Không thích công việc văn phòng gò bó, hưởng lương cố định, nhiều bạn trẻ đã chuyển sang làm việc tự do bằng chính nghề viết chữ. Với những bài viết được đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, mang tính thuyết phục cao, thú vị trong từng câu chữ, cách diễn giải, các bạn không chỉ tạo ra được lợi nhuận mà còn dần khẳng định được tên tuổi cho mình.
Thùy Dung ký tặng sách Chữ xưa còn một chút này cho bạn đọc. Ảnh: Kiều Khánh
“Sống khỏe” bằng nghề viết
Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí vào năm 2012, Nguyễn Thùy Dung dấn thân vào con đường viết báo rồi chuyển sang làm truyền thông cho vài công ty. Sau nhiều trải nghiệm, năm 2016, Thùy Dung sáng lập “Ngày ngày viết chữ” với những blog nhỏ chia sẻ về content marketing. Đến năm 2017, Thùy Dung quyết định đưa “Ngày ngày viết chữ” lên mạng xã hội và bắt đầu con đường “khởi nghiệp” bằng chữ nghĩa.
Mỗi ngày, Thùy Dung đều đưa lên Fanpage của mình những content ngắn gọn từ 100 đến 200 chữ, được trình bày tinh gọn, cô đọng, diễn đạt rõ ràng, có ví dụ cụ thể. Nhờ đó người đọc có thể dễ dàng hiểu được nguồn gốc và những nét nghĩa xưa của từ ngữ, ví dụ từ “anh hùng” được Thùy Dung giải thích: “Anh” là hoa của cây, tức phần đẹp đẽ nhất của các loài cây, còn “hùng” là con trống, con đực của các loài chim thú, là biểu tượng của sức mạnh. “Anh hùng” vốn là tinh hoa của cây cỏ, chim thú hay là tinh hoa của vạn vật, cho nên dùng để chỉ người xuất chúng. Hay từ “thi thố”: “Thi” là thực hiện, tiến hành, bày ra, đặt ra, thể hiện ra, làm ra cái gì đó như thi công, thi lễ, thi hành… “Thố” là bắt tay vào làm, sắp xếp, lo liệu, đặt để các thứ, đây cũng là chữ “thố” trong “thất thố”, như vậy “Thi thố” có nghĩa là đem sức mình thể hiện ra, lấy tài năng mà bày ra cho người khác thấy. Theo Thùy Dung, để thực hiện một content về nguồn gốc của từ và những từ mờ nghĩa, trước đó phải lên kế hoạch, chọn từ, đọc tài liệu rồi viết bài. Tiếp đến là thiết kế sao cho hình ảnh đẹp mắt, thu hút người xem. Tất cả đều được Thùy Dung nghiên cứu cẩn thận từ nhiều nguồn từ điển khác nhau, thậm chí em còn dựa vào những nhận định, quan điểm của những nhà nghiên cứu nổi tiếng để có cách lý giải vấn đề ở nhiều khía cạnh. “Điều mà mình chú ý nhất trong mỗi content là câu, từ, lỗi chính tả bởi vì mục tiêu của Fanpage là giải thích cho mọi người hiểu rõ hơn về nguồn gốc của từ và những từ mờ nghĩa, nếu bản thân mình dùng sai thì mọi lập luận sẽ không đáng tin cậy” – Thùy Dung chia sẻ.
Giữa năm 2019, “Ngày ngày viết chữ” tạo nên cơn sốt trên cộng đồng mạng, điều đó đã tạo động lực rất lớn cho Thùy Dung. Đến nay, Fanpage đã có hơn 148 ngàn lượt theo dõi và tương tác. Từ Fanpage của mình, Thùy Dung đã mở ra được nhiều lớp dạy tiếng Hán và cả tiếng Việt cho các bạn trẻ từ độ từ 18 đến 20 tuổi, mỗi lớp dao động từ 20-30 người. Không chỉ thu hút các bạn trẻ ở TP.HCM, lớp học của Thùy Dung còn có những người nước ngoài có mong muốn học và tìm hiểu tiếng Việt thông qua hình thức học trực tiếp và trực tuyến.
