Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nghèo trên “bãi vàng” vì… “nghêu tặc”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngang nhiên đi... cướp nghêuBạc Liêu có những “bãi vàng” nghêu giống do các hợp tác xã lập nên.

Thế nhưng chẳng có bãi nào thu hoạch được vì cứ tới mùa là hàng ngàn thương lái, còn gọi là “nghêu tặc” ùa đến cướp nghêu. Chính quyền chỉ biết… ngó.

Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất bãi bồi ven biển tỉnh Bạc Liêu dài trên 50km từ cửa biển Gành Hào cho đến nơi giáp ranh tỉnh Sóc Trăng với hàng loạt bãi nghêu giống có trữ lượng rất lớn. Chính vì vậy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã khoanh vùng các “bãi vàng” này với tổng diện tích trên 11.500ha để hình thành 6 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu nhưng xã viên cứ mãi nghèo.

Khoảng 3 năm trước, cứ đến tháng 6, tháng 7 là ngư dân ven biển Bạc Liêu lại ùa ra biển dùng vợt cào bắt nghêu giống bán cho thương lái đến từ các tỉnh khác như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh. Tùy theo lượng tạp chất nhiều hay ít mà nghêu giống được “lái nghêu” mua với giá từ 3-5 triệu đồng/kg. Chính vì vậy, nếu ngày nào “trúng mánh” một người có thể bỏ túi bạc triệu sau vài giờ quần đảo trên bãi nghêu giống ven biển.

Cướp nghêu bất chấp tất cả…

Thông tin về những “bãi vàng” xuất hiện đầy nghêu giống đã làm cho hàng ngàn ngư dân nghèo ở khắp các tỉnh ĐBSCL bỏ cả công ăn việc làm kéo nhau về Bạc Liêu ngày một nhiều, có lúc lên đến 5.000 người.

Để tình hình an ninh trật tự ven biển được ổn định, tạo ra công ăn việc làm cho ngư dân nghèo tại các địa phương, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định quy hoạch các bãi nghêu ven biển và các huyện, thị hình thành được 6 HTX nuôi nghêu với trên 1.000 xã viên. Những xã viên này đa số xuất thân từ… “nghêu tặc” nhưng khi được chính quyền địa phương vận động vào HTX thì ai cũng muốn cuộc sống được khấm khá hơn, bỏ đi quá khứ cơ cực.

Với chừng này nghêu cũng sẽ mang lại bạc triệu nên ai cũng muốn cướp sạch nghêu giống..Phương án được các HTX đưa ra là xã viên góp vốn thành lập HTX, lấy công làm lời bằng cách cào nghêu giống ngoài bãi biển mênh mông thả vào khu vực nuôi nghêu thương phẩm nuôi vài tháng bắt bán lấy tiền chia nhau. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Thanh – chủ nhiệm HTX Long Hải ở huyện Đông Hải – cho rằng HTX đã thành lập hơn 2 năm nhưng chưa bao giờ bắt được con nghêu giống nào trên các “bãi vàng” để thả nuôi vì khi đến mùa nghêu giống thì hàng ngàn người lại đổ xô về đây cướp nghêu giữa ban ngày, bất chấp chỉ thị của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, mua bán nghêu giống trái phép.

Cũng như mọi năm, bắt đầu từ cuối tháng 6 năm nay đã xuất hiện trên 5.000 người tràn vào bãi biển đã được quy hoạch của các HTX thuộc thị xã Bạc Liêu và huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Sau khi quần đảo tan nát, “nghêu tặc” lại kéo xuống hạ nguồn, tràn vào bãi nghêu giống của huyện Đông Hải. Lực lượng dân phòng và công an xã Long Điền Tây (Đông Hải, Bạc Liêu) đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các xã viên HTX nuôi nghêu cũng bị “nghêu tặc” tấn công vì lực lượng quá mỏng.

