Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghị lực phi thường của người thương binh

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Toàn Thắng đang thắp hương cho đồng đội của mình

Đó là câu chuyện cảm động về anh thương binh ¼ Nguyễn Toàn Thắng, ngụ ở thôn Quyết Thắng, thị trấn Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bỏ lại đôi chân ở chiến trường, phải đi lại bằng đôi tay nhưng anh đã làm được nhiều việc khiến người đời nể phục…
Sống sao cho xứng đáng
Ở cái tuổi mười chín đôi mươi, anh Thắng xung phong vào bộ đội tình nguyện sang chiến đấu giúp nước bạn Campuchia. Khi kể về chuyện đời lính của mình, anh trầm ngâm nhớ lại: “Giữa năm 1979, tôi cùng hai đồng đội đi trinh sát, không may giẫm phải mìn K58. Mìn nổ, chúng tôi bị chôn vùi dưới đất cát. Sau khi hoàn hồn, tôi phát hiện mình đã bị mất đi đôi chân, còn nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn ra đi”.
Ranh giới giữa sinh và tử ở chiến trường thật mong manh. Mất đôi chân, anh Thắng chìm trong tuyệt vọng, nhưng khi nghĩ đến người vợ vừa cưới được 2 tháng ở quê nhà, anh có thêm niềm tin và nghị lực để sống. Thế nhưng người vợ trẻ đã không chấp nhận hình dáng của anh ngày trở về, cô xin ly dị! Tàn tật, mất vợ, anh hoàn toàn mất phương hướng. Anh Thắng tâm sự: “Khi đó tôi tuyệt vọng đến mức đã nghĩ đến cái chết… Nhưng rồi tôi tự nhủ lòng mình phải bình tâm trở lại. Từng là người lính, chiến trường khốc liệt, kẻ thù ác liệt là thế mà không giết được mình, bao nhiêu đồng đội đã đổ xương máu cho mình được sống, không lẽ mình lại gục xuống giữa đời thường… Nghĩ vậy, tôi lại tiếp tục gắng gượng để sống”.
Anh Thắng kể tiếp: “Năm 1980, khi chuyển từ Quân y viện 15 Plâyku (Gia Lai) về dưỡng thương tại Trại thương binh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi), tôi rất bi quan, chán nản. May thay, tôi được một cô y tá xinh đẹp, dịu dàng nhiệt tình chăm sóc. Thời gian trôi qua, tình cảm của tôi đối với cô cũng lớn dần, cho tới một ngày, tôi nhận ra là mình đã… yêu. Càng yêu thì càng đau khổ, vì tôi rất mặc cảm về tấm thân tàn tật và cái “lý lịch” đã từng có gia đình của mình, không thể nào đủ can đảm để nói lời tỏ tình. Cho tới một lần, tình cảm bật ra thành lời thơ. Tôi đã đánh liều đọc bài thơ bày tỏ tình cảm của tôi cho cô nghe, và thật bất ngờ, cô đã chủ động thể hiện tình yêu với tôi…”.
Cô y tá Thái Thị Hạt năm xưa mà anh Thắng nhắc đến chính là người vợ chịu thương chịu khó của anh bây giờ. Đám cưới của anh chị được tổ chức ngay tại trại dưỡng thương ba năm sau ngày anh thổ lộ tình cảm với chị. Nhắc đến những tháng ngày hai người yêu nhau, anh dí dỏm đọc cho tôi nghe những câu thơ mà anh đã “thay lời muốn nói” ngày ấy. Anh bảo rằng tình cảm chị dành cho anh còn hơn cả tình yêu, đó chính là tấm lòng nhân hậu của chị. Anh chỉ là một người tàn tật và đã từng có gia đình, vậy mà chị đã không nề hà, đến với anh bằng tất cả sự yêu thương, sẻ chia… Và đó chính là nguồn động lực vô tận giúp anh vượt qua những khó khăn sau này trong cuộc sống.
Vươn lên bằng “chất thép” của người lính
Khi vợ chồng anh Nguyễn Toàn Thắng dắt díu nhau về Quảng Ngãi sinh sống, mái ấm của hai người chỉ là một túp lều tre dột nát, xiêu vẹo và không có tài sản gì đáng giá. Không ỷ lại vào thu nhập từ đồng lương y tá của chị ở Bệnh viện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), anh ra sức làm đủ mọi việc để phụ giúp vợ lo cho gia đình. Ban đầu, anh làm ra những bộ bàn ghế, chao đèn, ống đựng bút… từ mây tre. Trời không phụ lòng người, sau đó anh đã mở được cơ sở dạy đan mây tre và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Đến khi thị trường bị khủng hoảng, cơ sở của anh phải tạm ngưng hoạt động. Không khuất phục hoàn cảnh, anh lại lao vào làm nông, một công việc mà tưởng chừng những người không có đôi chân như anh không thể làm được. Đầu tiên anh lên ủy ban xin đất để trồng mì, mía, cây ăn quả và trồng lúa. Tuy ý định làm nông của anh được chính quyền ủng hộ, nhưng kèm theo đó biết bao sự “hồ nghi”. Thế nhưng bằng tính kiên định của người lính, anh Thắng vượt qua khó khăn và đạt được những điều mình mong muốn. Anh cười tâm đắc rồi kể lại: “Hồi đó vợ tui thấy tui cuốc được đất, bả “ớn” luôn. Những ngày đầu bắt tay làm nông, có nhiều người ra phụ tôi, nhưng tôi không cho. Khi tôi mần ăn ngon lành, mấy ổng “lạnh” tôi luôn. Có nhiều cụ nói tôi là thằng Thắng lì, Thắng liều”.
Và giờ đây, cuộc sống đã mỉm cười với gia đình anh khi hai con trai khỏe mạnh, trưởng thành và đang có công ăn việc làm ổn định; kinh tế đã khá giả hơn nhiều. Vợ chồng anh đã xây một ngôi nhà tươm tất ngay bên đường Quốc lộ 1A (gần Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quảng Ngãi, thị trấn Sơn Tịnh). Anh được coi là tấm gương sống về nghị lực, ý chí vượt khó để sống có ích cho gia đình, xã hội…
Anh Nguyễn Toàn Thắng đã được Chủ tịch nước tặng bằng khen “tàn tật mà không phế”; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam công nhận là nông dân làm kinh tế giỏi; UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng danh hiệu “chiến sĩ thi đua” năm 2000. Không những thế, anh Thắng còn cảm hóa được nhiều thanh niên từng lầm lỡ như Nguyễn Tấn Tình, Nguyễn Tấn Thủy ở xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh trở thành những con người có ích cho xã hội.
 
Bài, ảnh: Hồng Vương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)