“Giữ tiền” đối với các bà vợ ngày nay, không đơn giản là bỏ vào tủ khóa kín lại, rồi cất kỹ cái chìa khóa. Ông bà xưa để lại kinh nghiệm: “Tiền ở trong nhà là tiền chửa, tiền ra khỏi cửa tiền đẻ”. Không ít bà vợ tâm đắc và quyết tâm làm cho tiền sinh sôi nảy nở…
Bà Nguyễn Ngọc Như, tuy ở nhà nội trợ, nhưng không phải là người không kiếm ra tiền. Bà luôn khao khát quản lý và làm phát triển khối tài sản của gia đình. Sau khi đứa con thứ hai đến tuổi đi nhà trẻ, bà chạy vạy tìm địa điểm thuê mặt bằng nhận làm đại lý cho một hãng bánh bao, thấy một vài khách hàng đến hỏi bánh mì, bà bèn đầu tư thêm một tủ bán bánh mì. Rồi một hôm, có người đến tiếp thị bánh chưng, bánh giò, rất ngon, rất rẻ, bà nghe lọt lỗ tai, nên mua thêm một cái tủ để trưng bày hàng mới.
Nhìn cửa hàng của bà phát triển ngày càng lớn nhiều người quen khen bà lanh lẹ chịu khó làm ăn nhưng đâu biết rằng ngày nào chồng con cũng được bà chiêu đãi ăn sáng ăn trưa bánh mì bánh giò bánh bao cho… cơ động. Phần thì địa điểm bán không thuận đường, phần do bà chủ quan thấy giá rẻ nên cứ lấy bừa mà không tìm hiểu “nhà sản xuất” nên chất lượng hàng giao bán hoàn toàn khác với hàng mẫu ban đầu.
Hàng bán không được bao nhiêu nhưng mở mắt là đã thấy mất mấy trăm ngàn tiền thuê nhà. Vậy là chỉ trong vòng một tháng, số tiền dành dụm của gia đình bay hết vô mấy tủ bánh. Vì chuyện này mà ông chồng bà vừa ăn bánh, vừa nghiến răng: “Bà ở nhà, lo cơm nước, muốn đi làm thì từ từ kiếm việc phù hợp. Bà đâu có rành buôn bán, cũng chẳng “sành ăn” mà dám bỏ vốn ra…”. Dù bà đã tuyên bố “rút kinh nghiệm”, nhưng ông chồng bà vẫn cảnh giác bằng cách… giữ tiền. Với số tiền chỉ đủ đi chợ, bà ngậm ngùi mong đợi cơ hội trở thành doanh nhân.
Thấy người ta đi bán hàng đa cấp thành công rực rỡ, bà Lý Bình cũng hăng hái gia nhập. Bà không từ một gian nan, gian khổ nào miễn là có thêm thu nhập cho gia đình. Dù đang là công nhân viên của một hãng may, bà vẫn dành thời gian để hoạt động kinh doanh. Biết tính ông xã hay bàn lui, dễ làm nhụt chí, nên bà tự quyết vào cuộc chiến trên thương trường. Vào nghề, bà mới thấy khổ quá. Nhiều mặt hàng mỹ phẩm, có người coi “ca-tôlô” xong, chịu mua, bà hí hửng ứng tiền bỏ tiền ra lấy hàng, nhưng đến khi nhận hàng, khách lại hẹn: “Xài được mới trả tiền nghen!”.
Trời ạ, số khách trả tiền sòng phẳng chỉ đếm được trên đầu ngón của một bàn tay. Một số “trả hàng” chưa bắt đền “cái mặt” là may. Số thì xài xong rồi, mà tiền vẫn hẹn đến “Chừng nào lãnh lương trả nghen”. Sau một thời gian buôn bán, lời không thấy đâu, mà thấy lãi trong số tiền bà vay để làm vốn cứ tăng lên đều đều. Sống trong sợ hãi phá sản, nên bà về nhà với bộ mặt xơ rơ, xác rác. Con cái nhào vào hỏi mẹ, thì bà cáu: “Xê ra chỗ khác chơi!”. Sợ chồng biết, bà cố gắng xoay xở trả nợ bằng cách kiếm thêm công việc “cò” cho một số thẩm mỹ viện. Bà đâu biết, mấy chỗ ế ẩm, làm kém chất lượng mới nuôi “cò”. Báo hại, mấy bà bạn của bà sau khi sửa sắc đẹp trở nên… xấu đi đã quay ra nhìn bà như nhìn một kẻ lừa đảo.
Bà Trần Thu Dung, lại có một cách làm ăn không “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà vẫn có thu nhập cao. Một lần ra chợ, bà cho rằng mình gặp may khi được kết nạp vào một “hội” giúp nhau làm giàu. Bà về nhà, gom hết tiền để dành, mượn thêm tiền của chị em, họ hàng… với lãi suất thấp, để đầu tư vào một dây chuyền sản xuất hàng hóa gia đình. Theo lời của hội trưởng, bà gom bao nhiêu tiền cũng có chỗ sử dụng. Tiền vào người mát tay, biết làm ăn sẽ liên tục phát triển nên người đầu tư nhận được lãi cao.
Tháng đầu tiên được chia số tiền lợi tức 20 triệu, bà mừng phát run vì số tiền bà đầu tư vào chỉ có vài trăm triệu. Bà tưởng tượng, chẳng bao lâu bà sẽ thu lại vốn mà lãi vẫn cứ đều đều… Thế nhưng, niềm vui của bà chỉ kéo dài thêm 1 tháng nữa rồi chẳng thấy ai gọi điện cho bà đến nhận tiền. Bà tá hỏa đi tìm đồng đội. Té ra, hội trưởng cũng chẳng biết gì rõ ràng về số tiền gom được “đi đâu, về đâu”.
Về sau, cả hội mới biết rằng họ đóng tiền cho một nhóm buôn lậu hàng thuốc lá, mà còn bị công an nghi ngờ là có cả ma túy. Bà run rẩy thông báo với ông xã. Dù nghiến răng với bà vợ liều lĩnh “bí mật” kinh doanh, nhưng ông chồng vẫn khuyên bà “Coi như mất của, chứ tiền mà đã vào tay tội phạm thì thôi bỏ tiền chạy lấy người cho rồi…”.
Các bà vợ làm nghèo gia đình vì tiêu xài vô tổ chức, đam mê cờ bạc… thì các ông chồng cũng dễ tỏ ra thái độ dứt khoát, dứt tình… Thế nhưng, những bà vợ cố gắng làm giàu cho gia đình, mà vô tình làm khổ chồng, khổ con, thì không phải bao giờ cũng được thông cảm. Nhất là khi các bà vợ “máu làm ăn”, thua keo này chưa kịp rút kinh nghiệm đã bày keo khác cho đến khi nợ nần chồng chất thì vợ chồng cũng tan rã luôn!
PHƯ CHU (TTO)
Bình luận (0)