Võ sư Tạ Anh Dũng gắn bó với nghiệp võ như hơi thở, như cuộc sống vẫn chuyển động và đổi thay từng ngày. Với ông, đó là sự lựa chọn yên tĩnh và bền bỉ.
“Sống là cho đi”
18 giờ 30, chúng tôi theo chân võ sư Tạ Anh Dũng đến lớp võ tại Trường THCS Lý Phong (Q.5). Ở một góc sân trưởng, khoảng gần 20 học viên đang cùng hòa nhịp với những bài võ của võ sư Tạ Anh Dũng. Ông bộc bạch: “Ban ngày tôi là anh giao báo, rong ruổi khắp ngả đường. Khi màn đêm buông xuống, tôi lại có nhiều đam mê khi đến với lớp võ. Chưa được qua một trường lớp sư phạm nào nhưng khi các học viên gọi tôi là “thầy Dũng”, tôi lại càng thấy mình phải có trách nhiệm với công việc mình đang làm”.
Hơn 10 năm qua, lớp học võ đã thu hút nhiều học viên. Đối với học viên có hoàn cảnh khó khăn được võ sư Tạ Anh Dũng dạy miễn phí. Nhiều người khi đứng ngoài sân tập đã không khỏi ngạc nhiên trước những động tác thuần thục, những thế tấn điêu luyện, kỹ thuật sử dụng chân trái nhanh nhẹn của ông. Sau khi thực hiện các động tác một cách rất chú tâm, người võ sĩ ấy đáp lại mọi người xung quanh bằng một nụ cười cũng… hiền như khuôn mặt.
Võ sư Tạ Anh Dũng lặng lẽ dạy võ tại Trường THCS Lý Phong (Q.5) |
Cô Trần Thị Thu Ngân, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong (Q.5) chia sẻ: “Câu lạc bộ võ của thầy Dũng đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho nhiều em học sinh. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để thầy Dũng có thể duy trì lớp võ, dạy võ bằng tất cả niềm đam mê của mình. Chính sự vượt lên chính mình của thầy Dũng đã làm chúng tôi rất quý trọng. Tôi tin bằng chính sự hiểu biết, tài năng của thầy Dũng, các em học sinh sẽ được học những bài học bổ ích về võ thuật và tinh thần thượng võ”.
Tuổi 55, võ sư Tạ Anh Dũng vẫn một giữ một niềm đam mê với võ thuật vẹn nguyên như ngày nào. Ông bảo, trời lấy đi của mình điều gì thì sẽ bù đắp lại cho mình điều khác. Đôi khi, có những điều vô hình mà mình chưa kịp nhận ra nữa. Thế nên, dù có chuyện gì cũng cứ sống hết mình, yêu thương cuộc đời này đến tận cùng vậy thôi. Giống như nghiệp võ, đôi khi lấy đi của ông rất nhiều mồ hôi, thậm chí là cả máu và nước mắt nhưng tháng năm xuôi ngược, con đường võ sư Tạ Anh Dũng đã chọn vẫn lấp lánh những niềm tin.
Niềm mơ ước bình dị
Sau khi trở về từ cuộc thi “Người bí ẩn” với thử thách tìm ra võ sĩ thuộc môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn, tên tuổi của ông được nhiều người biết đến hơn. “Nhiều lúc đi giao báo hay dừng ở một ngã tư đèn đỏ, có người nhận ra tôi rồi gọi “À, ông Dũng võ sư kìa! “Người bí ẩn” kìa! Nghe cũng thấy vui lắm”, ông kể lại.
Dù cuộc sống nhiều trắc trở nhưng người võ sư ấy chưa bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc đời này. “Đi một quãng đường dài rồi nhìn lại mới nhận ra mình được nhiều hơn mất. Mỗi người đều có số phận riêng, hãy học cách chấp nhận và an nhiên bước đi trên hành trình của mình”, võ sư Tạ Anh Dũng trầm ngâm.
Người ta thường thấy võ sư Tạ Anh Dũng luôn cười rất tươi, sống rất giản dị và bình thản. Trong những cuộc gặp gỡ cùng bạn bè, học trò, ông thu hút nhiều người bởi cách nói chuyện chân tình, sự sẻ chia ấm áp. Phía trước võ sư Tạ Anh Dũng vẫn còn lắm những dự định về việc gìn giữ môn võ cổ truyền, về những chuyến đi thiện nguyện làm những điều ý nghĩa cho mình, cho cuộc đời…
Nhắc chuyện nghề, người võ sư ấy như bắt đúng nhịp một bài hát, mừng vui rạng rỡ. Đằng sau gương mặt thoáng chút trầm tư ấy là một võ sư cháy bỏng với giấc mơ được tận hiến cùng nghiệp võ. Với ông, võ cổ truyền luôn là niềm đam mê bất tận. Nhiều học viên ở lớp võ đã bị cuốn hút với cách dạy võ kết hợp lịch sử của võ sư Tạ Anh Dũng. “Những bài võ từ thời Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng… tuyệt vời lắm. Tôi muốn người học võ phải nắm vững những kiến thức về lịch sử võ học thì mới có được những nền tảng đầu tiên. Tinh thần thượng võ cũng bắt đầu từ những bài học cơ bản đó thì mới có thể nuôi dưỡng tình yêu với bộ môn võ cổ truyền cho lớp trẻ”, võ sư Tạ Anh Dũng chia sẻ. Phút chốc, ánh mắt ông như reo vui khi học trò thể hiện một bài quyền đúng, đẹp như mong đợi của mình. Võ sư Tạ Anh Dũng cười hiền, nói: “Tôi mong tụi nhỏ có nhiều sân chơi thể thao hơn để các em được học hỏi và vượt lên chính mình”.
Đường phố về đêm nhộn nhịp bởi tiếng còi xe. Dáng võ sư Tạ Anh Dũng hòa lẫn vào dòng người trên phố để trở về nhà sau một ngày làm việc…
Bài, ảnh: Yên Hà
Em Võ Văn Duy, một học viên của lớp võ cho biết: “Em theo học ở lớp võ của võ sư Tạ Anh Dũng đã được 2 năm. Em tin chính những trải nghiệm với môn võ cổ truyền này sẽ giúp em mạnh mẽ hơn và không dễ bị gục ngã trước những khó khăn, thử thách. Thầy Dũng chính là người đã truyền cho em niềm đam mê với bộ môn này”. |
Bình luận (0)