Một người lính trở về với miền quê nghèo khó xơ xác sau chiến tranh, sống trong cảnh giật gấu vá vai đã vắt kiệt mồ hôi của mình cho đồi Cây Bưởi (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) được hồi sinh. Thành quả lao động của bà hôm nay là “hoa thơm trái ngọt” của một nghị lực vượt khó phi thường. Người phụ nữ ấy là cựu chiến binh Phan Thị Quyệt.
1. “Ba tuổi, mẹ bệnh nặng rồi mất. Chín tuổi, ba gửi tui lại cho bà con lối xóm để lên đường ra mặt trận Điện Biên. 20 năm biền biệt kể từ ngày ba lên đường chiến đấu, tui mới nhận được tin ba hy sinh – lúc đó tui cũng đang điều trị ở Trung tâm Thương binh tận TP.Hải Phòng”. Bà Quyệt bắt đầu câu chuyện kể về cuộc đời mình bằng chất giọng trầm trầm. Không còn người thân, năm 18 tuổi, bà tham gia du kích địa phương rồi bị địch bắt. “Hôm đó trong vai người đi chợ để ra quốc lộ thăm dò tình hình địch thì tui bị chỉ điểm. Đang gánh hàng giùm cho một người cùng làng thì bị địch bắt, giam. Suốt ba năm từ 1965 đến 1968, chúng đưa tui đi hết nhà lao Quảng Trị đến nhà lao Thừa Phủ. Ở nhà lao nào tui cũng bị chúng tra tấn dã man. Hết dội nước xà phòng lại treo ngược tui lên, bốn thằng đứng bốn bên cứ đá qua đá về như trái bóng. Chưa hết, chúng còn dùng điện giật, mỗi lần hai múi điện chạm nhau, thân thể đau buốt tận tim gan cứ ước chi chúng cho mình chết. Nhưng mỗi lần nghĩ đến đó hình ảnh ba tui lại hiện về, thế là tui lại kiên cường hơn, tự nhủ mình cần phải sống để tiếp tục chiếu đấu, để tìm gặp ba”, bà Quyệt rùng mình nhớ lại. Đòn roi dã man của địch vẫn không khiến bà hé răng khai nửa lời. Mậu Thân năm 1968, trong lúc chiến trận xảy ra ác liệt, nhà lao Thừa Phủ được quân ta giải phóng, bà cùng đồng đội thoát cảnh lao tù tìm đường trở về quê tiếp tục tham gia chiến đấu. Năm 1970, bà bị thương nặng và được đưa ra Bắc điều trị. Trong thời gian này bà gặp và nên duyên với một đồng đội quê ở Thừa Thiên – Huế cũng đang điều trị tại bệnh viện. Hạnh phúc bên chồng chưa đầy hai năm, khi mang thai đứa con thứ 2 được hai tháng, bà nhận tin chồng hi sinh…
2. Đất nước thống nhất, năm 1976, bà Quyệt đưa con trở về quê tiếp tục “cuộc chiến” với đời sống thường nhật. Một nách hai đứa con thơ cùng với viên đạn còn nằm trong thân thể – dấu tích của những năm tháng chiến đấu can trường – luôn hành hạ bà mỗi lúc trái gió trở trời. Chừng đó đủ khái quát hết nỗi nhọc nhằn, vất vả mà bà Quyệt phải bươn chải, chịu đựng. Ông Đào Bá Truyền – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hải Lăng – chia sẻ về hoàn cảnh của bà Quyệt khi đưa chúng tôi đi thăm trang trại của bà. Con đường cấp phối dẫn về trang trại nằm trên ngọn đồi có tên Cây Bưởi rộng 2ha sau 40 năm hòa bình đã không còn dấu vết đạn bom. Một màu xanh ngút ngàn của cây trái đã phủ kín khoảng đồi hoang. Ông Truyền nói rằng bà Quyệt đã vắt kiệt mồ hôi cho đồi Cây Bưởi