Trong số 5 tân sinh viên có điểm thi cao nhất, được Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ khen thưởng trong lễ khai giảng năm học 2018-2019, có Nguyễn Chí Bền – thủ khoa khối A của trường với 25,75 điểm (toán: 8; lý: 9,25; hóa: 8,30). Chí Bền học ngành sư phạm lý, em chỉ có tay trái, tay phải bị mất do tai nạn lúc 5 tuổi…
Chí Bền học bài trong phòng trọ
1. Nằm trong con hẻm sát Trường ĐH Cần Thơ, căn phòng trọ của Chí Bền khoảng hơn 30m2, ngăn nắp, sạch sẽ. Em ở chung với dì út đang là sinh viên năm thứ 3 ngành dược Trường ĐH Nam Cần Thơ. “Giang sơn” của dì út là gác lửng, còn Chí Bền ở dưới với gia tài là chiếc nệm gấp dùng để ngủ và làm bàn học, vài quyển sách cùng một ít quần áo. Em dễ gây thiện cảm với người đối diện bởi khuôn mặt đôn hậu, miệng tươi cười, đôi mắt sáng sau cặp kính cận, cách nói chuyện nhỏ nhẹ, lễ phép và luôn biết chăm chú lắng nghe.
Là con một trong gia đình kinh doanh hải sản tại TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Chí Bền được ba mẹ và họ hàng hết mực thương yêu. Lần đầu tiên xa nhà, ngoài việc phải làm quen với cuộc sống tự lập nhiều thiếu thốn so với khi sống trong gia đình, Chí Bền còn đối diện với nỗi nhớ nhà thắt ruột. Ấy vậy mà khi thấy chủ nhật nào mẹ cũng lên Cần Thơ, lễ mễ mang theo thức ăn, trái cây, em lại năn nỉ mẹ vài tháng hãy lên thăm. “Hàng ngày ba mẹ em phải dậy từ 2 giờ sáng để lấy hàng bỏ mối cho các sạp và tiệm ăn. Làm đến trưa mới xong. Về nhà nghỉ chút lại loay hoay chuẩn bị cho hàng hóa bữa sau. Làm việc vất vả mà còn lên thăm em thì cực mẹ lắm. Em định khi lịch học ổn định, mỗi tháng về thăm nhà để ba mẹ khỏi phải lên”, Chí Bền trải lòng.
Đang nói chuyện vui vẻ, đột nhiên gương mặt Chí Bền thoáng buồn, em kể: “Hôm nay là ngày cuối trong Lễ hội anh hùng Nguyễn Trung Trực ở TP.Rạch Giá, tổ chức vào các ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch. Mỗi dịp lễ hội, ba mẹ đều đưa em đến Đình thần Nguyễn Trung Trực để dâng cúng, thắp hương. Năm nay không đến viếng cụ, em rất buồn”.
2. Chị Phước Hạnh Kiều (mẹ của Chí Bền) cho biết tai nạn xảy ra do Chí Bền dùng tay lấy đá trong máy xay nước đá. Chiếc vòng đeo trên tay em vướng vào máy không kịp gỡ nên bánh xe cắt vào tay. Gia đình vội đưa vào bệnh viện nhưng tay phải của em vẫn bị tháo khớp… Chị Kiều nhớ lại: “Chí Bền rất nghe lời người lớn. Khi lên 6 tuổi vào lớp 1, ông ngoại đưa tới trường, khuyên: “Con không có đủ 2 tay nên phải học giỏi để sau này có nghề nghiệp tự lo cho bản thân nha”. Chí Bền dạ và đã giữ lời hứa. Cháu kiên trì luyện tập, sử dụng tay trái thành thạo. Ngoài ra, cháu viết và vẽ rất đẹp, luôn được cô giáo khen. Đặc biệt, cháu rất tự giác trong học tập, ba mẹ không phải nhắc nhở. Năm nào cũng được phần thưởng, học bổng, thành ra việc học của cháu không tốn kém nhiều”.
Chị Kiều kể tiếp: “Chí Bền luôn tự lập, thích tự giặt quần áo bằng tay dù nhà có máy giặt, rảnh là làm phụ mẹ việc nhà. Lúc nhỏ đi chơi thấy món đồ đẹp cháu xin mua, mẹ nói đồ mắc lắm, không có tiền là thôi ngay. Lớn lên cũng không đòi hỏi quần này áo kia, mẹ mua gì mặc nấy.Tôi cũng không biết cháu học giỏi tới đâu, chỉ là khi các bạn cùng lớp tới nhà chơi, nói với tôi: Chí Bền học siêu lắm cô ơi, chúng con ráng lắm cũng không lại bạn ấy…”.
