Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nghị quyết 98: Con tàu đã chất đầy hàng và sẵn sàng tăng tốc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ví von Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như một con tàu mang số hiệu 98, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định con tàu đã sẵn sàng tăng tốc.
 
Nghi quyet 98: Con tau da chat day hang va san sang tang toc hinh anh 1
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Sau 2 tháng đi vào thực tiễn, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) đã được triển khai đồng bộ khẩn trương với hy vọng về sự đột phá cho kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Khẩn trương nhưng kỹ lưỡng

Từ trước khi Nghị quyết 98 có hiệu lực (1/8/2023), toàn hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh với tâm thế sẵn sàng đưa Nghị quyết vào thực tiễn với sự quyết tâm chính trị và hành động cụ thể.

Ngày 8/7, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lần thứ 21 để cho ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sáu tháng cuối năm 2023 và dự thảo Chỉ thị của Thành ủy về lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 98.

Cũng chỉ hai ngày sau, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Kỳ họp thứ X với một nội dung quan trọng là thông qua Nghị quyết (có hiệu lực từ 1/8/2023) về triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, tạo tiền đề tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98.

Cũng ngay trong kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua một số nghị quyết (có hiệu lực sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội có hiệu lực), trên cơ sở nội dung Nghị quyết 98 của Quốc hội. Cụ thể như sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Chương trình Giảm nghèo Bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh quy mô và nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án xây dựng Đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài…

Đến ngày 19/9, tại Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua hơn 9 nội dung lớn triển khai Nghị quyết 98 vào thực tiễn như như thành lập Sở An toàn Thực phẩm; quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô dưới 500ha để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố; Nghị quyết quy định bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức.

Bên cạnh các chuyển động tích cực về mặt chuẩn bị cơ chế, chính sách của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có những bước chuẩn bị chu đáo và triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 trên địa bàn thành phố.

Ngay từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 2109/KH-UBND để triển khai chuẩn bị 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý 2/2023; 37 đầu việc hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2023; thành lập Tổ Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 98 với 26 thành viên do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố làm tổ trưởng.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định và chuẩn bị 28 nội dung, đề án trình Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua tại các kỳ họp trong năm 2023; 26 nội dung, đề án thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố phải hoàn thành trong năm 2023…

Là một đối tượng quan trọng của Nghị quyết 98 và cũng là nơi đầu tiên triển khai Nghị quyết, ngay từ đầu tháng 7/2023, thành phố Thủ Đức cũng đã khẩn trương chuẩn bị để triển khai Nghị quyết trên địa bàn như thành lập Tổ Công tác nghiên cứu, xây dựng đề án, chương trình triển khai cơ chế, chính sách phát triển để nghiên cứu, triển khai thực hiện Nghị quyết 98; xây dựng chương trình, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và lô trình thu hút nguồn vốn đầu tư trên địa bàn Thủ Đức sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực…

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, nên ngay khi Nghị quyết có hiệu lực, Trung tâm An sinh Xã hội, Trung tâm Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư là 3 đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức đã nhanh chóng ra mắt và bước vào hoạt động hiệu quả.

Có thể nói, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã được toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố chuẩn bị chu đáo cho những ngày đầu có hiệu lực, mang theo kỳ vọng không chỉ của nhân dân thành phố mà của cả đồng bào trong nước và nước ngoài về sự chuyển biến mang tính đột phá trong huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững với tư cách một đầu tàu kinh tế của cả nước.

Những kết quả tích cực ban đầu

Sau 2 tháng triển khai, Nghị quyết 98 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã cho những kết quả ban đầu. Đó là đưa ra được những kết quả về mặt thể chế như thành lập Sở An toàn Thực phẩm; xây dựng cơ chế cho cơ cấu tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức; chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức.

Đánh giá ý nghĩa tác động của Nghị quyết 98, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức cho rằng theo cơ chế mới, thành phố Thủ Đức thành lập Trung tâm Hành chính Công được thành lập để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; giải quyết việc cấp phép xây dựng.

Thành phố Thủ Đức cũng được thành lập Trung tâm Phát triển Quỹ đất giúp đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, quản lý và tạo ra nguồn quỹ đất sạch để đấu giá tạo nguồn lực đầu tư phát triển…

Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức cũng tổ chức lại chức năng, nhiệm vụ của các ban trực thuộc và thành lập Ban Đô thị theo cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 98. Những cơ chế sẽ mới giúp thành phố Thủ Đức giải phóng được sức ỳ, đẩy mạnh cải cách hành chính, có thêm động lực và nguồn lực để vươn lên với tư cách là trọng điểm phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghi quyet 98: Con tau da chat day hang va san sang tang toc hinh anh 2
Tàu trọng tải lớn cập cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trên cơ sở Nghị quyết 98, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép các phường, xã, thị trấn quy mô từ 30.000 dân trở lên sẽ tăng thêm 1 công chức, từ 50.000 dân sẽ tăng thêm 2 công chức, 2 người hoạt động không chuyên trách, góp phần giảm bớt sự quá tải trong xử lý công việc của các cán bộ cơ sở có đông dân cư.

Cùng với đó, quyết định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và cả một số đối tượng thuộc các tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp thuộc thành phố quản lý và công chức, viên chức của một số cơ quan trung ương sẽ góp phần tạo động lực nâng cao hiệu quả làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành phố trong việc phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.

Về huy động nguồn lực phát triển, từ nội dung Nghị quyết 98, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông qua việc triển khai 5 dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) sẽ triển khai trong giai đoạn 2023-2028 với tổng mức đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng.

Các dự án này được kỳ vọng sẽ khơi thông các cửa ngõ vào thành phố. Các dự án giúp cải thiện năng lực thông hành, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường.

Bên cạnh đó, quyết định thông qua quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, thể thao, văn hóa; chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho vay thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch… hy vọng sẽ giúp thành phố có thêm nguồn thu và sử dụng đa dạng các nguồn lực xã hội cho thực hiện các dự án phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, có thể nói, việc triển khai Nghị quyết 98 tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chỉ là những bước đi ban đầu. Những mục tiêu vẫn còn ở phía trước và con đường vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại như những bất cập, không đồng nhất trong hệ thống pháp luật với nội dung Nghị quyết 98 hay sự thiếu hụt của nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng yếu tố con người là then chốt trong việc thực hiện Nghị quyết 98 bởi một trong những nguyên nhân làm kinh tế thành phố phát triển chững lại là do hệ thống công vụ bị trì trệ. Để thành phố phát triển, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết điểm nghẽn thủ tục hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

Nghi quyet 98: Con tau da chat day hang va san sang tang toc hinh anh 3
Khu vực Bến Bạch Đằng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định sự vào cuộc của hệ thống chính trị thành phố là yếu tố quyết định thành công Nghị quyết 98. Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương xây dựng đề án xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển.

Phát biểu tại kỳ họp thứ XI Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ví von Nghị quyết 98 như một con tàu mang số hiệu 98 và nhấn mạnh: “Thời gian qua chỉ mới khởi động, nay mọi phần việc đã sẵn sàng, con tàu đã 'chất đầy hàng' và sẵn sàng tăng tốc. Chúng ta ở trên con tàu cũ, những nhân viên cũ nhưng với tâm thế, khí thế mới. Con tàu đã được thay hộp số mới, động cơ mới, đường ray cũng thông thoáng hơn trước để vừa tăng tốc vừa vượt chướng ngại vật và chúng ta đang nỗ lực tiến về phía trước để hoàn thành trọng trách được giao trong vai trò đầu tàu, tiên phong của cả nước”./.

Theo Xuân Khu/TTXVN/Vietnam+

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)