Tòa soạnThư đi – tin lại

Nghèo thêm vì được hỗ trợ tiền xây nhà!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngôi nhà của bà Tôn Thị Hoa. Chưa có tiền làm cửa nhưng bà Hoa và con gái có nguy cơ bị chủ nợ đuổi ra ngoài đường vì không có tiền trả nợ

Chưa kịp mừng vì có nhà mới thì đã phải gánh thêm nợ nần. Nhiều gia đình ở Quảng Ngãi lo lắng vì chủ nợ dọa sẽ lấy lại nhà do không có tiền trả nợ gần cả năm nay. 
Thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền xây nhà theo chương trình 167 của Chính phủ, trong khi đợi Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Quảng Ngãi giải ngân cho vay mỗi hộ miền núi 8,4 triệu đồng, hộ đồng bằng 8,2 triệu đồng thì các hộ nghèo đã cố gắng vay mượn để làm nhà. Nhà đã xây dựng xong từ năm 2012, đầu năm 2013, chương trình đã dừng lại. Và thế là nỗi mong đợi đồng tiền giải ngân từ NHCSXH để trả nợ của những hộ nghèo này chấm dứt.
Tưởng bớt nghèo, lại nghèo thêm
Gia đình bà Nguyễn Thị Phường ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) thuộc diện hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà 167. Tháng 8-2012, bà Phường đã tiến hành xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, vì chưa nhận đủ tiền hỗ trợ, bà Phường phải nợ tiền công và tiền mua vật liệu xây dựng. Nhà làm xong hơn một năm, đó cũng là khoảng thời gian bà Phường sống trong lo lắng vì khoản nợ hơn 14 triệu đồng không biết lấy đâu để trả. Bà Phường thấp thỏm: “Tui lo sợ quá, ăn không ngon, ngủ không yên. Chủ nợ họ cứ đòi hoài. Từ hồi giờ mình chưa bao giờ nợ khoản tiền lớn như vầy nên sợ lắm, không có đêm nào ngủ được hết”. Còn gia đình bà Tôn Thị Hoa cũng ở xã Nghĩa Thuận, xây nhà hơn một năm nhưng vẫn chưa có tiền làm cửa. Mấy tháng nay, bà Hoa chỉ quanh quẩn ở nhà chứ không dám đi đâu vì sợ gặp các chủ nợ. Vừa qua, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng điện thoại báo rằng số tiền lãi của 14 triệu đã là 3 triệu đồng. Nếu không trả thì họ sẽ cho người đến niêm phong nhà, không cho ở nữa. Như vậy, hiện tại bà Hoa mắc nợ hơn 17 triệu đồng. “Bây giờ tui không biết phải làm sao, cứ sợ họ vào niêm phong nhà. Tiền không có trả, tui chỉ biết trông chờ vào Nhà nước mà thôi. Đã nghèo rồi còn phải gánh nợ. Tui lo quá!”, bà Hoa rưng rưng nước mắt khi nói về số tiền không biết bao giờ trả được cho các chủ nợ.
Vì sao lại có tình trạng này?
Năm 2012, xã Nghĩa Thuận có 13 hộ nghèo được xây nhà diện 167. Theo chính sách, các hộ nghèo của xã được Nhà nước hỗ trợ 14,2 triệu đồng. Đồng thời các hộ này được vay 8 triệu đồng từ NHCSXH. Tuy nhiên, lúc làm nhà, bà Phường chỉ được ứng trước 8 triệu đồng từ nguồn kinh phí Nhà nước cấp hỗ trợ. Còn tiền vay từ NHCSXH, bà Phường và nhiều hộ xây nhà như bà đều không vay được. Để giúp các hộ nghèo có nhà ở, lãnh đạo xã Nghĩa Thuận đã linh động đứng ra tín chấp với các chủ cửa hàng vật liệu xây dựng để hộ nghèo được mua chịu vật liệu xây nhà, với tinh thần là khi nào có tiền hỗ trợ của Nhà nước rót về khi đó sẽ trả hết nợ vật liệu xây dựng. Nhưng đến nay, 8 triệu đồng vay từ NHCS và khoản tiền còn lại của kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 6 triệu đồng vẫn chỉ là trên giấy chứ chưa đến được tay bà Phường và các hộ nghèo còn lại. Chính lãnh đạo xã Nghĩa Thuận cũng thừa nhận hệ lụy từ việc NHCSXH không cho bà con tiếp tục giải ngân. Ông Bùi Trung Nhị, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận (phụ trách chương trình xây nhà 167 ở xã) cho biết: “Lúc đó, lãnh đạo xã có mời các chủ cửa hàng vật liệu và bảo đảm với họ, khi nào Nhà nước hỗ trợ đủ tiền, sẽ hoàn trả nợ. Họ cũng thông cảm và không có ý kiến gì. Nhưng thông cảm cũng có chừng mực thôi chứ, để lâu quá, họ không kiên nhẫn được”. Bây giờ, cứ thấy ông Nhị ở đâu là chủ các cửa hàng vật liệu đều hỏi chuyện tiền bạc để trả cho họ.
Hướng giải quyết còn mờ mịt
