Thầy Thanh đang dạy học sinh học nhạc
|
Một buổi sáng, khi chiếc xe buýt tuyến Khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi – Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.10, TP.HCM) chuẩn bị dừng thì một người đàn ông trạc 40 tuổi ngồi ở hàng ghế thứ 3 gần cửa lên xuống phía trước từ từ đứng dậy. Anh dò dẫm từng bước đi về phía cửa trước. Đúng lúc đó, gã tài xế quát lên: “Xuống cửa sau”. Người đàn ông hỏi lại: “Sao không được xuống cửa trước?”. Gã tài xế quát lớn hơn: “Mù mà còn lì”…
Người đàn ông “mù mà còn lì” đó, chính là thầy giáo Nguyễn Văn Thanh (SN 1970), giáo viên dạy nhạc Trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Cũng may cho gã tài xế, nếu người đàn ông này không phải là “thầy” mà là “thằng” thì rất có thể gã đã bị ăn no đòn. Và chắc chắn, sự phẫn nộ của những hành khách đi trên chuyến xe ấy sẽ vơi đi phần nào…
Tuổi thơ thiếu cha, vắng mẹ
Sự lạc quan, yêu đời và những thành tích mà thầy Thanh đã và đang có, khiến tôi nghĩ rằng thầy đã được sống trong một gia đình hạnh phúc với đầy đủ cả cha lẫn mẹ, đầy đủ về vật chất. Nhưng sự thật lại khác…
Cậu bé Nguyễn Văn Thanh được sinh ra bởi một cặp vợ chồng nghèo ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Lúc mới chào đời, Thanh cũng lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm 3 tuổi, Thanh bị sởi và căn bệnh này đã cướp đi đôi mắt của cậu bé.
Sau khi lấy đi ánh sáng của đời Thanh, ông trời còn cướp mất người cha của cậu bé. Chồng mất, con thì mù, mẹ Thanh – ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm từng đồng, từng cắc nuôi con khôn lớn. Rồi năm Thanh lên 6 tuổi, bà đã để con cho mẹ nuôi và đi bước nữa.
Từ đó cậu bé Thanh sống với bà ngoại. “Ngoại rất thương tôi nhưng cũng nghiêm khắc lắm”, thầy Thanh nhớ lại.
“Thương thì cho roi, cho vọt”, bà ngoại đã giao cho Thanh một số việc như phơi củi, lột đậu phộng, luộc khoai lang, luộc khoai mì, luộc rau, lột vỏ khoai mì lấy lõi phơi khô để làm củi…
Có một điều lạ là, “những năm tháng tuổi thơ, không ai cho tôi biết tôi bị mù. Tôi cứ đinh ninh rằng mình cũng như các bạn”, thầy Thanh tâm sự.
Điều này được minh chứng bằng những buổi chiều Thanh vui vẻ nô đùa cùng đám trẻ con trong ấp. Tụi trẻ trong ấp chơi trò gì, Thanh cũng tham gia, nào là u hấp, chọi cù, chọi lon… “Tôi chỉ hơi ngạc nhiên là tại sao lần nào chơi tôi cũng bị thua”, thầy Thanh nhớ lại.
Sự không phân biệt đối xử của đám bạn “đầu trần, chân đất” ngày ấy đã cho Thanh một niềm tin vào cuộc sống. Đã phần nào làm vơi đi nỗi buồn thiếu cha, vắng mẹ của cậu bé…
Nỗ lực để không phải là… thằng
“Trở thành giáo viên của trường, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì những vất vả trong học tập, cuối cùng đã được đền đáp. Lo vì tìm được việc làm đã khó, giữ được việc làm còn khó hơn. Tôi sợ mình trở thành gánh nặng cho những đồng nghiệp khác”, thầy Thanh tâm sự.
|
13 tuổi, Thanh bắt đầu tới trường học lớp 1. Trường của Thanh xa lắm, phải ở luôn trong trường, cuối tuần mới được về nhà. Đến lúc này, Thanh mới biết mình bị mù.
Sở dĩ Thanh được đến Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu để bắt đầu học từ những con chữ bập bẹ a, b, c… một phần không nhỏ là nhờ người cậu. “Cậu làm công an ở thành phố. Cậu tới Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu tìm hiểu và xin bà ngoại cho tôi lên đây học”, thầy Thanh kể.
Những ngày đầu mới đến trường, Thanh buồn lắm. Buồn vì không được ở bên bà ngoại, buồn vì không được chơi với đám bạn ở quê… Nỗi buồn đó rồi cũng nhanh chóng qua đi, khi các thầy, cô giáo ở đây hết lòng yêu thương dạy dỗ Thanh và các bạn trong lớp cũng bày nhiều trò để chơi.
