Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghị lực phi thường của một võ sư: Kỳ 1: Duyên nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Võ sư Tạ Anh Dũng “bén duyên” với nghiệp võ từ năm 4 tuổi. Cuộc đời nhiều ngã rẽ, đi qua những năm tháng cùng cực nhất, ông Dũng vẫn kiên trì nuôi dưỡng ước mơ.

Bền bỉ

5 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại căn nhà nhỏ của võ sư Tạ Anh Dũng ở Q.8, TP.HCM để theo chân ông bắt đầu một ngày mới. Chiếc xe máy cũ kỹ là phương tiện di chuyển của ông. Xếp chiếc nạng ngay ngắn vào một bên xe, ông vội vã rời khỏi nhà. Đường phố vẫn còn khá yên ắng. Cơn mưa đêm qua làm không khí trở nên dễ chịu.

Võ sư Tạ Anh Dũng làm công việc giao báo đã nhiều năm qua. Nhiều người dân ở khu vực chợ An Đông, chợ Thiếc, chợ Bàu Sen… đã quen với hình ảnh ông một tay chống nạng, một tay ôm xấp báo đi giao mỗi ngày. Sau khi tên tuổi của võ sư Tạ Anh Dũng được nhiều người biết đến qua chương trình “Người bí ẩn”, câu chuyện về cuộc đời ông được nhiều người truyền tai nhau như một “huyền thoại” của những người lao động bình dị, đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Khi theo chân võ sư Tạ Anh Dũng đến chợ An Đông, chúng tôi mới cảm nhận được những tình cảm của các tiểu thương dành cho ông. Chị Lý An, một tiểu thương cho biết: “Hằng ngày, tôi hay đặt báo anh Dũng mang đến. Biết ảnh đã lâu và rất khâm phục con người chịu thương, chịu khó đó. Khi được biết rõ hơn về câu chuyện cuộc đời của ảnh, bà con ở chợ lại càng yêu quý, trân trọng anh”.

Võ sư Tạ Anh Dũng đang đi giao báo ở khu vực chợ An Đông

Một ngày đi giao báo, ông Dũng kiếm được khoảng vài chục ngàn nhưng ông chưa bao giờ muốn bỏ nghề này. Hỏi chuyện, ông chỉ trả lời giản dị: “Mấy năm trước khi báo điện tử chưa phát triển, thu nhập từ việc bán báo giúp tôi xoay xở kinh tế, theo đuổi con đường võ thuật. Giờ người ta đọc báo điện tử nhiều nên nghề bán báo giấy không còn được như trước. Tuy nhiên, tôi lại yêu thích công việc có lẽ vì nó đã gắn bó với tôi suốt một thời gian dài trên nhiều ngả đường của Sài Gòn”.

Mặc dù phải đi giao báo khắp các chợ từ sáng sớm, người thấm mệt nhưng ông vẫn cố gắng kết thúc sớm công việc để dành ít thời gian còn lại của buổi sáng tập thể lực tại Trung tâm TDTT quận 5. Tập xong, ông lại vội vã trở về nhà để lo cơm nước cho các cháu ngoại của mình. Ông nói, niềm hạnh phúc của mình đôi khi chỉ đơn giản vậy thôi.

Một “huyền thoại” bình dị

Đam mê võ thuật từ bé, sức khỏe là điều võ sư Tạ Anh Dũng mong mỏi nhất để có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Tuy nhiên, một tai nạn năm 21 tuổi đã cướp đi chân trái của ông. Những ngày nằm viện, ông ngỡ như đất trời sụp đổ trước mắt mình bởi với một chàng thanh niên 21 tuổi, đó là một điều kinh khủng nhất. “Trong suốt những ngày nằm viện, chứng kiến 2 vụ tự tử, tôi trằn trọc, đối diện với chính mình. Sau 7, 8 ngày thì tôi biết mình phải tự đứng lên bằng bàn chân còn lại. Tôi biết mình cần phải sống”, ông Dũng kể lại.

Ngày qua ngày, những khó khăn đều được võ sư Tạ Anh Dũng khắc phục để vừa có thể nuôi sống gia đình mình, vừa có thể theo đuổi niềm đam mê võ thuật.

Đầu thập niên 90, niềm đam mê võ thuật trỗi dậy và mạnh mẽ hơn trong ông. Từ đó, ông theo tập Kim Kê môn đến ngày hôm nay. “Tôi vẫn cứ hay dặn mình rằng người ta hai chân đầy đủ, mình thiếu một chân thì càng phải cố gắng tập cho chân còn lại thật khỏe. Ngoài ra, việc tập cơ lưng thật khỏe cũng là yếu tố quan trọng để bật dậy được nhanh trong lúc đánh võ”, võ sư Tạ Anh Dũng chia sẻ. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người tìm đến lớp võ của võ sư Dũng để học. Dưới sự hướng dẫn của ông, nhiều đệ tử đã trở thành võ sĩ chuyên nghiệp, tham gia nhiều đấu trường không thua kém bất cứ lò võ nào. Người thầy bình dị đó được nhiều học trò yêu mến bởi cách sống nhiệt tình, chu đáo. “Với tôi, cuộc sống đơn giản là được làm những gì mình thích, chỉ vậy thôi. Đến bây giờ, tôi an vui với hiện tại này”, võ sư Tạ Anh Dũng nói rất ít, nhưng câu nào của ông cũng gói ghém những ý nghĩa sâu xa của một người đã qua nhiều thăng trầm của cuộc đời.

Nhiều bạn bè, học trò của võ sư Tạ Anh Dũng rất khâm phục về sức bền bỉ của ông. Mỗi ngày, người ta có thể thấy ông di chuyển rất nhiều nơi như: Sân tập võ thuật, các địa điểm giao báo… Vốn đam mê thể thao và chơi tốt nhiều môn nên buổi chiều, võ sư Dũng có lúc nhận đứng lớp kèm thêm cho học viên chơi bóng bàn. Cuộc sống với người võ sĩ ấy dường như rộn ràng sắc màu hơn bởi ông không cho phép mình ngừng nghỉ một phút giây nào.

Bài, ảnh: Yên Hà

Võ sư cấp 17/18

Ít ai ngờ rằng chàng thanh niên Tạ Anh Dũng mất một chân năm nào lại trở thành một chuẩn võ sư cấp 17/18 của Hội Võ cổ truyền TP.HCM. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông còn được mệnh danh là huyền thoại Marathon một chân đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Trong những cuộc đua, ông chạy cùng những người khỏe mạnh, có đầy đủ chân tay.

Kỳ tới: Thắp “lửa” võ cổ truyền

Bình luận (0)