Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghỉ hè bây giờ trở thành… xa xỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Do “bệnh” nghề nghiệp, gặp những phụ huynh có con nhỏ, tôi hay hỏi “hè này ba mẹ cho con nghỉ ở nhà hay đi học thêm” đều được trả lời “cho đi học nhà cô giáo”. Theo đó, “cho đi học nhà cô giáo” là hình thức vừa học, vừa chơi – sáng phụ huynh đưa con đến nhà cô giáo; trưa rước con về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi; đầu giờ chiều lại đưa con tới nhà cô giáo…

Hầu như tất cả phụ huynh đều phải đi làm nên không có thời gian rảnh trông nom khi con nghỉ hè. Vì vậy, họ chọn cách gửi nhà cô giáo trong dịp hè là “một công đôi việc”, vừa được học chữ, vừa được vui chơi mà lại an toàn. Trừ rất ít gia đình khá giả đưa con đi nghỉ mát đây đó, còn lại con em người lao động đều coi nghỉ hè là xa xỉ, không bao giờ… mơ tới. Nếu có được nghỉ vài ngày cuối tuần thì cũng chẳng có điểm vui chơi nào phục vụ miễn phí cho thiếu nhi. Sân bóng đá mi ni của tư nhân, muốn vô đó phải có tiền và tương tự là các khu vui chơi, giải trí khác. Nhóm học sinh đã “tốt nghiệp” mẫu giáo, trước khi vào lớp 1 phải đi học để làm quen mặt chữ, thậm chí học trước chương trình vì phụ huynh nào cũng muốn con mình không bị bỏ rơi. Bộ GD-ĐT đã cấm dạy trước chương trình cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 nhưng không ai đi kiểm tra thực tế bao giờ. Vào năm học mới, giáo viên chỉ biết dạy bài cho kịp chương trình. Lỡ có học sinh chậm hiểu vì không học chữ trước thì thầy cô cũng phải “bỏ qua”, nếu không sẽ không dạy hết bài theo quy định. Nhiều em không học trước, viết bài không kịp đành bỏ dở và khóc! Cú sốc tâm lý trong những ngày đầu học lớp 1 sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ. Thế là phụ huynh phải thức đêm kèm cặp cho con để con theo kịp bạn bè. Học sinh THPT cũng vậy, các em không hề nghỉ hè mà đi học thêm theo từng nhóm tại nhà thầy cô…

Chúng ta cứ loay hoay hoài thực trạng học hè này mà không có cách giải quyết dứt điểm. Cứ đến hè đều có lệnh cấm từ trên đưa xuống nhưng không bao giờ có ai đi kiểm tra, nhắc nhở? Thôi thì cứ để cho việc dạy hè “trăm hoa đua nở”, mùa hè – mùa nghỉ ngơi thư giãn của học sinh bị tước đoạt. Tại chương trình nặng hay tại phụ huynh? Nói gì thì nói, các cơ quan chức năng cần lên tiếng để bảo vệ quyền trẻ em một cách thiết thực nhất!

Lam Hng (Sóc Trăng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)