Lên lớp 10, Thanh vào học tại Trường Phổ thông Lao động (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An). Sau đó học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật và Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn (nay là Trường ĐH Sài Gòn).
Nhớ lại những năm tháng này, thầy Thanh cho biết: “Cực lắm vì không có tài liệu. Tôi nhờ bạn chở đi nhà sách mua tài liệu. Về phòng trọ, nhờ mỗi người đọc một đoạn và ghi âm vào băng cát xét. Sau đó mở băng cát xét ra và chép lại bằng chữ nổi. Lúc đó mới có tài liệu để học”…
Cực là vậy nhưng chưa bao giờ, dù chỉ là trong ý nghĩ, thầy Thanh có ý định từ bỏ. Bởi: “Lúc đó tôi chỉ có một con đường để đi, nếu tôi đi tới nơi thì tôi sẽ được làm thầy. Ngược lại tôi buông xuôi thì chỉ có làm thằng, thằng bán vé số”, thầy Thanh nói.
Kiên định với con đường mình đã chọn nhưng trong lòng thầy Thanh lúc đó cũng không tránh khỏi phân vân, vì học xong có xin được việc làm hay không…
Năm 1998, thầy Thanh tốt nghiệp. Thật may mắn, đúng lúc ấy một thầy giáo dạy nhạc của Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu nghỉ chế độ, thế là trường có nhu cầu một biên chế giáo viên thanh nhạc.
Ngày ấy, muốn trở thành giáo viên thì phải thi công chức. Theo đó thầy Thanh cũng phải tham gia kỳ thi tuyển công chức của ngành GD-ĐT TP.HCM. Với những nỗ lực của hàng chục năm đèn sách, với quyết tâm phải trở thành thầy, thầy Thanh đã hoàn thành bài thi của mình và trúng tuyển. Thầy là người mù đầu tiên vào biên chế của ngành GD-ĐT TP sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Nỗi niềm trên những chuyến xe buýt
Nhà thầy Thanh cách khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi khoảng 1km. Khoảng 5 giờ sáng mỗi ngày, thầy đi bộ từ nhà ra bến xe buýt ở khu công nghiệp và đứng đợi xe. Khi xe dừng lại, nếu có hành khách nào cùng đứng chờ thì họ sẽ dẫn thầy lên xe. Trong trường hợp, không có ai thì nhân viên xe buýt sẽ xuống dẫn thầy lên. Những nhân viên này tận tình hướng dẫn thầy, khi xuống xe, nếu ngồi gần cửa trước thì xuống cửa trước, nếu ngồi gần cửa sau thì xuống cửa sau.
Tuy nhiên, ngành nghề nào cũng có một vài “con sâu làm rầu nồi canh”. Không ít lần, tài xế xe buýt đã từ chối đón thầy. Thậm chí có những lần, bác xe ôm chở thầy từ Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu tới trạm xe buýt ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã vẫy tay nhưng tài xế xe buýt cứ lờ đi và cho xe chạy.
Cách đây khoảng một năm. Trên một chuyến xe buýt từ nhà tới trường, khi thầy chuẩn bị xuống cửa trước thì gã tài xế quát: “Xuống cửa sau”. Thầy hỏi lại: “Sao không được xuống cửa trước?”. Gã ta quát lớn hơn: “Mù mà còn lì. Sáng mắt thì không biết như thế nào”… Thế là thầy phải dò dẫm từng bước ra đằng sau để xuống cửa sau. “Từ lúc đó, tôi buồn lắm, tôi cứ suy nghĩ hoài về những lời nói của anh tài xế này. Vì buồn nên tôi cũng không còn tâm trí giảng bài cho học sinh. Tối về nhà, cái buồn này vẫn dai dẳng bám theo. Sau đó tôi lấy sách ra đọc và tôi đọc được câu nói của Bác Hồ là phải biết quý trọng thời gian. Rồi tôi nhận ra, buồn không giải quyết được việc gì. Thời gian buồn, mình có thể làm được rất nhiều việc cho học sinh, cho gia đình, cho bản thân. Và tôi nhanh chóng quên đi những câu nói không hay của anh tài xế…”, thầy Thanh tâm sự.
Và với suy nghĩ “buồn không giải quyết được việc gì”, thầy Thanh luôn luôn lạc quan, yêu đời. Sự lạc quan ấy của thầy, qua những bài học đã truyền tới các em học sinh vốn cũng khiếm thị như thầy…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Rồi chính cái sự vừa mừng vừa lo ấy đã thôi thúc thầy Thanh không ngừng phấn đấu, không ngừng học hỏi. Kết quả thầy luôn được Ban giám hiệu, tổ chuyên môn đánh giá tốt. Năm 2009, thầy vinh dự được nhận giải Võ Trường Toản…
|
Bình luận (0)