Đã 11 năm nay, hành trình đến lớp mỗi ngày của cô giáo Nguyễn Thị Quyên phải qua đoạn đường dài 70km cho cả hai lượt đi – về từ nhà (ở ấp 3, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài) đến xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Cô Nguyễn Thị Quyên phụ mẹ chồng dọn hàng bán bún riêu ở nhà |
Cô Quyên sinh năm 1983, hiện là giáo viên môn mỹ thuật và giáo dục công dân Trường THCS Tân Khai.
Chúng tôi tìm đến nơi ở của vợ chồng cô Quyên – căn nhà nhỏ của bà Lưu Thị Thắm (mẹ chồng cô Quyên) nằm trong con hẻm Trường tiểu học Tân Thành B.
Gặp người nhà của cô Quyên mới rõ ngoài công việc đi dạy, suốt tám năm qua, hằng đêm, cứ nửa khuya gần sáng, cô Quyên còn theo phụ chồng đi cạo mủ cao su. Chỉ hai năm nay, từ khi chồng cô nghỉ việc ở nông trường chuyển sang làm xí nghiệp gỗ, cô Quyên mới đỡ được cảnh phải làm việc giữa đêm hôm.
Mỗi sáng mẹ chồng bày hàng bán bún riêu trước nhà, cô Quyên phụ mẹ bán đến trưa thì sửa soạn đi dạy.
Có những năm trường thiếu giáo viên, cô Quyên phải dạy buổi sáng. Giai đoạn đó cứ 5 giờ sáng là cô Quyên đã phải ra khỏi nhà.
Sau này biết hoàn cảnh nhà xa nên ban giám hiệu linh động bố trí thời gian đứng lớp vào buổi chiều cho cô Quyên đỡ cực. Vậy nhưng đi buổi nào thì đồng nghiệp cũng nhìn thấy cảnh cô Quyên vất vả.
Dạy buổi sáng thì cô phải đi từ tờ mờ sáng, còn dạy buổi chiều thì đến tối mịt cô mới về đến nhà.
Cô Quyên kể nhiều bữa về đến nhà nhìn đồng hồ thấy đã gần 8 giờ tối! Đó là những hôm trời mưa gió hoặc khi xe hư giữa đường.
Mẹ chồng cô Quyên chia sẻ với chúng tôi: “Tội nghiệp lắm! Có nhiều bữa trời mưa, đến tối mà chưa thấy mẹ Quyên về, ba bà cháu đứng ngồi không yên. Thằng bé lớn hỏi tôi hồi trưa mẹ con đi dạy có mang theo áo mưa không bà nội? Tôi nghe mà đứt ruột, nhưng biết phải làm sao, cứ đi ra đi vô niệm Phật cầu mong cho con nhỏ về đến nhà được bình an. Chỉ đến khi nghe tiếng xe của con ngoài cửa, tôi mới thở phào nhẹ nhõm!”.
Lương công nhân mỗi tháng của chồng chỉ vừa đủ tiền học cho hai đứa con vừa tiểu học vừa mẫu giáo. Lương giáo viên ít ỏi của cô Quyên mỗi tháng phải trừ đi một khoản chi phí xăng không hề nhỏ, còn lại chút ít thì góp với mẹ chồng lo chuyện ăn uống, chi tiêu trong gia đình.
Đó là khi hai đứa nhỏ không có vấn đề về sức khỏe, chứ mỗi lần con bệnh là cô Quyên phải chạy vạy tìm chỗ mượn tiền bạn bè để xoay xở.
Vậy nên hơn mười năm nay, bốn thành viên trong gia đình nhỏ của cô Quyên vẫn nương nhờ mẹ chồng từ chuyện ăn lẫn chuyện ở. Nhiều bận cô Quyên muốn xin chuyển về dạy ở Đồng Xoài gần nhà cho đỡ tốn chi phí, rồi kiếm việc làm thêm hoặc buôn bán gì đó để có thời gian chăm sóc hai đứa con. Nhưng hỏi thăm nơi nào cũng nghe báo “đã đủ chỉ tiêu” nên cô đành chịu.
Cô Nguyễn Thị Sáu, tổ trưởng bộ môn, chia sẻ: “Ngày nào cũng đường xa vất vả như vậy nhưng cô Quyên cần mẫn lắm. Hoàn cảnh khó khăn nhưng đến lớp thấy cô luôn vui vẻ. Cô sống chan hòa với mọi người nên thầy cô trong trường ai cũng thương mến.
Có nhiều bữa đi nửa đường xe hư, cô gọi điện báo đến trễ, mấy lúc vậy nghĩ càng thấy thương và cảm phục cô nhiều hơn.
Có đợt tôi đi học bên thị xã Đồng Xoài gần chỗ cô Quyên ở, chạy đi chạy về có ba ngày tôi đã thấy đuối, vậy mà cô Quyên đi về mỗi ngày như vậy suốt 11 năm nay. Chỉ có yêu nghề và nghị lực lắm cô Quyên mới không quản ngại và kiên trì được thời gian dài đến như vậy!”.
Khi nghe chúng tôi hỏi khó khăn vậy có khi nào cô nghĩ đến việc bỏ dạy? Nở nụ cười buồn, cô Quyên chia sẻ: “Tôi nghĩ đến công lao của cha mẹ đã nuôi mình ăn học. Vả lại, được làm cô giáo là niềm mơ ước của tôi từ khi còn nhỏ, nên dù có cực khổ cách mấy tôi cũng sẽ cố gắng đến lớp mỗi ngày!”.
Theo TTO
Bình luận (0)