Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghị lực của cô giáo Linh

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 10 năm rồi, cô Lê Hồng Mỹ Linh (GV Trường THCS Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) chống chọi với căn bệnh suy thận mãn, sức khỏe ngày một yếu đi nhưng vẫn dành một tình cảm đặc biệt với nghề, với học trò.

Hiệu trưởng, Công đoàn và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường đến thăm cô Linh (bìa phải) tại phòng trọ

Nhắc đến cô giáo Linh, đồng nghiệp và học trò ai nấy đều tự hào lẫn khâm phục tinh thần vượt khó, trách nhiệm của cô. “Ngay từ nhỏ đã nuôi nấng ước mơ trở thành cô giáo. Những ngày vào ra viện, nhớ trường, nhớ đồng nghiệp và học trò bệnh tình thêm nặng”, cô Linh chia sẻ.

Để kéo dài sự sống, hiện mỗi tuần phải chạy thận từ 3-4 lần. Từ ngày cô Linh bệnh nặng, anh Võ Minh Thiện, chồng cô cũng đã nghỉ việc để chăm sóc và đưa đón vợ đi dạy, đến viện. Để trang trải chi phí chữa bệnh cho vợ, ai thuê mướn gì anh Thiện làm đó nhưng thu nhập chẳng là bao. Gần đây, mỗi chiều anh nấu nồi súp cua mang ra đầu hẻm để bán. “Đó là khoản thu nhập dành trả tiền nhà trọ và tiền chợ hàng ngày”, cô Linh cho biết.

Hôm chúng tôi đến thăm, đó là căn nhà trọ nằm sâu trong con hẻm đường Trương Phước Phan (Q.Bình Tân), có cả Ban Giám hiệu nhà trường, Công đoàn và Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng đến thăm, động viên và chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp. Căn phòng trọ tròm trèm 12m2 nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ trên đường Trương Phước Phan (Q.Bình Tân), cái nóng hầm hập bủa vây. Cô chia sẻ: “Nhà cha mẹ chật hẹp, lại có nhiều thành viên. Em trai lập gia đình nên vợ chồng phải dọn ra ngoài. Trước đây vợ chồng tính thuê phòng bên ngoài, gần đường để mua bán vặt nhưng biết mình bệnh đau, chồng thì thất nghiệp, chủ nhà không cho thuê vì sợ không có tiền trả. Đây là phòng trọ được nhất khu này”. “Được nhất”, được hiểu là không quá xô bồ, hỗn tạp và mất an ninh như các xóm trọ lao động khác. Chiếc cầu thang dã chiến để lên gác cũng chỉ sử dụng lúc chuyển đồ đạc đến rồi thôi. Cô bệnh không thể di chuyển lên cao, chiếc giường phải đặt ở dưới khiến không gian chật hẹp lại càng chật hẹp hơn. Mọi thứ đặt san sát nhau, chỗ ngủ cách một bước chân là bếp, bước nữa là đến nhà vệ sinh.

Cô Linh và anh Thiện cưới nhau đã hơn 10 năm nhưng vì sức khỏe yếu, cộng với cuộc sống chật vật nên vợ chồng chưa dám sinh con. “Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghe hai vợ chồng cáu gắt với nhau. Hình ảnh của anh chị là tấm gương để chúng tôi học cách yêu thương và chia sẻ”, anh Nguyễn Văn Hải, người thuê trọ gần đó nói.

“Lo lắng về sức khỏe của Linh, trường giảm số tiết để có thời gian nghỉ ngơi nhưng cô một mực không chịu. Chúng tôi thật sự may mắn khi có một đồng nghiệp trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm và đặc biệt là nghị lực vượt khó”, thầy Nguyễn Hữu Hòa (Chủ tịch Công đoàn nhà trường) chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Minh Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Trị Đông chia sẻ: “Nhà trường và đồng nghiệp luôn động viên, chia sẻ tạo mọi điều kiện để cô Linh điều trị bệnh. Linh từng là học sinh của trường, là học trò của chúng tôi. Chăm lo cho học trò là trách nhiệm của chúng tôi nhưng tiền chạy thận gần 5 triệu đồng/ tháng; tiền thuê phòng, điện nước khoảng 2 triệu đồng… Trong khi đó, đồng lương GV của em và ít tiền lãi bữa có bữa không từ gánh súp của chồng thì chẳng thấm vào đâu, do vậy rất cần sự chung tay giúp đỡ của đồng nghiệp, những tấm lòng hảo tâm.

“Tôi mong mình khỏe hơn để có điều kiện chăm sóc cho gia đình và dành nhiều thời gian hơn nữa cho học trò. Được đứng trên bục giảng là niềm hạnh phúc lớn nhất trong tôi. Tôi sẽ lên lớp đến khi nào hơi tàn, sức kiệt”, cô giáo Linh trải lòng.

Bài, ảnh: Tuy An

Bình luận (0)