Cô giáo Ngọc Anh (hàng đầu, bìa trái) tại lễ trao học bổng khuyến tài năm 2010 |
Đó là Huỳnh Ngọc Anh, hiện là giáo viên Trường THPT Gia Định, TP.HCM, bằng nghị lực và bản lĩnh của mình, Ngọc Anh vượt lên hoàn cảnh để trở thành một giáo viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết với nghề.
Vượt lên hoàn cảnh
Tôi biết Ngọc Anh nhờ sự giới thiệu của bà Lê Minh Ngọc, Giám đốc Quỹ Khuyến học TP.HCM. Năm 2006, sau khi bước chân vào học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cô SV khoa tiếng Anh này gia nhập vào Câu lạc bộ Khuyến tài của Hội Khuyến học TP.HCM và nhận được một suất học bổng trị giá 1,2 triệu đồng/năm. Thế là bắt đầu từ đó, Ngọc Anh không chỉ có thêm chỗ dựa về vật chất mà cả tinh thần trong những chuỗi ngày bước lên giảng đường. Bạn bè hồi ấy vẫn không quên hình ảnh cô gái có dáng người dong dỏng, cứ sau mỗi giờ học lại bước vội ra bến xe buýt để trở về nhà, nơi đó có người mẹ đang chờ. Tuy tuổi mới qua 60 nhưng sức khỏe của mẹ Ngọc Anh đang ngày một yếu dần. Mồ côi cha từ tuổi lên 5, nên bao nhiêu tình cảm của mình, cô dồn hết vào cho mẹ. Thế nhưng, số phận vẫn không buông tha, chỉ một năm sau, bệnh tật đã cướp đi niềm hạnh phúc gia đình còn lại của Ngọc Anh. Ngày mẹ mất, Ngọc Anh khóc như mưa. Bà con hàng xóm không cầm được nước mắt khi thấy chiếc quan tài gỗ của người mẹ đã phải vất vả lắm mới có được “chỗ đứng” trong không gian chật hẹp của ngôi nhà 10m2. Cũng may, trên đời vẫn còn nhiều tình thương của bà con họ hàng, láng giềng và bạn bè nên dần dần, Ngọc Anh cũng học cách vững chân bước tiếp giữa đường đời.
Phía trước là bầu trời…
Hồi đó, bà con lối xóm không ngờ cô bé sống trong cảnh “con côi mẹ góa” mà lại học giỏi và chăm đến thế. Từ năm lớp 8 ở Trường THCS Độc Lập, Ngọc Anh đã đem thành tích về cho mẹ khi đứng trong đội tuyển HS giỏi tiếng Anh của trường. Lên đến lớp 10 và 11 ở Trường THPT Gia Định, thành tích đó đã được Ngọc Anh tiếp nối khi em giành giải nhất và giải nhì môn Anh văn trong các kỳ thi HS giỏi cấp TP, kỳ thi Olympic và giải Trần Đại Nghĩa. Sau khi tốt nghiệp tú tài, Ngọc Anh cũng từng định hướng cho mình vào con đường học ngành kế toán của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhưng khi nghĩ đến học phí, xét lại khả năng học của mình, Ngọc Anh đã rẽ theo lối khác. “Gia đình tôi cũng có nhiều người làm nghề giáo. Hình ảnh của các thầy, các cô đã in đậm và để lại sự ngưỡng mộ trong suốt quãng đời đi học của tôi. Đặc biệt là mẹ tôi, mẹ cũng là một cô giáo dạy lớp tình thương của Trường dân lập Sơn Ca 5, quận Phú Nhuận. Chính vì thế mà tôi đã đổi ý và quyết định thi vào ngành sư phạm Anh”, Ngọc Anh trải lòng. Với “tấm bằng đỏ” trong tay, Ngọc Anh được Ban giám hiệu Trường THPT Gia Định “đón” về trường làm giáo viên theo chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”. Ở đây, Ngọc Anh nhận được sự động viên và chia sẻ kinh nghiệm tận tình từ các thầy, cô giáo cũ cũng như các anh chị, các bạn giáo viên cùng trang lứa.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Mỗi lần đứng trước vong linh để thắp nén nhang tưởng nhớ tới người đã khuất, cô giáo Huỳnh Ngọc Anh như vẫn còn nghe những lời khuyên của mẹ. Và cô thầm cảm ơn người mẹ đã truyền ngọn lửa yêu nghề để hôm nay cô được vững vàng hơn khi đứng trên bục giảng tiếp nối công việc dạy chữ mà trước đây mẹ đã cống hiến suốt một đời người. |
Bình luận (0)