Cả huyện Tư Nghĩa có hơn 270 trường hợp hộ nghèo tương tự như bà Phường, bà Hoa nói trên. Vốn giải ngân của NHCSXH Quảng Ngãi đối với chương trình này trong năm 2012 đã không còn nữa. Giải quyết cái nợ mà người nghèo của huyện mình đang gánh chịu, ông Huỳnh Chánh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: “Huyện cũng chưa biết xử lý tình trạng này như thế nào, đây là khó khăn lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng chỉ biết xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để có hướng giải quyết cho bà con”. Không chỉ riêng huyện Tư Nghĩa mà trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều trường hợp như vậy, nhưng Quảng Ngãi vẫn chưa có hướng giải quyết.
Tại phiên họp HĐND tỉnh Quảng Ngãi chiều 3-12 vừa qua, nhiều cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đến những vướng mắc trong hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo theo chương trình 167. Ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, Quảng Ngãi bức xúc: “Khi triển khai gia đình, địa phương hợp đồng với nhà thầu làm nhà. Bỏ vốn làm xong đưa vào sử dụng thì nhân dân nợ nhà thầu 2 nguồn vay của ngân hàng và doanh nghiệp. Số nợ còn rất lớn. Họ đã nghèo rồi mà giờ trở thành những con nợ. Nhà thầu đòi miết người ta”.
Theo chương trình 167, toàn tỉnh Quảng Ngãi có trên 21 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Kinh phí hỗ trợ 24 triệu đồng/nhà từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay NHCSXH và vốn hỗ trợ của doanh nghiệp. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Ngãi, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trên 15.000 nhà, tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí đủ. Khó khăn nhất hiện nay là sự chậm trễ trong giải ngân vốn vay từ NHCS và vốn hỗ trợ của doanh nghiệp. Vì thế, hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.000 hộ dân lâm vào cảnh thiếu nợ nhà thầu do nhà đã làm rồi nhưng chưa được hỗ trợ hết số tiền theo quy định. UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho biết số tiền hỗ trợ cho người nghèo làm nhà theo quyết định 167 hiện vẫn chưa có, vì các nhà tài trợ đang gặp khó khăn nên chưa chuyển tiền như đã cam kết. Trong khi đó phía NHCSXH Quảng Ngãi yêu cầu, khi nào 3 khoản hỗ trợ (TW, tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi) có đủ, thì mới giải quyết cho vay. 
Phải linh động giúp người nghèo
Là người theo dõi sát sao việc xóa đói giảm nghèo cho bà con ở Quảng Ngãi, ông Trương Đình Đức, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi thì cho rằng, nếu để như vậy là chúng ta vô cảm với người nghèo. Ông Đức nói: “Chúng ta muốn giúp cho họ bớt nghèo nhưng lại làm họ lâm vào cảnh nợ nần và nghèo thêm. Theo tôi, nếu NHCSXH Quảng Ngãi có cái tâm, cho bà con hộ nghèo vay 8,4 triệu đồng thì họ đỡ biết bao. NHCSXH  lúc nào cũng giữ cái cán, cứ sợ dân vay rồi không làm. Để rồi cuối năm 2012 phải trả lại cho ngân hàng TW 19 tỷ đồng, trong lúc người dân đã làm nhà nhưng không vay được tiền. Một điều hết sức vô lý. Tôi thấy đây là sự vô cảm”. Ông Đức cho biết thêm, các tỉnh khác cũng rơi vào trường hợp tương tự nhưng NHCSXH của các tỉnh đó vẫn tiếp tục giải ngân cho dân nghèo vay, còn Quảng Ngãi thì lại không.
Mong muốn của hộ nghèo là làm được cái nhà để thay đổi cuộc sống. Không ngờ, đây lại là nỗi lo lắng, gánh nặng nợ nần chồng chất lên cuộc sống của họ. Ngân sách của huyện, của tỉnh thì không có, chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ vay vốn của NHCSXH. Nhưng xem ra, với khó khăn của tỉnh, của huyện, NHCSXH lại xử lý vấn đề như vậy, không biết đến bao giờ các hộ nghèo được xây nhà 167 của Quảng Ngãi mới trả hết nợ.
Sự thiếu năng động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình này đã dẫn đến các hộ nghèo lại càng nghèo thêm.
Bài, ảnh: Phước Trung

Bình luận (0)