Ông Nguyễn Quốc Khởi, đội trưởng đội dân phòng ấp Bình Điền đã bị 4 “nghêu tặc” tấn công gây thương tích nên hiện nay chính quyền địa phương chỉ biết thuyết phục “nghêu tặc” đừng cướp nghêu nhưng chẳng ai chịu nghe. Ông Trần Thiện Bảy ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lớn giọng: “Chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn. Con nghêu giống cũng vậy, biển đẻ ra để nuôi ngư dân của biển, không ai được quyền cấm tụi này bắt bán”. Chính vì xài… “luật biển” như thế này nên hiện nay dòng người cứ mãi tấp nập kéo về Bạc Liêu cướp nghêu trước sự bất lực của chính quyền địa phương.

Xã viên cứ mãi nghèo

Bãi nghêu giống nằm ngay trước mặt nhưng xã viên HTX Long Hải phải mang 130 triệu đồng qua tận Bến Tre mua nghêu giống về thả nuôi. Nhiều người cho rằng mặc dù nghêu giống Bến Tre nhưng lại có xuất xứ từ… Bạc Liêu. Đơn giản vì “lái nghêu” từ các tỉnh khác kéo nhau về huyện Đông Hải mua nghêu giống rồi bán lại cho chính những xã viên nghèo của các HTX nuôi nghêu ở Bạc Liêu.

Phụ nữ, trẻ em... cũng tham gia cướp nghêuMột ngày giữa tháng 7, tôi vào tận các bãi nghêu giống để làm… “nghêu tặc”. Một đồng nghiệp ở Đài Truyền thanh huyện Đông Hải bảo tôi phải nhờ công an xã đi cùng nếu không muốn “ăn đòn” và các phương tiện tác nghiệp bị “nghêu tặc” ném xuống biển. Ra đến bãi nghêu, không như những gì lãnh đạo địa phương nói trước đó bởi mọi hoạt động mua bán nghêu giống trái phép vẫn diễn ra công khai, bóng dáng công an cũng chẳng thấy một người. Chính vì vậy mà ông Lê Hiền – Chủ tịch UBND huyện Đông Hải – cho biết chỉ mới bắt được… 4 vụ, tịch thu 53kg nghêu giống.

Tịch thu nghêu giống chỉ là một phương án chữa cháy được tỉnh Bạc Liêu đưa ra đối với những lái nghêu. Theo ông Lê Hiền, nếu không còn lái nghêu thì những người cào nghêu giống mang lên bờ cũng không biết bán cho ai nên sẽ ngừng cướp nghêu khi ngăn chặn được sự tiếp tay của “lái nghêu”. Nói thì dễ nhưng hoạt động mua bán nghêu giống diễn ra công khai trước ống kính phóng viên thì xem ra phương án này sẽ bị phá sản nếu như chính quyền tỉnh Bạc Liêu cứ mãi… “đánh trống bỏ dùi” và xã viên các HTX cứ mãi nghèo trên những “bãi vàng”.

Một trong những người bức xúc nhất trước tình trạng cướp nghêu giống công khai hiện này là ông Cao Anh Lộc – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Ông Lộc cho biết: “Nếu xử phạt hành chính không xong thì phải khởi tố những “lái nghêu” để chấn chỉnh hoạt động khai thác, mua bán nghêu giống trái phép”.

Giờ đây, những xã viên nghèo rớt mồng tơi ở Bạc Liêu đang trông chờ cơ quan chức năng có biện pháp mạnh đối với những “lái nghêu” theo chỉ đạo của ông Cao Anh Lộc. Và cũng chỉ có thể xử lý những “lái nghêu” chớ không thể có những biện pháp chế tài nào khác đối với những người cướp nghêu dù biết rằng đó là việc làm trái pháp luật bởi “nghêu tặc” cũng là những ngư dân nghèo bám biển kiếm miếng ăn.

Hàn Sơn Đỉnh (vietnamnet.vn)

Bình luận (0)