Sáng 23-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến viếng và đốt hương tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Cần Thơ. Cùng ngày, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016.
Thủ tướng thăm hỏi đại biểu người có công tại hội nghị |
Có mặt tại hội nghị là 299 thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công của cả nước. Tất cả là những tấm gương sáng, thể hiện lòng yêu nước sâu sắc và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Điển hình như ông Nguyễn Hồng Hải (thương binh 4/4, huyện Tân Thành, tỉnh Long An). Năm 1979, xuất ngũ về địa phương, không ruộng đất, vợ con ốm đau. Với ý thức không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, bạn bè hay người thân, ông quyết tâm vừa làm vừa tích lũy. Đến nay ông đầu tư được 4 trạm bơm phục vụ tưới tiêu cho trên 600ha đất trồng lúa của nhân dân trong xã, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động…
Ông Nguyễn Tiến Chức (SN 1938, thương binh 4/4, bệnh binh mất sức 81%, bị nhiễm chất độc hóa học, trú tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ông là Tổng Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đồng Tiến. Công ty thành lập năm 2000 với sự đóng góp nguồn lực của một số anh em đồng đội thương bệnh binh. Lúc đầu có 20 cán bộ, công nhân và khoảng 200 lao động hợp đồng theo mùa vụ (chủ yếu là lao động nông nhàn), chuyên nhận xây dựng các công trình vừa và nhỏ. Đến nay tổng nguồn vốn tự có của công ty lên đến trên 180 tỷ đồng với gần 200 cán bộ, công nhân viên chuyên trách, tạo việc làm thường xuyên cho 400 lao động theo mùa vụ. Tổng doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng, nộp thuế cho Nhà nước trên 1 tỷ đồng/năm. Đảm bảo mức lương bình quân cho cán bộ và người lao động là 5.600.000 đồng/tháng. Công ty đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III…
Anh hùng Lao động Đào Viết Thoàn (tỉnh Thái Bình) thương binh 1/4. Anh Thoàn được sư Thích Đàm Lương (chùa Trắng, thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội) truyền cho bí quyết chế loại thuốc điều trị bỏng. Sau đó anh học hỏi, tham khảo nhiều tài liệu y học và chắt lọc tinh hoa của các bài thuốc cổ truyền để hoàn thiện thêm bài thuốc chữa bỏng. Từ bài thuốc này, 29 năm qua, lương y Đào Viết Thoàn đã điều trị cho 25.119 bệnh nhân bị bỏng và vết thương lâu liền, giúp họ phục hồi chức năng lao động, học tập; góp phần đem lại niềm hạnh phúc cho hàng vạn gia đình. Năm 2012, lương y được Bộ Y tế tặng giải thưởng “Hải Thượng Lãn Ông”…
Thương binh 4/4 Đỗ Thám, (SN 1941, cư ngụ xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), nỗ lực lao động, phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện ông canh tác 50ha cao su, thu nhập mỗi năm 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 21 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/ tháng. Ông đã ủng hộ 30.000.000 đồng xây 2 căn nhà tình nghĩa, đóng góp 150.000.000 đồng xây 8 căn nhà tình thương…
Noi gương sự hy sinh của cha trong thời chiến, những người con của các liệt sĩ cũng đã không quản khó khăn vất vả vươn lên trong cuộc sống. Chẳng hạn như anh Nguyễn Văn Hán (con liệt sĩ, ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Cha hy sinh khi anh 5 tuổi, mẹ bị bệnh mãn tính. Từ nhỏ anh phải bươn chải kiếm sống, chăm lo học tập và đậu vào ĐH y, hiện công tác tại bệnh viện huyện. Anh cùng gia đình phát triển kinh tế với mô hình ruộng – vườn – chuồng trại. Bình quân gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Anh hỗ trợ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, gương mẫu hiến đất để xây dựng đường xã nông thôn…
Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH – cho biết: Đến nay cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công với cách mạng, chiếm gần 10% dân số, có hơn 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có nhiều công trình có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã 3 Đồng Lộc… Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đã tìm kiếm, quy tập được hàng vạn hài cốt liệt sĩ trong nước và các nước bạn Lào, Campuchia; phân tích ADN mẫu hài cốt và trả lại tên cho hàng ngàn liệt sĩ. Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, trong 3 năm qua cả nước đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” gần 1.219 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 59.294 căn nhà, tặng 33.090 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách. Thực hiện Quyết định số 22/2013, Chính phủ đã cấp hơn 2.450 tỷ đồng hỗ trợ 80.000 hộ gia đình người có công để xây dựng, sửa chữa nhà ở. |
Nhà giáo Nguyễn Anh Tuấn, con liệt sĩ. Vượt qua nhiều khó khăn, anh Tuấn chăm chỉ học tập, trở thành giáo viên, rồi cán bộ quản lý. Vừa công tác vừa học tập rèn luyện, đến nay đã bảo vệ xong 2 luận văn cao học về công nghệ thông tin và quản lý kinh tế, học xong ĐH Ngoại ngữ chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Anh; hiện là Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy, Hà Nội…
Thượng tá Nguyễn Trung Tuyến (có cha là liệt sĩ, mẹ là thương binh) – Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, Quân khu 9, Bộ Quốc phòng. Anh Tuyến phát hiện nhiều địa điểm chôn cất hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh, chưa được quy tập.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm xúc trước những tấm gương điển hình thương binh, gia đình chính sách đã vượt qua khó khăn, trở thành doanh nhân thành đạt, nhà quản lý giỏi, thể hiện ý chí nghị lực phi thường, góp phần làm sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi để tất cả các thương bệnh binh, gia đình chính sách có mức sống cao hơn cộng đồng nơi cư trú, trong đó chú trọng công tác giáo dục, dạy nghề đối với các gia đình chính sách…
Đan Phượng
Bình luận (0)