Những năm học phổ thông, Chí Bền liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Năm lớp 11 và lớp 12, em đoạt giải ba cấp tỉnh môn lý; lớp 12 còn đoạt thêm giải ba cấp tỉnh cuộc thi học sinh giải toán trên máy tính cầm tay. Tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực, lớp 12 toán của Chí Bền là lá cờ đầu của trường về học tập và các phong trào. Cô Vũ Thị Thu Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp) cho biết: “Chí Bền rất ngoan, hiền, khiêm tốn. Em thuộc top 5 học sinh giỏi nhất khối, học đều tất cả các môn. Dù hình thể khiếm khuyết nhưng em không tự ti, luôn vui vẻ, lạc quan, hòa đồng và giúp đỡ bạn. Mỗi khi được khen thưởng hay nhận học bổng, Chí Bền đều ủng hộ một phần vào quỹ lớp. Địa phương này có những học sinh nhà khá giả, học xong THPT thì không học tiếp. Gia đình Chí Bền cũng khá giả nhưng em siêng năng học tập và có chí tiến thủ. Tôi rất thích cách giáo dục con của ba mẹ em”.
Em Huỳnh Mỹ Linh (bạn cùng lớp 12 và học sư phạm lý với Chí Bền ở ĐH) cho biết thêm: “Bạn ấy học cực siêu. Hầu như bài tập toán, lý, hóa, sinh nào khó tới đâu Chí Bền cũng giải được. Mỗi khi chúng em chưa hiểu bài, hoặc chưa tìm ra cách giải các bài tập nâng cao, bạn đều nhiệt tình hướng dẫn. Dù được lớp miễn tham gia các phong trào nhưng bạn ấy luôn hỗ trợ trong khả năng, chẳng hạn như đi theo để cổ vũ, động viên. Chí Bền luôn đi học sớm, khi tổ trực dọn dẹp, quét lớp không kịp là bạn cùng tham gia liền”.
3. Chí Bền giải thích động cơ học tập của mình như sau: “Lúc đầu em học vì vâng lời ông bà và để ba mẹ vui lòng. Nhưng càng học lên em càng thích và thấy kiến thức là kho tàng vô giá, giúp chúng ta chìa khóa để hiểu và nhận thức nhiều vấn đề, sự việc trong cuộc sống; để biết sống đúng và sống có ích cho xã hội”.
Theo Chí Bền, bí quyết học tập của em là tinh thần tự học. Trên lớp em chăm chú nghe thầy cô giảng, cố gắng nhớ những trọng tâm của bài. Chỗ nào chưa hiểu thì hỏi thầy cô. Về nhà làm các bài tập thầy cô cho và lên mạng tìm các bài tập nâng cao để giải. Bài nào “bí” quá thì nhờ thầy cô chỉ bảo. “Em cố gắng tìm hiểu bài mới trước khi tới lớp. Ở trường em, thầy cô rất tận tụy với học sinh. Để giúp chúng em thi THPT quốc gia, nhiều thầy cô cung cấp tài liệu và các địa chỉ mạng có nhiều bài tập hay để chúng em rèn luyện…”, Chí Bền chia sẻ. Ngoài thời gian học, niềm vui của Chí Bền là nghe nhạc tiền chiến, bolero và xem phim hoạt hình. Nếu ở bậc phổ thông, do hạn chế về hình thể, Chí Bền không thể học nhóm thì hiện nay em đang làm quen với cách học này của bậc ĐH. Em cho biết sẽ phấn đấu học thật tốt và tích cực tham gia phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
Hồi ở nhà, khi đi học Chí Bền được ba và cậu đưa rước, bây giờ mỗi ngày em dậy lúc 5 giờ 30, ăn sáng rồi đi bộ tới trường để kịp tiết học đầu lúc 7 giờ sáng. Chúng tôi hỏi Chí Bền vậy có cực không? Em cười nói: “Có gì đâu chị, đi bộ càng khỏe người mà”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Chị thấy em toàn kể những chuyện thuận lợi, vậy khó khăn nhất mà em từng đối mặt là gì?”. Chí Bền trả lời: “Đó là thời gian ôn thi THPT quốc gia. Em thường phải thức tới 1-2 giờ khuya để ôn bài. Mẹ cũng thức với em, rồi mẹ ngủ gật trên bàn. Hồi tham gia đội tuyển học sinh giỏi, thấy em học nhiều mẹ cũng thức theo, và khuyên: Nếu cực quá thì khỏi thi. Sức khỏe là trên hết con ạ!”. Kể tới đây, mắt Chí Bền đỏ hoe…
Đan phượng
Bình luận (0)