Học sinh Trường THPT Ernst Thalmann Q.1, TP.HCM giới thiệu các poster, clip, mô hình tại buổi báo cáo dạy học (vật lý) dự án “Nào mình cùng đi xe buýt” – Ảnh: Như Hùng |
Đó là ý kiến của Đỗ Nguyễn Mạnh Tuấn, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Ernst Thalmann, TP.HCM, khi nói về lý do tham gia dự án “Nào mình cùng đi xe buýt”.
Thay đổi nhận thức của học sinh và phụ huynh trong việc sử dụng xe buýt làm phương tiện đi học, đi chơi là một trong những mục tiêu của dự án “Nào mình cùng đi xe buýt” – dạy học theo hướng tích hợp, liên môn do giáo viên môn vật lý Huỳnh Thị Thanh Hiền và khoảng 112 học sinh lớp 10A1, 10A2, 12A7, 12A8 và 12A9 thực hiện tại Trường Ernst Thalmann, TP.HCM.
Bài học ngoài sách vở
Phương tiện đi lại chủ yếu của học sinh một số trường phổ thông tại quận 1, TP.HCM hiện nay là gì? Vì sao mọi người không sử dụng xe buýt? Những câu hỏi này đã đặt ra cho 17 nhóm thực hiện dự án “Nào mình cùng đi xe buýt” ở Trường THPT Ernst Thalmann vào ngày 20-1.
“Mới nghe tên dự án, em nghĩ dễ làm lắm. Nhưng càng thực hiện càng thấy… khó khăn” – Quách Hồng Thủy Trúc và Nguyễn Quế Chi, lớp 10A1, thuộc nhóm 1.3 của dự án, cùng bộc bạch. Sáu học sinh trong nhóm này cùng bàn luận, phân công để thực hiện các công việc cho kịp tiến độ dự án trong khi đây là “những bài học ngoài sách vở”.
Nhóm của Thủy Trúc và Quế Chi được phân công nhiệm vụ khảo sát các phương tiện đi lại chủ yếu của học sinh tại ngôi trường mình đang học.
Đặt câu hỏi khảo sát như thế nào là vấn đề đầu tiên. Ban đầu nhóm đặt câu hỏi để các anh chị và các bạn học sinh trả lời, nhưng sau đó thấy phương án này không khả thi nên phải đổi sang dạng câu trắc nghiệm, loại trừ.
Làm sao để các bạn cùng trường chịu vào mạng làm khảo sát khi nhóm khảo sát cũng không phải là “đàn anh, đàn chị” gì trong trường? “Chúng em cũng ngại lắm nhưng cứ đi thuyết phục từ từ, kêu gọi học sinh toàn trường tham gia khảo sát, cuối cùng cũng được 777 học sinh trả lời”.
Ở trường mình còn “khó thế”, đi khảo sát ở trường bạn càng khó hơn. Thế nhưng bằng sự quyết tâm, cuối cùng học sinh cũng có được những con số theo đánh giá của các giáo viên là rất trung thực. Có 58% học sinh tại một vài trường THPT và THCS ở quận 1, TP.HCM đi xe máy (ba mẹ đưa đón bằng xe máy), 21% đi xe đạp, hơn 9% đi bộ và hơn 11% đi xe buýt.
Để có được câu trả lời vì sao nhiều người không sử dụng xe buýt, các nhóm học sinh tham gia dự án đã phải vừa làm hành khách tham gia giao thông, làm phóng viên ghi nhận hiện trường, vừa làm nhà xã hội học để phân tích, đánh giá…
Rồi có lúc lại sắm vai người thợ thủ công cắt tỉa khéo léo trong việc tạo ra những chiếc xe buýt mô hình thân thiện, dựng các thước phim mà mình đã quay, chụp ảnh thế nào cho đẹp, cho rõ ràng, nói sao để những người mình gặp gỡ chịu “ghi hình, trả lời…”.
