Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nghĩ cạnh mùa thi: Bao giờ có được niềm vui trọn vẹn?

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 14-7, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi THPT quốc gia 2019. Như vậy, tính đến thời điểm này, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 cơ bản đã hoàn tất. Tuy nhiên, tâm lý chung của hầu hết những người trực tiếp làm công việc này chưa thể thở phào nhẹ nhõm được. Vì sao như vậy? Vì ảnh hưởng từ những tiêu cực, dẫn đến dự cảm về những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào của các mùa thi trước vẫn còn hiện hữu đâu đó, khiến cho nhiều người không khỏi phải hoài nghi “biết đâu…”, “có thể…”! Đây là nỗi niềm lớn nhất, dù cho kỳ thi đạt đến thành công như thế nào, thì đâu đó vẫn còn tâm trạng tiếc rẻ: Giá như có một niềm vui mùa thi được trọn vẹn!     

Cũng chính tâm lý cảnh giác cao độ đó, trước sự quan tâm đặc biệt của xã hội, Bộ GD-ĐT đã phải quyết liệt trong tất cả các khâu từ đề thi, coi thi cho đến chấm thi để thực hiện một kỳ thi, mà theo những người trong cuộc, là nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay. Vòng trong vòng ngoài, hàng hàng lớp lớp, bảo mật tuyệt đối, quan sát cẩn mật, quy trình chặt chẽ… là những cụm từ dễ thấy trong nghiệp vụ thi cử vừa qua. Chỉ tính riêng việc chấm thi môn tự luận, cán bộ giám sát mọi lúc mọi nơi, các vòng chấm độc lập, nghiêm ngặt, việc quy trách nhiệm rất cao cho giám khảo qua hàng loạt biên bản, chữ ký, mỗi phòng có đến 3 camera quan sát giám khảo chấm… Quả là áp lực rất lớn đè lên vai người chấm, mục đích chính là để giữ công bằng. Nhưng cũng chính những giải pháp này đã cho thấy một nỗi niềm khác nữa. Nỗi niềm về nguy cơ đánh mất sự công bằng của những người làm công việc công bằng. Giá như chúng ta không đánh mất lòng tin lẫn nhau ngay trong chính những người “cầm cân nảy mực”. Chúng ta dạy học sinh trung thực, chúng ta khuyên các em hãy có lòng tin vào sự công bằng, nhưng chính cách làm của chúng ta vô hình trung đã gián tiếp cho các em sự hoài nghi, đánh mất lòng tin nơi thế hệ trẻ. Giá như mục đích kỳ thi thật ý nghĩa hơn. Sẽ không có việc nhiều người chưa hài lòng về cách thi “2 trong 1” này, nhất là mục đích chính mà  Bộ GD-ĐT hướng đến là thi để xét tốt nghiệp, trong khi đó tỷ lệ hàng năm cứ xấp xỉ 100%, thì thi cử chỉ thêm tốn kém. Giá như thí sinh chuyên tâm hơn về kỳ thi, sẽ không có những điểm liệt cực kỳ phi lý, khi đề thi đã cho với những câu hỏi rất dễ nhằm… chống điểm liệt. Ở đây phải bàn đến thái độ đáng chê trách của thí sinh hơn là kiến thức. Một thái độ với bản thân như thế trong một kỳ thi quốc gia trọng đại như thế, trách nhiệm xã hội của các em sẽ như thế nào khi sau này bước vào đời? Giá như ai cũng có trách nhiệm chung, cũng ý thức về “sứ mệnh cao cả” của giáo dục, thì sẽ không có việc hàng năm chúng ta phải mất một khoản tài chính rất lớn mà mục đích chính là để… chống tiêu cực.

Và chuyện nhỏ thôi, nhưng không nhỏ. Giá như không vì “cơm áo gạo tiền” thì sẽ không có việc nhiều giám khảo cảm thấy “không vui” khi nhận mức thù lao chấm thi (coi thi) quá khiêm tốn, không đủ cho chi phí đi lại, ăn uống cho những giáo viên nhà xa. Biết rằng chấm thi là nghĩa vụ, trách nhiệm của giáo viên, nhưng cũng phải nghĩ đến mức thù lao tương xứng với công việc nhiều áp lực, rất nặng nề này của họ. Có  như thế mới giữ được “lửa nhiệt huyết” cho giáo viên trong các mùa thi sau. Nhất là không phải “đuổi” theo số lượng, sẽ dẫn đến chấm lệch điểm, mất công bằng cho thí sinh.

Quả thật là, chưa bao giờ sau mỗi mùa thi, chúng ta lại có được một niềm vui trọn vẹn. Mà ai nấy cũng cảm thấy lo lắng, cảm thấy tiêng tiếc: Giá như…!

Hu Nguyên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)