Tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV (khai mạc vào ngày 22-5), các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về nghị quyết (NQ) mới thay thế NQ54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. So với NQ54, dự thảo NQ mới bao gồm nội dung mở rộng hơn và cụ thể hơn trên một số lĩnh vực, được xem là cơ chế mới để gia tăng ưu thế, vị trí của TP.HCM. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu NQ này được thông qua sẽ khơi thông các nguồn lực, tạo đà tăng trưởng nhanh, bền vững trong giai đoạn tiếp theo nhằm đảm bảo hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển TP.HCM…
Nghị quyết mới sẽ khơi thông các nguồn lực, tạo đà tăng trưởng nhanh, bền vững trong giai đoạn tiếp theo cho TP.HCM
Nghị quyết mới rất cần cho TP.HCM
NQ54 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trên 4 lĩnh vực: quản lý đất đai; đầu tư; quản lý tài chính; quyền và cơ chế của cán bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, nhiều nội dung triển khai thực hiện theo NQ 54 còn chậm. Một số cơ chế, chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc còn chờ văn bản hướng dẫn nên kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM – cho rằng, sự phát triển của TP.HCM đang đứng trước những điểm nghẽn về giao thông, nguồn nhân lực và thể chế. Chính sách pháp luật còn chồng chéo và chung chung, thẩm quyền không rõ, nhiều việc phải xin cấp trên, việc xử lý các vấn đề của TP lớn còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, cơ chế nhìn chung còn nặng xin – cho; quy trình, thủ tục còn nặng nề, mất nhiều thời gian trong triển khai, tổ chức, thực hiện. Chẳng hạn như thủ tục các dự án có khi phải mất cả năm, muốn chỉ định thầu một trường học cũng phải xin tới Thủ tướng. Bên cạnh đó, yêu cầu mới về xây dựng chính quyền đô thị và hoàn thiện mô hình TP trong TP đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý, vận hành bộ máy phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị đặc biệt. Nhiều việc dồn lên HĐND, UBND và các sở, ngành. Cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM đang chịu nhiều áp lực trong thực thi công vụ…
“Trước thực tế này đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách vượt trội để phát huy vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, GD-ĐT của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước”, bà Thảo nói.
Cơ chế đột phá thường đề cập đến ba khía cạnh với điều kiện vượt khỏi khung pháp luật và thực tiễn chính sách thông thường, vốn được áp dụng đại trà. Đó là chính quyền địa phương sẽ được trao quyền lớn hơn để tự quyết định các vấn đề về phát triển, đặc biệt có cả quyền được thiết lập một số quan hệ đối ngoại trực tiếp; thứ hai, môi trường chính sách, pháp luật về đầu tư, thương mại tại địa phương đó sẽ có sự tự do, thông thoáng hơn, bớt đi các rào cản về giấy phép và thủ tục hành chính; thứ ba, có các ưu đãi về tài chính cho địa phương đó.
Với các tính chất này, PGS.TS Trần Thọ Quang – Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung, Tây Nguyên – đánh giá, trao cơ chế chính sách đặc thù như cởi mở môi trường đầu tư, thông thoáng thủ tục để TP.HCM tiếp cận làn sóng dịch chuyển sản xuất đang diễn ra mạnh, biến TP trở thành trung tâm sản xuất ổn định, tạo ra giá trị thật; đồng thời xây dựng TP.HCM thành TP khoa học – công nghệ, trung tâm dịch vụ tài chính của đất nước, khu vực, thế giới.
Đánh giá này được PGS.TS Quang dựa trên thực tiễn TP.HCM đang phát triển trong điều kiện nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. Đáng chú ý, thời gian gần đây các chỉ số phát triển có những biểu hiện khó khăn, động lực tăng trưởng suy giảm. Tìm kiếm nguồn lực mở rộng nguồn thu ngân sách cho TP cũng như tìm kiếm phương án thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn mới gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing – cho rằng, trong bối cảnh nhiều NQ tiếp tục được ban hành cho phát triển vùng kinh tế nói chung, phát triển TP.HCM nói riêng thì rất cần tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để TP.HCM thực hiện các mục tiêu; phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt phát triển kinh tế – xã hội TP.
Cơ hội để TP.HCM bứt phá
Dự thảo NQ mới bao gồm các quy định thí điểm một số cơ chế chính sách vượt trội phát triển TP.HCM với 6 nội dung cụ thể: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược TP.HCM; quản lý khoa học – công nghệ; đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy TP và TP.Thủ Đức.
TS. Hà Thị Thùy Dương – Học viện Chính trị khu vực IV – nhấn mạnh, khi những cơ chế vượt trội này được thí điểm thành công ở TP.HCM sẽ giúp cho TP phát triển, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước cũng như có thể nhân rộng những cơ chế này ra các địa phương khác để thúc đẩy các tỉnh, thành khác phát triển. Việc xây dựng và thí điểm cơ chế vượt trội cho TP.HCM có ý nghĩa toàn quốc nên tất cả các bộ ngành đều phải tích cực cùng TP nghiên cứu để đề xuất thể chế, cơ chế vượt trội cho TP. Xây dựng cơ chế vượt trội cho TP.HCM cũng cần tham khảo học hỏi kinh nghiệm xây dựng thể chế vượt trội cho vùng, địa phương của các nước trên thế giới. Dù tham khảo kinh nghiệm của thế giới nhưng phải xuất phát từ điều kiện thực tế của TP.HCM, những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển trong tương lai; những nguồn lực hiện có để xây dựng thể chế vượt trội cho sát, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, việc xây dựng cơ chế vượt trội phải tính toán đầy đủ, kỹ lưỡng đến khả năng thực hiện. Bởi lẽ để thực hiện cơ chế vượt trội đòi hỏi sự phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP rất lớn.
“Thí điểm cơ chế vượt trội cho TP.HCM là rất cần thiết cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Vấn đề quan trọng là phải có quyết tâm hành động để xây dựng được một thể chế vượt trội hiệu quả và có khả năng thực hiện thành công cơ chế đó để tạo ra sự bứt phá ngoạn mục của TP trong tương lai, xứng tầm đô thị dẫn đầu cả nước về nhiều mặt”, TS. Dương nói.
TS. Phạm Việt Dũng – Tạp chí Cộng sản – cho rằng, về bản chất, cơ chế đột phá mới chỉ là điều kiện cần, còn hiệu quả thực sự lại phụ thuộc vào tài năng của các nhà lãnh đạo địa phương, liệu có thể tận dụng được cơ hội và điều kiện cùng với tinh thần trách nhiệm cao để biến các chính sách thành các giải pháp phát triển cụ thể hay không. Ngoài ra còn là sự phản hồi từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tầng lớp xã hội. Bài toán phát triển luôn luôn được giải bởi sự hợp tác đa bên chứ không chỉ là ý chí và quyết tâm của các cấp chính quyền.
Linh Anh
Bình luận (0)