Sĩ số vượt gần gấp đôi theo chuẩn quốc gia, nhưng những ngôi trường có các lớp học như vậy vẫn là niềm mong ước của nhiều phụ huynh học sinh. Ngày tựu trường, khi vừa nhận lớp, một giáo viên (GV) chủ nhiệm của trường Tiểu học (TH) Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM) hớt hải chạy vào phòng hiệu trưởng nói: “Thầy ơi, lớp em có đến 57 học sinh (HS), có nhầm không thầy?”.
Học sinh ngồi chen chúc trong lớp học ở
trường tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) – Ảnh: Bích Ngọc
Còn chị T.L, phụ huynh HS trường TH Lê Ngọc Hân (Q.1) cũng “choáng” khi nhìn danh sách lớp con mình có tổng cộng 49 HS…
Chị Ngọc, phụ huynh HS trường TH Bàu Sen (Q.5) cho biết: “Cứ tưởng tượng cảnh 45 đứa trẻ chen chúc nhau trong 1 lớp học mà chỉ có 1 cô giáo và 1 cô bảo mẫu chăm sóc cả ngày là tôi thấy sợ quá nhưng chẳng biết làm sao”…
“Khi chưa trang bị micro để giảng bài, sau một ngày lên lớp thì chúng tôi cảm giác như bị đứt hơi, thậm chí về nhà không đủ sức để nói chuyện với chồng, con nữa” – Một GV trường TH Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội)
|
Đây không phải chuyện hiếm gặp ở các trường TH tại TP.HCM. Ông Tạ Tân – Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, cho biết: “Hiện nay quận có 1 trường TH đạt chuẩn quốc gia có sĩ số theo quy định là 35 HS/lớp, những trường còn lại bình quân là 47. Trong đó có 2 trường phải chịu áp lực nặng nề là trường TH Lê Lai và Huỳnh Văn Chính”.
Năm nay, trường TH Lê Lai nhận hơn 600 HS, sĩ số trung bình mỗi lớp khoảng 53 – 54. Ông Huỳnh Long, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Có lớp sĩ số lên đến 60”.
Dùng micro giảng bài ở lớp 1
Tại Hà Nội, tình trạng này còn căng thẳng hơn. Trường TH Kim Liên (Q.Đống Đa) là một trong những trường mà đa số phụ huynh đều mong muốn cho con vào lớp 1. Chính vì lý do đó, năm nào trường này cũng rơi vào tình trạng quá tải, thường phải chấp nhận sĩ số tới hơn 60 HS/lớp. Theo hiệu trưởng nhà trường, từ 4 năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 của trường đều tăng, thường là 600 hoặc 700 HS, trong đó tỷ lệ HS trái tuyến luôn chiếm khoảng 50%. Đây là nguyên nhân khiến sĩ số lớp học thường là khoảng 65 HS. Vì thế từ vài năm nay nhà trường phải trang bị hệ thống ampli để giáo viên giảng bài bằng micro. Một GV trường này tâm sự: “Khi chưa trang bị micro để giảng bài, sau một ngày lên lớp thì chúng tôi cảm giác như bị đứt hơi, thậm chí về nhà không đủ sức để nói chuyện với chồng, con nữa…”.
“Cứ phải ép sĩ số”
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, nguyên lãnh đạo một phòng giáo dục tại TP.HCM, cho rằng: “Nguyên nhân của việc tăng sĩ số bắt đầu từ chính tâm lý phụ huynh. Cách đây hơn 10 năm, thành phố thực hiện thí điểm chương trình tăng cường tiếng Anh với khoảng 2-3 trường. Nhờ vậy mà tiếng tăm của các trường này cứ nổi như cồn và dần ăn sâu vào tiềm thức của cha mẹ HS là phải học trường đó mới tốt. Chứ thực chất, đến nay, cơ sở vật chất của những trường này chưa chắc còn tốt”.
