Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nghề y: Học nhiều mà lương chẳng bao nhiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 20-7, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến xin ý kiến báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe trong tình hình mới. Tại đây nhiều ý kiến cho rằng, thu nhập của đội ngũ cán bộ y tế hiện nay còn rất nhiều bất cập dẫn đến tình trạng nhiều địa phương, nhiều chuyên khoa thiếu cán bộ y tế trầm trọng…

Học 11 năm lương chỉ bằng… học 4 năm

Tại hội nghị, nhiều đại biểu khẳng định: Nghề y là một nghề đặc biệt. Đặc biệt vì nó gắn trực tiếp tới tính mạng của con người. Chính vì vậy mà thời gian đào tạo của ngành y cũng lâu hơn các ngành nghề khác. Và điểm đầu vào của các trường y cũng cao hơn. Có những trường lấy tới 27, 28 điểm – tức là bình quân 9 đến 9,3 điểm/môn.

“Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH còn học thêm chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, nâng tổng số thời gian học tập lên tới 11 năm. Song, khi đi làm lương chỉ được bậc 1 như các ngành đào tạo 4 năm. Thiệt thòi cho bác sĩ quá…”, ông Bùi Trường Phong – Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk – bức xúc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay lương bậc 1 của bác sĩ, dược sĩ 2.34, tương đương với hệ số lương của giáo viên trung học (tốt nghiệp ĐH – 4 năm). Thử làm một bài toán so sánh đơn giản, Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B cùng bắt đầu học ĐH vào năm 2000. Vì Nguyễn Văn A học ĐH Sư phạm nên năm 2004 tốt nghiệp ra trường và đi dạy. Còn Nguyễn Văn B học ĐH Y nên năm 2006 mới tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp ĐH, Nguyễn Văn B tiếp tục học chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2 nên đến năm 2011 B mới ra trường và đi làm. Lúc đó hệ số lương của B chỉ có 2.34, trong khi hệ số lương của A đã là 3.00 (do A đi làm được 7 năm, trung bình 3 năm nâng lương 1 lần nên lương của A đã là bậc 3).

Thời gian học dài hơn, đầu vào khó hơn nhưng lương của bác sĩ mới ra trường chỉ bằng lương cử nhân

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế – tâm tư: “Đánh giá việc thực hiện các chế độ chính sách, nhất là việc tương đương với nghề giáo, ngành y tế chưa được hưởng phụ cấp thâm niên như ngành giáo dục”.

Đúng vậy. Trong ngành giáo dục, từ năm 2010, giáo viên giảng dạy trong trường công lập từ 5 năm trở lên thì được tính thâm niên. Mức hưởng ban đầu là 5%, sau đó mỗi năm tính thêm 1%. Điều đó có nghĩa, giáo viên càng công tác lâu năm thì phụ cấp này càng cao. Do vậy, đã hạn chế được rất nhiều tình trạng giáo viên bỏ nghề…

Hậu của bất cập về lương

Còn đội ngũ y, bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập, nhất là ở vùng sâu vùng xa, miền núi… thì sao? Ông Nguyễn Tấn Đức – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi – cho biết: “Trước đây, mỗi năm Quảng Ngãi chỉ tuyển được 2-3 bác sĩ. Số bác sĩ tuyển mới không đủ để bù cho những bác sĩ nghỉ hưu. Đó là chưa kể một số không nhỏ bác sĩ bỏ nghề vì thu nhập không tương xứng. Vì vậy mà các cơ sở y tế ở Quảng Ngãi luôn luôn thiếu bác sĩ”.

Theo báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, mặc dù đội ngũ y bác sĩ trong những năm gần đây đã phát triển rất mạnh cả về số lượng và chất lượng nhưng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới. Ngoài ra còn có sự chênh lệch về số lượng, chất lượng và phân bố thiếu đồng đều giữa các vùng miền. Tỷ lệ cán bộ y tế ở tuyến huyện và xã vừa ít về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ…

Ông Trương Hoài Phong – Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng – cho biết: “Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân ở Sóc Trăng quá thấp, chỉ có 4,2. Một số chuyên khoa như tâm thần, lao, giải phẫu bệnh, pháp y, dự phòng lại càng thiếu nhiều. Cụ thể như chuyên khoa giải phẫu bệnh, cả tỉnh chỉ có 1 bác sĩ…”.

Ông Mai Xuân Hải – Giám đốc Sở Y tế Gia Lai – cũng cho biết: “Đối với cán bộ y tế, thu nhập gồm 2 nguồn. Nguồn chính thức là lương và phụ cấp, nguồn không chính thức chủ yếu là khám chữa bệnh ngoài giờ. Nguồn thu nhập không chính thức này đang là nguồn thu nhập chính của nhiều bác sĩ. Song, nguồn thu nhập không chính thức có sự khác nhau giữa các tuyến Trung ương, tỉnh – huyện; giữa thành thị – nông thôn, đồng bằng – miền núi, vùng sâu vùng xa. Thậm chí là sự khác biệt giữa vị trí việc làm, các bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh thì thu nhập cao hơn, còn bác sĩ làm công tác dự phòng, giải phẫu hầu như không có nguồn thu nhập này. Vì vậy, tôi đề nghị chế độ tiền lương cần phải được cải cách nhiều. Cụ thể, bậc lương khi bác sĩ mới ra trường là 2 thay vì 1 như hiện nay, lương phải tính theo trình độ học vấn; có chế độ ưu đãi cho cán bộ y tế dự phòng, hỗ trợ đặc biệt vùng hải đảo, khó khăn…”.

Từ thực tế tại cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Sẽ kiến nghị với Chính phủ để sớm đầu tư ngân sách cho ngành y tế theo mức độ phát triển GDP hàng năm và tạo cơ chế tự chủ để tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt, sớm đẩy nhanh tiến độ thu viện phí theo hướng tính đúng tính đủ để nâng cao đời sống cho đội ngũ y bác sĩ, nhất là đội ngũ ở tuyến dưới, vùng sâu vùng xa…

Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)