Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng lớp học tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1). Ảnh: Y.H
Thông báo của Sở GD-ĐT TP.HCM cho học sinh được nghỉ học một tuần lễ (từ ngày 3 đến hết ngày 9-2) đem đến nhiều phấn khởi cho học sinh và phụ huynh. Ngay khi có quyết định nghỉ học, trên group lớp do tôi chủ nhiệm, nhiều học sinh đã bày tỏ niềm vui như… chuẩn bị đón Tết đến: “Đêm nay lại là một đêm giao thừa”. Có em không kiềm chế được niềm vui: “Em chỉ chờ đến giây phút này!”. Cũng có em khá hài hước khi viết thế này: “Em thật sự nhớ thầy và các bạn nhưng bây giờ phải nghỉ học. Bài tập Tết em đã hoàn thành và chuẩn bị mọi thứ cho ngày mai. Thầy và các bạn bảo trọng ạ!”… Đồng ý rằng tâm lý học sinh là thích được nghỉ học nhưng việc nghỉ học với mục đích phòng bệnh lại đem đến niềm vui, sự an tâm cho các em thì là việc nên làm. Cho học sinh nghỉ học thêm một tuần sau Tết chắc chắn sẽ gây khó khăn cho nhiều phụ huynh, vì không ai giữ trẻ. Song, vì sức khỏe cộng đồng nên đa số phụ huynh đều vui vẻ, chịu khó khắc phục. Nhà trường cũng không nên quá lo lắng vì có thể lấy thời gian nghỉ hè để bù vào thời gian nghỉ, hoặc tăng thêm lịch học vào những ngày trái buổi, cuối tuần. Thông qua các trang thông tin kết nối của lớp, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cũng có thể sinh hoạt với lớp, giao thêm bài vở cho các em học tập tại nhà trong thời gian này. Việc các trường lên kế hoạch cho học sinh đeo khẩu trang đến lớp để chống “đại dịch” chỉ là giải pháp tạm thời, khó có thể ngăn ngừa một cách triệt để, hiệu quả và lâu dài được. Trước hết, phải khẳng định rằng môi trường học đường là nơi rất “nhạy cảm” để các loại bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là liên quan đến hệ hô hấp. Và không phải toàn bộ người học đều có ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng. Nhiều học sinh không quen với việc đeo khẩu trang. Vì vậy, theo tôi, ngoài việc khuyến cáo đeo khẩu trang, nhà trường cần thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp khác như tuyên truyền sâu rộng các cách phòng chống theo khuyến cáo của ngành y tế, tăng cường vai trò phòng y tế của nhà trường, y tế địa phương cũng phải có trách nhiệm với nhà trường về việc này. Nhà trường và phụ huynh cần phải “khoanh vùng” để kiểm tra, theo dõi và cần thiết phải cách ly những học sinh có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc qua du lịch, mua sắm ở những nơi dễ bị lây nhiễm. Kể cả những giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh cũng phải được nhà trường theo dõi, kiểm tra. Việc này cần thực hiện liên tục, lâu dài…
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)