Trong khi đó, ông Bùi Hữu Phước, Hiệu trưởng trường TH Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình) nói: “Áp lực sĩ số còn do nhu cầu học bán trú”. Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD Q.Tân Phú thì thông tin: “Trước đây chúng ta cứ nghĩ là các năm đẹp thì sẽ gia tăng dân số, kéo theo số lượng HS nhập học tăng. Thực tế không phải vậy, mỗi năm số HS đều tăng bởi không chỉ là dân số cơ hữu mà còn do số lượng dân nhập cư. Trách nhiệm của trường là phải thu nhận hết số lượng trẻ trên địa bàn nên cứ phải ép sĩ số. Để giải quyết tình trạng này chỉ có cách duy nhất là phải xây dựng nhiều trường hơn nữa”.
B.T – P.L
|
Trường TH Nam Thành Công (Q.Đống Đa) cũng là điểm nóng, năm nay sĩ số cũng lên tới hơn 60 HS/lớp. Đợt tuyển sinh vừa qua, chỉ riêng trẻ diện đúng tuyến vào trường đã có trên 600 HS, trong khi điều kiện cơ sở vật chất của trường chỉ đáp ứng được khoảng 500 HS.
Tại Đà Nẵng, tình trạng quá tải ở các trường tiểu học có tiếng trên địa bàn TP hiện cũng đang là vấn đề nổi cộm, khó tìm cách khắc phục. Trường TH Phù Đổng (Q.Hải Châu) là một trong những trường nằm trong tốp đầu lựa chọn của phụ huynh nên phải đối mặt với số HS tăng đột biến trong các mùa tuyển sinh đầu cấp. Theo điều tra phổ cập tiểu học cuối năm 2009, số trẻ vào lớp 1 của trường là 184 HS, nhưng đến đầu năm thì có thêm đến… 239 HS trong khu vực tuyển sinh của trường trong khi chỉ tiêu chỉ 250 HS. Trường vốn có 30 lớp học 2 buổi, nhưng trước số HS vượt chỉ tiêu như trên, năm học này chỉ có 16 lớp được học 2 buổi.
Đi ngược chủ trương
Ở lứa tuổi cần được rèn luyện, uốn nắn từ cách cầm bút đến tư thế ngồi thì sĩ số cao gần gấp đôi so với quy định khiến HS khó được quan tâm đúng mức.
Theo bà Huỳnh Thị Tam Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, số lượng HS tăng khiến các trường không thể dạy 2 buổi/ngày, điều này đi ngược chủ trương của Bộ. Một cán bộ ngành giáo dục Q.Hải Châu TP Đà Nẵng nhận định: “GV tiểu học có giỏi đến mức nào, nhưng với sĩ số lớp quá tải cũng không thể theo sát từng HS”.
“Dù giáo viên có giỏi đến mấy, nhiệt tình đến mấy cũng không thể dạy học có chất lượng với lớp có sĩ số quá cao như vậy” – Một phụ huynh tại Hà Nội
|
Cô Bùi Thị Kim Dung – GV lớp 1 trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM – cho rằng: “Trẻ lớp 1 rất hiếu động nhưng lại biết sợ cô giáo nên việc nuôi không tốn nhiều thời gian bằng việc dạy chữ. Thời gian đầu có em biết chữ, có em chưa biết, trong đó trẻ biết chữ hầu hết lại được dạy không đúng chuẩn nên nếu lớp quá đông thì quả thật cô giáo rất khổ”. Cùng tâm trạng, một GV Q.Tân Bình thừa nhận: “Lớp tôi có 50 HS nên cả ngày hầu như tôi không thể ngồi một chỗ mà phải kèm cặp từng trò một để đảm bảo rằng học trò của mình đã viết đúng nét, ngồi đúng tư thế”.
Không chỉ có chất lượng học tập bị ảnh hưởng mà sức khỏe, thị lực của HS trong những lớp đông cũng rất đáng lo ngại. Một chiếc bàn học được thiết kế cho 2 HS thì nay có tới 3 HS ngồi chen chúc. Khoảng cách giữa các bàn học cũng san sát nhau, dãy bàn đầu cũng phải kê gần ngay bục giảng để tận dụng tối đa diện tích…
TheoThanh Nien
Bình luận (0)