thân. Con chó bầu bạn, sẻ chia những nỗi lòng đau khổ cũng như hoàn cảnh hiu quạnh của lão. Lão gọi nó là cậu Vàng, “như một bà hiếm muộn gọi đứa con cầu tự”. Thế rồi, bị hoàn cảnh đẩy đến đường cùng, lão đành phải bán chó trong day dứt và đau khổ tột cùng. Lão tự coi mình là một kẻ phản phúc, lừa đảo, lừa một con chó. Không còn kiểm soát được cảm xúc của mình, lão khóc như một đứa trẻ: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau ép cho hai hàng nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên, cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”. Khóc xong lão lại cười, nước mắt ẩn trong những nụ cười se sắt ấy.
Vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Lão Hạc được thể hiện rõ nét hơn qua tình yêu thương và đức hy sinh với đứa con trai. Dù góa vợ lão vẫn ở vậy nuôi con bởi lão sợ con khổ. Không chỉ là một lão nông giàu tình yêu thương, đức hy sinh, Lão Hạc còn là người giàu lòng tự trọng. Lão đã ăn giống như người không có một xu bạc nào để dành đến 30 đồng bạc trắng lo liệu ma chay cho mình, khỏi phải phiền lụy đến hàng xóm. |
Vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Lão Hạc được thể hiện rõ nét hơn qua tình yêu thương và đức hy sinh với đứa con trai. Dù góa vợ lão vẫn ở vậy nuôi con bởi lão sợ con khổ. Không chỉ là một lão nông giàu tình yêu thương, đức hy sinh, Lão Hạc còn là người giàu lòng tự trọng. Lão đã ăn giống như người không có một xu bạc nào để dành đến 30 đồng bạc trắng lo liệu ma chay cho mình, khỏi phải phiền lụy đến hàng xóm. Có thể nói 30 đồng bạc cuối cùng ấy là 30 đồng lấp lánh của lòng tự trọng.
Cho đến khi kề cận cái chết, lão dứt khoát giữ thiện lương trong sáng của mình, quyết từ chối sự giúp đỡ của một người nhân hậu như ông giáo, càng không thể theo gót Binh Tư để kiếm cái ăn. Khi buộc phải kết liễu đời mình, Lão Hạc đã chọn cái chết bằng bả chó – một cái chết đau đớn, dữ dội, quằn quại. Lão muốn tạ lỗi với cậu Vàng. Lão không quên mình là một người cha chưa làm tròn bổn phận nên chết để giữ vườn, giữ nhà cho con. Lão càng không quên mình là người đưa cậu Vàng vào chỗ chết nên phải đáp lại bằng cái chết như một con chó. Lòng tự trọng của lão như một bức thành trì kiên cố mà khổ đau, đói rét không thể nào khuất phục nổi.
Trong tác phẩm “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao còn xây dựng các nhân vật người nông dân khác. Đó là con trai của Lão Hạc, một người nông dân cùng quẫn, phẫn uất, nhắm mắt đưa chân vào chỗ chết – mộ phu đồn điền cao su, nuôi ảo vọng làm giàu; vợ ông giáo, một người nông dân nghèo đói nên trở nên tầm thường, ích kỷ, nhìn đời phiến diện một chiều; Binh Tư, một người nông dân nghèo đói, túng quẫn mà phải tha hóa về nhân cách, phải làm nghề bất lương để sống qua ngày. Nhà văn cũng đã đặt nhân vật trong những sự lựa chọn nghiệt ngã để từ đó giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về hiện thực xã hội, những bi kịch tinh thần trong khi bị dồn đẩy đến bước đường cùng.
Diễn biến tâm lý của ông giáo không rõ nét như ở nhân vật Lão Hạc nhưng Nam Cao cũng đã đặt nhân vật vào một quá trình phát triển diễn biến tâm lý sâu sắc. Với ngôi kể thứ nhất – nhân vật tôi trở thành hình tượng người trí thức nghèo tiểu tư sản, người thay mặt cho nhà văn Nam Cao phát biểu tư tưởng, quan điểm của mình. Ông giáo điển hình cho bi kịch của một người trí thức nghèo: Đó là bi kịch của tuổi trẻ đầy cao vọng, tuổi 20 trong trẻo, biết yêu và biết nhớ nhưng bị áo cơm ghì sát đất, vỡ mộng trong đau đớn, bị chôn vùi tài năng nơi quê nghèo thê thảm.
Nam Cao là bút danh của nhà văn – nhà báo – liệt sĩ Trần Hữu Tri. Ông sinh ngày 29-10-1915 trong một gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Đây không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn mà còn là nơi ra đời những nguyên mẫu nhân vật nổi tiếng làm nên tên tuổi và sự nghiệp văn chương của ông sau này như: Thị Nở, Bá Kiến, Binh Chức, Lão Hạc, Dì Hảo, Lang Rận, Trạch Văn Đoành… |
Qua “Lão Hạc”, Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trên con đường phá sản, bần cùng, không lối thoát, hết sức thê thảm vào những năm trước cách mạng. Và nổi lên trong bức tranh ấy là hình tượng những người nông dân hiền lành, lương thiện bị tước đoạt quyền sống. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét: “Nếu như ở tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn đi, thui chột đi, hủy diệt đi”.
Niềm cảm thông, thương xót trước nỗi cơ cực của những người nông dân, những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, tin ở con người, tin ở bản tính lành mạnh tốt đẹp của con người, nó đòi hỏi con người không được thụ động, buông xuôi, mà phải tích cực, chủ động, có ý thức trách nhiệm về cuộc sống của mình cũng được đặt ra trong tác phẩm. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo cao cả bao trùm sáng tác của Nam Cao. Chủ nghĩa nhân đạo thống thiết đã chi phối và quyết định những bút pháp nghệ thuật đặc sắc. Chính điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo, giọng điệu riêng trong tác phẩm của Nam Cao mà hiếm có nhà văn nào đạt được.
Dương Thị Huyên (giáo viên ở Hà Tĩnh)
Bình luận (0)