Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nghỉ sinh 6 tháng, doanh nghiệp chờ hướng dẫn

Tạp Chí Giáo Dục

Được nghỉ thai sản 6 tháng là mơ ước của nhiều bà mẹ. Nhưng, hiện nay rất nhiều chị em hoang mang vì tình trạng chờ hướng dẫn của các doanh nghiệp.

Ảnh: minh họa.

 Lo lắng của nhiều bà mẹ

Công tác tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Phê vừa nghỉ sinh đứa con thứ hai, trước Tết Quý Tỵ 5 ngày, tức là ngày 5/2/2013. Đứa con sinh ra thiếu tháng, gầy yếu, quấy khóc suốt nên cứ nghĩ đến cảnh chỉ 4 tháng nữa phải bỏ con đi làm, chị Phê lại thấy lo lắng.
Tết, nhân dịp có chị hàng xóm công tác ở Hội phụ nữ xã sang chơi chúc Tết, chị Phê trò chuyện bày tỏ nỗi lo. Tỏ chuyện, chị cán bộ phụ nữ khẳng định chị Phê sẽ được nghỉ 6 tháng, thay vì 4 tháng như trước đây.
Bởi, theo giải thích của chị, nếu theo điều luật hiện hành, đến hết ngày 5/6/2013 chị Phê sẽ trở lại làm việc, nhưng vì ngày 1/5/2013 điều luật về nghỉ thai sản 6 tháng đã có hiệu lực nên chị Phê sẽ tiếp tục được nghỉ thêm 2 tháng nữa theo luật định.
Tết ra, chị Phê đến cơ quan để ký nhận tiền hỗ trợ thai sản, nhân tiện hỏi luôn chuyện có được nghỉ 6 tháng không, thì được trả lời là do Bộ chưa có hướng dẫn nên không biết.
Thắc mắc của chị Phê cũng là thắc mắc của nhiều bà mẹ có ngày nghỉ thai sản rơi đúng vào thời điểm giao giữa hai quy định như đã nói trên. Vì thế, thời gian gần đây, Cổng TTĐT Chính phủ đã nhận được nhiều phản ánh của người lao động về việc các doanh nghiệp chưa thực hiện chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con theo quy định của Bộ Luật Lao động do chưa có văn bản hướng dẫn.
Như phản ánh của bà Hoàng Trâm (hộp thư love_like@yahoo..).: "Theo quy định, lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ Luật Lao động có hiệu lực, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con thì được nghỉ chế độ 6 tháng. Tuy nhiên, theo tôi được biết, hiện nay không chỉ có doanh nghiệp của tôi mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng chưa áp dụng quy định này vì cho rằng chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Điều này gây thiệt thòi cho lao động nữ đang nghỉ hưởng chế độ”.
Luật đã rõ ràng, không cần hướng dẫn
Sẽ không có văn bản hướng dẫn về nội dung nghỉ thai sản – đó là khẳng định của Bộ LĐ-TB&XH ngày 24/2/2013 khi trả lời những phản ánh của người lao động trong thời gian gần đây về việc các doanh nghiệp chưa thực hiện chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con theo quy định của Bộ Luật Lao động do chưa có văn bản hướng dẫn.
Theo đó, quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 157 Bộ Luật Lao động thì lao động nữ được nghỉ hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Tại Mục b Khoản 2 Điều 240 Bộ Luật lao động quy định lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định tại Bộ luật này.
Cũng theo quy định tại Điều 242 Bộ Luật lao động, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền chỉ được hướng dẫn các điều, khoản được giao trong Bộ luật.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định đối với lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản từ ngày 1/5/2013 trở đi thì thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng.
Đối với lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày 1/5/2013, đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con là 6 tháng. Và, vì luật đã quy định rõ ràng nên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định sẽ không có văn bản hướng dẫn về nội dung nghỉ thai sản nữa.
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện.
Như vậy, việc các DN chưa có câu trả lời rõ ràng, cụ thể cho nữ lao động về chế độ nghỉ thai sản (nhất là những người nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội), cũng như không cho phép họ nghỉ theo luật định là việc làm không đúng với tinh thần của pháp luật, cần chấn chỉnh.
Theo Hồng Minh
Pháp Luật Việt Nam

Bình luận (0)