được hồi sinh nhưng về phần mình, bà Quyệt khẳng định đồi Cây Bưởi đã kéo bà ra khỏi những tháng năm dài lận đận tìm kiếm bát cơm xung quanh căn cứ quân sự đồi McNamara(*) thời chiến tranh bằng việc đào tìm phế liệu. “Ngày đó trở về từ Trung tâm Nuôi dưỡng thương binh Hải Phòng, tui một nách hai đứa con, mất sức lao động. Để có được miếng cơm manh áo, tui đành thả liều, các con ở nhà tự chăm nhau, còn mình đi bộ ra đồi McNamara tận dốc Miếu (huyện Gio Linh) cách nhà hơn 30 cây số để rà tìm phế liệu đem bán kiếm tiền mua gạo”. Người miền Trung có câu: “Cực tróc vi trầy vảy” quả không sai với hoàn cảnh của bà Quyệt lúc bấy giờ. Nhiều lần ôm đàn con nhịn đói bà đã nghĩ đến chuyện vào miền Nam kiếm sống. Nhưng nghĩ lại, ở chốn đất khách quê người, một thân một mình còn chưa cầm cự nổi huống chi có thêm hai đứa con thơ. Bám quê – dẫu cực khổ vẫn còn có bà con xóm giềng lúc tối lửa tắt đèn. Thế là bà ở lại!
Bà Phan Thị Quyệt nâng niu thành quả lao động sau 20 năm miệt mài phủ xanh đồi Cây Bưởi
|
Nhưng không thể sống mãi với cái nghề rà tìm phế liệu đối mặt với thần chết từng giờ, năm 1990, bà đánh liều khăn gói ôm con lên đồi Cây Bưởi – một ngọn đồi nằm về phía Tây thôn Tân Điền (xã Hải Sơn) để khai hoang. “Khi quyết định lên đây tui cứ nghĩ mần răng có được ngày ba bữa cơm cho con. Đêm, về giữa bốn bề rừng núi hoang vu, nghe tiếng thằn lằn chặc lưỡi, mẹ con ôm nhau run bần bật. Đơn chiếc lắm nhưng không lẽ quay về chịu đói nên cứ ở liều, mãi rồi cũng quen”, bà Quyệt nhớ lại.
3. Sau một thời gian cật lực cuốc xới đất hoang, trồng xuống đó những loại cây trái, hoa màu, nhận thấy vùng đồi này thuận lợi cho việc chăn nuôi, bà Quyệt bắt đầu đi vay vốn mở trang trại nuôi hươu. “Năm đầu tiên hươu chết. Nhiều đêm nhìn đàn con say ngủ tui lại lo. Kiểu này đến vốn cũng không còn để trả nợ nói chi chuyện nuôi con! Nhưng ông trời vốn không lấy đi của ai tất cả, tui vừa tìm hiểu kiến thức để vực đàn hươu lại vừa trồng thêm hoa màu để phát triển kinh tế. Cũng may, sang năm thứ 2, đàn hươu dần hồi phục và cho lãi”, bà Quyệt cho biết. Hiện tại với mô hình kinh tế lồng ghép vừa trồng rừng, vừa chăn nuôi dê, bò, gà, cá, hươu…; trong đó gà có tới hàng ngàn con, có thể thu gần 100 quả trứng mỗi ngày, tiền lãi hàng năm của trang trại trên 150 triệu đồng. Hiện gia đình bà và các con đã có của ăn của để, cuộc sống sung túc.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
* Người dân địa phương đã quen gọi ngọn đồi nằm gần hàng rào điện tử McNamara là đồi Manamara.
Nhờ sự can trường của một người từng nếm trải cảnh tù đày đã giúp bà trụ được trên vùng đồi Cây Bưởi vốn hoang vu. Đối với người cựu chiến binh này, có lẽ, một danh hiệu nào đó vẫn không đủ mô tả những nỗ lực của bà trong cuộc chiến chống đói nghèo và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng! |
Bình luận (0)