Vượt lên trên nỗi đau của nghịch cảnh, bằng tâm huyết của một nhà giáo yêu nghề, với những đóng góp của mình trong sự nghiệp giáo dục và nghị lực ý chí phi thường trong cuộc sống, cô Nguyễn Thị Liễu là giáo viên duy nhất của TP.HCM được vinh danh tại giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017.
Chồng ung thư, con trai duy nhất bị bại não. Trong ngột ngạt gánh nặng mưu sinh, cô Liễu vẫn không quên nhiệm vụ của một nhà giáo, miệt mài đưa ứng dụng trong công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy.
Thành tích được “cả thế giới” ghi nhận
Năm 2014, với cô Liễu là năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp giáo dục của mình. Với giải nhất cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin do Bộ GD-ĐT tổ chức, cô Liễu đã mạnh dạn ứng dụng, thay đổi phương pháp giảng dạy trong những tiết học của Trường THCS Đức Trí (Q.1) nơi cô công tác lúc đó. “Những tiết học thực tế, tiết học mở luôn được các em học sinh hào hứng đón nhận” – cô Liễu chia sẻ.
Năm 2015, trước những nỗ lực mang công nghệ thông tin vào giảng dạy, cô Liễu là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại Mỹ do Microsolf tổ chức. Tại đây, vượt qua 250 giáo viên tiêu biểu của 87 nước, dự án về phòng chống thiên tai của cô lại được vinh danh, xuất sắc giành giải nhất toàn cầu.
Bước ra từ cuộc thi lớn, nhận thấy thế mạnh của những phương pháp học tập tiên tiến mà các nước trên thế giới đang áp dụng cô Liễu đã ngày đêm mày mò tìm cách ứng dụng cho phù hợp vào các bài giảng cho học sinh của mình. “Giáo dục muốn đổi mới trước hết là phải đổi mới về phương pháp theo hướng hòa nhập với thế giới. Để khi học sinh của mình đi du học, các em không bị bỡ ngỡ, hụt hơi trước những phương pháp học tập mới lạ, khoa học của nước bạn”, cô Liễu nhấn mạnh.
Những tiết học kết nối, tiết học trải nghiệm lần đầu tiên được cô đưa vào giảng dạy tại Trường THCS Đức Trí. Học sinh chỉ cần ngồi trong lớp học cũng có thể tiếp cận được với thế giới bên ngoài, biết được thời điểm đó học sinh nước khác đang làm gì, đang học gì. Hay được tham quan, trải nghiệm những địa danh nổi tiếng trong nước và thế giới qua hướng dẫn viên trực tiếp.
“Bằng việc ứng dụng CNTT, các em được kết nối với học sinh nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Phần Lan, Ấn Độ… Đồng thời, khi các em yêu cầu muốn tham quan một địa danh nào đó, dù trong nước hay thế giới, mình cũng tìm mọi cách để liên lạc, kết nối trực tiếp cho các em bằng CNTT. Các em được giao lưu, trò chuyện, đặt câu hỏi và trao đổi phương pháp học tập một cách chân thật nhất qua hình ảnh”, cô Liễu cho biết.
Theo cô Liễu, chính những tiết học kết nối như thế đã giúp xóa nhòa lằn ranh khoảng cách giữa học sinh các nước. Giúp các em học sinh trong nước tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh, có cách nhìn mở hơn với thế giới, không thiệt thòi, tụt hậu so với các bạn nước ngoài.
“Đó là hành trang cơ bản để các em bơi ra biển lớn hội nhập”, cô Liễu khẳng định.
Trước những đóng góp không mệt mỏi đó, tháng 3-2017, một lần nữa cô Liễu lại được Microsolf mời tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Canada với vai trò là chuyên gia giáo dục sáng tạo cấp cao hỗ trợ hướng dẫn các đồng nghiệp nước ngoài trong diễn đàn.
Cùng năm, cô Nguyễn Thị Liễu là giáo viên duy nhất được vinh danh trong Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017.