Những thu hoạch không đong đếm hết
“Sau hai tháng thực hiện dự án, thành quả vượt lên sự mong đợi của giáo viên. Điều làm tôi vui nhất chính là khả năng tiềm tàng, sự nhanh nhạy, năng động trong tư duy, cách làm, cách nghĩ của học sinh” – cô Huỳnh Thị Thanh Hiền nói.
17 nhóm phản ảnh 17 vấn đề khác nhau trong việc sử dụng xe buýt hiện nay ở giới học sinh. Có video kể về những trường hợp bị tai nạn giao thông, có video nói về những tình cảm mến thương của người dân trên mỗi chuyến xe buýt hằng ngày. Lại có những video phỏng vấn du khách nước ngoài về thói quen sử dụng xe buýt, còn người dân thành phố thì vẫn tỏ ra ngại ngần khi bước lên đó.
Bên cạnh đó các nhóm học sinh cũng đưa ra những lợi ích khi sử dụng xe buýt bằng những khảo sát và đánh giá thực tế: tránh mưa, tránh nắng (29%), tiết kiệm chi phí (so với dùng xe máy – 27%), an toàn (12%), bảo vệ sức khỏe (17%), ôn bài, nghe nhạc (15%)…
Hơn 40 cảnh quay, đi xe buýt về Cần Giờ, Bình Dương để làm video nói về cuộc sống nghĩa tình của người dân khi đi xe buýt nhưng rồi nhóm 4.3 vẫn nói với cô “nhóm con thất bại rồi”. Nhờ những trải nghiệm đó mà chỉ sau khi cô giáo hướng dẫn lại, nhóm làm sản phẩm chỉ mất trong hai ngày. “Quan trọng nhất là học sinh được thực làm, thực học nên tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của học sinh” – cô Hiền cho biết.
Từ 17 nhóm sản phẩm, những học sinh tham gia dự án đã trưởng thành lên rất nhiều. “Ngày trước em thấy mình rụt rè, nhác nhưng giờ không còn ngại ngần trong giao tiếp, trao đổi. Em cũng học thêm được kỹ năng làm việc nhóm, biết rằng Facebook không chỉ để giải trí mà còn có thể là phương tiện để lan tỏa nhiều điều tốt đẹp” – Nguyễn Thị Anh Thảo, học sinh lớp 10A1, chia sẻ.
Còn Nguyễn Trung Trực cho biết: “Thực hiện dự án như thế này, chúng em được thực hành nhiều kiến thức đã học từ tiếng Anh (phỏng vấn, trò chuyện với người nước ngoài), toán, vật lý đến cả những môn như văn hay giáo dục công dân”.
Thế nên, Trung Trực cho biết dù bạn nào cũng “không có thời gian” do lịch học kín nhưng “hầu như cả lớp em đều háo hức chờ đợi được tham gia những dự án học tập tiếp theo của trường”.
200.000 lượt học sinh đi xe buýt Đưa rước học sinh đến trường bằng xe buýt theo hình thức hợp đồng có trợ giá đã được TP.HCM thực hiện từ năm 2002. Ban đầu chỉ triển khai trên 12 trường ở địa bàn TP nhưng đến nay đã tăng lên 158 trường. Hiện trung bình mỗi ngày TP.HCM có 200.000 lượt học sinh, chủ yếu ở các quận ngoại thành, đến trường bằng xe buýt. |
Tiếp tục theo đuổi dự án Cô trò chúng tôi tiếp tục đeo đuổi việc sẽ khuyến khích được 100 học sinh tại Trường THPT Ernst Thalmann đi xe buýt trong năm học sau. Từ đó tiếp tục nhân rộng ra. Trường ở địa chỉ rất đẹp để di chuyển bằng xe buýt và cũng nên di chuyển bằng phương tiện công cộng vì đoạn đường này rất hay kẹt xe giờ cao điểm, nhưng đến nay vẫn rất ít phụ huynh của trường chịu cho con đến trường bằng xe buýt. Đó là lý do cô trò nhà trường chọn thực hiện dự án dạy học “nóng hổi” tính thời sự này. |
MỸ DUNG (TTO)
Bình luận (0)