Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghị lực phi thường của chàng trai shipper không tay lái xe giao hàng khắp Hà Nội

Tạp Chí Giáo Dục

Bị mất đôi tay sau vụ điện giật, nhưng chàng trai shipper Lý Láo Lở, tên thường gọi là Khang, không chịu thua số phận, vẫn tự làm tất cả mọi việc và hằng ngày lái xe cả trăm km để giao hàng bất kể nắng mưa.

Buổi tối chớm đông, trời Hà Nội mưa lất phất. se lạnh, khu nhà trọ ở Cầu Diễn vẫn ồn ào tiếng người nhậu nhẹt trong mùi rượu nồng. Lẫn trong khu trọ đó là căn phòng khoảng 10m2 gọn gàng của chàng shipper người Dao – Lý Láo Lở, mà mọi người vẫn thân mật gọi là Khang.
Khang sinh năm 1987, ở A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai. Đôi tay Khang bị cưa đến khuỷu năm Khang học lớp 8, do không may bị điện cao thế phóng trúng khi xách phích nước đi ngang qua sân trường.

Lý Láo Lở chia sẻ về câu chuyện của mình
Lý Láo Lở chia sẻ về câu chuyện của mình

Khi biết đôi bàn tay không còn, anh đã khóc rất nhiều. Đó là nỗi đau tột cùng. Từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân, anh đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Anh cũng chẳng dám đến lớp với đôi tay cụt đến khuỷu vì sợ bạn bè trêu chọc. Nhưng không đầu hàng số phận, anh bắt đầu luyện tập để có thể làm tất cả mọi việc, ngay cả nỗi sợ mỗi khi sử dụng điện cũng dần dần biến mất.
Giờ đây, dù không còn đôi bàn tay nhưng anh vẫn nhanh nhẹn làm được tất cả mọi việc. "Nó vậy thôi nhưng khỏe lắm đấy”, Khang vừa cười vừa nói về cánh tay cụt của mình, “những ngày gió mùa về, phần da non chỗ khuỷu tay bị nẻ và hơi buốt, nhưng cũng may có bố Choi thường xuyên cho thuốc, bôi hai ngày là đỡ thôi”.
Nghị lực phi thường của chàng trai shipper không tay lái xe giao hàng khắp Hà Nội - ảnh 2

Khang thể hiện tình cảm của mình với bố Choi trên facebook

Nhắc đến bố Choi, người cha nuôi đến từ Hàn Quốc, đôi mắt anh đầy yêu thương: “Quen bố cũng là cái duyên, lần anh nhận học bổng ở trường, rồi gặp bố ở cổng trường, qua nói chuyện, rồi bố mời anh đi ăn cơm, sau đó nhận anh làm con, và giúp anh nhiều lắm, từ quần áo đi học đến hỗ trợ học phí và cả chiếc xe máy của mình đi bây giờ bố cũng giúp phần nào”.
Tốt nghiệp THPT, Khang học Cao đẳng Kế toán ở Lào Cai vừa đi làm thuê kiếm tiền ăn học. Trong lúc đang học cao đẳng, anh được các thầy cô giới thiệu về Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Sau 4 năm chăm chỉ trên giảng đường cùng với sự hỗ trợ từ bố Choi, anh tốt nghiệp loại khá khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội, Lý Lào Lở hai lần trở về Lào Cai – nơi trước đây anh thực tập, để xin việc theo đúng chuyên ngành mình đã học, nhưng may mắn không mỉm cười khi không đúng đợt địa phương tuyển nhân sự. Anh lại khăn gói xuống Hà Nội và làm công việc shipper – người vận chuyển hàng hóa, tạm thời.
Nghị lực phi thường của chàng trai shipper không tay lái xe giao hàng khắp Hà Nội - ảnh 4

Khang tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn Ảnh; NVCC

“Hồi đầu làm shipper, mình có làm cho một công ty, một ngày làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, đi cả trăm cây số một ngày, nhưng họ trả lương không đúng theo năng lực của mình, nên làm được độ 16-17 ngày, mình nghỉ rồi đi làm tự do, nhận đơn hàng qua Facebook”, anh Lở chia sẻ. “Ban đầu, họ thấy tay của mình như vậy, họ cũng ngại mình không làm được nhưng dần dần họ cũng tin tưởng, bây giờ có nhiều khách đặt hàng mà có hôm mình phải ship hàng đến 11 giờ đêm mới xong”.
Công việc vất vả nhưng “vui vì tự có thể lo cho mình và nói chuyện nhiều với mọi người, thỉnh thoảng, mình cũng đi chơi với bạn bè và về quê”, Lở bộc bạch, “Đợt này, bố mình xuống Hà Nội khám bệnh, lại thêm công việc marketing online ở cửa hàng hoa quả mà trước đây mình từng xin nghỉ, nên cũng bận thêm, rồi thành quen với việc sáng dậy vệ sinh cá nhân xong đi làm luôn chẳng ăn sáng nữa”.
Nghị lực phi thường của chàng trai shipper không tay lái xe giao hàng khắp Hà Nội - ảnh 6

Đôi tay Khang có thể làm được mọi việc Ảnh: Nguyên An

Câu chuyện của chàng shipper 8X không dừng lại ở công việc hàng ngày, anh kể cả những câu chuyện ở quê hương anh, những câu chuyện vụn vặt như hồi đi học Lào Cai, rồi Khang cười.
Trò chuyện với Khang, anh nhắc nhiều đến sở thích làm việc. "Hồi trước, mình chuyển trường đại học là do mình thấy nó không phù hợp với nhu cầu phát triển bản thân mình; bây giờ, làm việc vất vả, bất kể mưa nắng, nhưng mình khám phá ra điều mới ở bản thân. Mình thích ra khơi kéo cá nữa, nhìn họ kéo khỏe lắm, nhưng thích nhất vẫn là làm kinh doanh. Mình chỉ mong có cơ hội để phát triển bản thân mình thôi”, Khang nói về hoài bão với ánh mắt đầy kỳ vọng.

An Nguyễn (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)