Chèo chống nghịch cảnh
Ít ai biết được rằng, người giáo viên tâm huyết với nghề đó lại có một số phận đầy éo le và nước mắt. Phải thật nghị lực và mạnh mẽ mới có thể vừa sáng tạo trong nghề lại vừa chèo chống gia đình, vượt lên nỗi đau, bất hạnh trong cuộc sống.
Trải qua thời gian dài điều trị vô sinh, năm 2009, cô Liễu đón tin vui mang thai cậu con trai. Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp nở hoa đã bị dập tắt trước tin sét đánh khi bác sĩ báo thai nhi gặp sự bất thường, bị giãn não thất, não úng thủy có thể dẫn đến bại não.
Khóc cạn nước mắt, người mẹ đó vẫn cương quyết giữ lại con, cam tâm trước mọi tình huống và không nguôi hy vọng về một phép màu.
“Khi sinh ra, bé lại bị bại não hoàn toàn, bác sĩ nói không thể can thiệp được tức là chẳng có phép màu nào sẽ xảy ra. Khoảng thời gian từ 2009-2011 là những tháng ngày mà bệnh viện là nhà. Có những lúc tưởng sẽ mất con, triền miên những đêm trắng ôm con trong tay mà nước mắt không ngừng rơi. Chỉ với một mong muốn duy nhất là được đồng hành cùng con hết cuộc đời, dù con có bại não…”, cô Liễu xúc động.
Nỗi đau là thế nhưng trong thời gian lên lớp, người giáo viên đó vẫn làm việc bình thường, ngay đến chính đồng nghiệp trong trường cũng không hề biết con trai cô đang trong tình trạng nguy kịch.
8 năm trời ròng rã khóc vì con, đến nay, cô Liễu vui mừng cho biết, dù bé chưa thể đi lại, nói năng được nhưng bé đã biết nhận ra mẹ, vui mừng hò reo, ghì ôm khi mẹ đi làm về. “Chỉ cần con bên cạnh, mỉm cười vậy là đủ”.
Vậy nhưng, nỗi đau này chưa nguôi nỗi đau khác đã ập tới, thử thách đôi vai người phụ nữ bất hạnh. Năm 2012, sau khi con trai vừa qua cơn “thập tử nhất sinh”, chồng cô lại phát hiện bị ung thư trực tràng. Khi vừa nghe chồng báo tin xấu, cô Liễu đã ho ra máu.
“Thực sự suy sụp và bế tắc. Lúc đó, mình đã định nghỉ việc để chuyên tâm vào chăm sóc chồng con và tìm nền tảng kinh tế” – cô Liễu trải lòng.
Nhớ lại quãng thời gian đó, cô Liễu nói rằng, mỗi ngày với cô là chạy đi chạy lại giữa bệnh viện với chồng, ở nhà chơi với con, và trường lớp. Ngoài ra cô còn mở thêm một cửa hàng bán đồ handmade để tăng thêm thu nhập.
“Đêm nào cũng làm việc đến 2-3 giờ sáng. Lúc đó, mình chỉ nghĩ tìm niềm vui trong công việc, tạm quên đi nỗi bất hạnh của bản thân”, cô nhớ lại.
Cô Liễu nói rằng, rất nhiều lúc cảm thấy kiệt sức, chạnh lòng khi nhận ra những cái nhìn thương hại hay những bình luận ác ý về nghịch cảnh của mình. “Buồn chỉ chút thôi. Bản thân mình không cho phép mình gục ngã. Vì mình chính là chỗ dựa của cả gia đình”.
Không buông xuôi trong công việc, không đầu hàng trước số phận là điều mà cô giáo Nguyễn Thị Liễu luôn tâm niệm mỗi ngày. “Dù khó khăn thế nào, gia đình và học sinh luôn là chỗ dựa của bản thân. Mang những tinh túy nhất trong nghề truyền lửa cho các em và trở về bình yên trong gia đình. Chỉ cần có gia đình, là bão dông đã dừng sau cánh cửa”.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)