Tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ ngày 17-7, các nghị sĩ thuộc cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đồng loạt chỉ trích chương trình do thám quy mô lớn của chính phủ đã chà đạp lên các quyền riêng tư cũng như vượt ngoài khuôn khổ pháp luật.
Các nhà làm luật cảnh báo sẽ hạn chế quyền hạn của chính phủ trong việc thu thập dữ liệu qua điện thoại sau khi lên án chương trình trên chà đạp các quyền riêng tư cá nhân.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao trong ngành tình báo và tư pháp Mỹ khẳng định chương trình giám sát điện thoại đã được tòa án thành lập theo Đạo luật Do thám tình báo nước ngoài (FISA) xem xét và chỉ nhằm theo dấu các phiến quân có liên hệ với al-Qaeda. Phó Tổng chưởng lý James Cole tuyên bố: “Chúng tôi luôn tìm cách cân bằng giữa an ninh quốc gia với quyền riêng tư và tự do cá nhân của người Mỹ trong các hoạt động của mình”. Phó Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) John Inglis tiết lộ: “Chỉ có 22 người ở NSA được tiếp cận các bộ lọc thông tin”.
Phó Tổng chưởng lý James Cole, luật sư trưởng của Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Robert S. Litt
và Phó Giám đốc NSA John Inglis (từ trái qua) tại phiên điều trần. Ảnh: AP
Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ cho rằng quốc hội đã chỉnh sửa Đạo luật Yêu nước, vốn được thông qua sau sự kiện 11-9-2001, để đảm bảo chỉ được thu thập thông tin ở phạm vi hẹp khi các cơ quan chính phủ xác định đối tượng tình nghi hoặc mối đe dọa đặc biệt.
Hầu hết các thành viên Ủy ban Tư pháp còn nghi ngờ tòa án FISA do nó hoạt động quá bí mật nên khó giám sát. Thành lập từ thập niên 1970, đến nay, tòa án FISA chỉ bác bỏ 11 trong số 34.000 yêu cầu từ các cơ quan tình báo.
Hạ nghị sĩ của bang Texas – Ted Poe, thuộc Đảng Cộng hòa – thẳng thừng: “Snowden, tôi không ưa anh ta chút nào nhưng có thể chúng ta sẽ chẳng hề biết gì nếu anh ta không lên tiếng”. Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ, là người đã phanh phui các chương trình do thám của NSA và hiện ẩn náu ở Nga.
Theo NLĐ
Bình luận (0)