Mới đây, Thùy Dung đã tập hợp những bài viết từ Fanpage in thành sách với tên gọi Chữ xưa còn một chút này để làm quà tặng cho những người đã yêu quý và ủng hộ mình trong thời gian qua. Anh Huỳnh Vĩnh Sơn (một truyền thông lâu năm) chia sẻ: “Thùy Dung đã giúp mình gọi tên nhiều vấn đề về ngôn ngữ mà trước đây mình chỉ thấy kỳ kỳ. Những bài học ấy đã giúp mình viết và cảm nhận con chữ tốt hơn khi chấp bút cho nhãn hàng cũng như thuận lợi hơn trong việc hướng dẫn các bạn khác. Không chỉ vậy, những bài viết của Thùy Dung còn giúp mình biết thêm những ngõ ngách thú vị của tiếng Việt đang chờ được khám phá…”.
Cống hiến cho quê hương, đất nước
Tốt nghiệp ngành văn hóa học nhưng Vĩnh Thông không tìm kiếm cơ hội việc làm tại TP.HCM mà quyết định quay về vùng đất An Giang nghiên cứu văn hóa, tôn giáo bằng chính sự trải nghiệm và hiểu biết của mình. Đây không chỉ là cách để Vĩnh Thông theo đuổi con đường đam mê mà còn giới thiệu những đặc sắc nơi mình sinh ra đến với mọi người cũng như cách mà người trẻ cống hiến cho quê hương, đất nước. Với 8 đầu sách thuộc thể loại thơ, tản văn, truyện ngắn, tùy bút: Và quá khứ thấy ta; Trạng thái yêu; An Giang núi rộng sông dài; Trở về và chào nhau; Thong thả đi; Khắc khoải nâu; Chạm đến tinh khôi; Dấu ấn thượng châu thổ được Vĩnh Thông lần lượt cho ra mắt từ năm 2012 đến nay đã phần nào cho thấy được niềm đam mê và nhiệt huyết của Vĩnh Thông.
Theo Vĩnh Thông, mỗi loại hình mang đến cho em những giá trị khác nhau. Nếu sáng tác văn thơ, em có thể chuyển được những tâm tư, tình cảm, trăn trở… của mình về các vấn đề trong cuộc sống đến bạn đọc một cách mềm mại thì với nghiên cứu văn hóa, em có thể khai thác những vốn quý trong đời sống mà tiền nhân đã tạo dựng, từ đó góp phần vào việc giữ gìn, lưu truyền, quảng bá… các giá trị ấy.
Vĩnh Thông (bìa phải) nhận giải thưởng về nghiên cứu. Ảnh: NVCC
Dù viết thể loại nào, chàng trai 9X này cũng khá khắt khe với câu chữ của mình, luôn cố gắng chọn lựa từ ngữ, gọt giũa câu văn, tìm kiếm những cách thể hiện đa dạng… để tác phẩm thể hiện dấu ấn cá nhân của mình. Theo Vĩnh Thông, trong nghiên cứu, điều quan trọng là phải có phát hiện mới, chứ không chỉ trình bày lại những thông tin mà người đi trước đã công bố, nếu không có phát hiện mới, người nghiên cứu vẫn có thể khai thác những đề tài đã cũ, nhưng phải với góc nhìn mới và cho ra kết luận mới. Vĩnh Thông chia sẻ: “Đối với cá nhân em, em xem việc viết lách như một công việc thường nhật của mình vì thế em không quá đặt nặng vấn đề phải có cảm hứng, nếu chỉ chờ đợi cảm hứng, thì mãi sẽ không viết được gì”.
Cuốn sách Dấu ấn thượng châu thổ vừa ra mắt mới đây của Vĩnh Thông đã mang đến một góc nhìn mới mẻ về vùng đất sông Cửu Long – khu vực biên giới Tây Nam với nhiều mảng đề tài khác nhau như địa danh, nhân vật, di tích, tôn giáo, lễ hội… Cuốn sách được Vĩnh Thông tập hợp các bài nghiên cứu văn hóa mà anh đã công bố trên các tạp chí chuyên ngành và các hội thảo khoa học từ năm 2012 đến năm 2020 với góc nhìn mới. Đặc biệt với những phát hiện mới mà trước đây chưa ai đề cập đến, Vĩnh Thông giúp độc giả hiểu hơn về vùng đất, con người của vùng đất này.
Kiều Khánh
Bình luận (0)