Tai nạn, ẩu đả, bia rượu, ảnh hưởng kinh tế, tâm lý chây ì sau Tết… là những hệ lụy do kỳ nghỉ Tết kéo dài.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Y tế, tính từ 28 đến hết ngày mồng 4 Tết Ất Mùi, cả nước có đến trên 5.400 người nhập viện do đánh nhau, với 19 người tử vong, tiếp đó là sự chây ì, uể oải khi bắt tay vào làm trở lại.
Liên quan đến những hệ lụy không mong muốn này, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi trên Tiền phong bày tỏ quan điểm, mỗi kỳ nghỉ Tết chỉ nên kéo dài 5 ngày, tối đa không quá một tuần thay vì tới 9 ngày như hiện nay.
Trên 5.400 người nhập viện do đánh nhau, với 19 người tử vong… sau kỳ nghỉ Tết. (Ảnh: ĐSPL). |
Theo đó, ông Tiến phân tích, kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài tới 9 ngày liên tục. Điều này cũng có ý nghĩa giúp chúng ta tái tạo lại sức lao động, rồi đi tham quan, về quê đoàn tụ với gia đình, người thân… Tuy nhiên lại gây ra những điều không mong muốn:
Thứ nhất, việc đi lại, ăn uống, rượu bia quá đà không tự điều chỉnh được hành vi, không tự kiềm chế được bản thân, sự thiếu kiềm chế trong ứng xử làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông, cãi vã…
Tình trạng cờ bạc cũng diễn ra tràn lan những ngày nghỉ Tết. Tiếp đó, thời gian nghỉ Tết kéo dài sẽ tạo tư tưởng chây ì, không sẵn sàng bắt tay vào làm việc.
Sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan công sở lại có vài ngày đi chúc tụng nhau, thành thử kỳ nghỉ lên đến 10 – 11 ngày chứ không phải 9 ngày nữa. Rồi sau Tết người ta lại đua nhau đi tham quan, thậm chí dùng xe công, rồng rắn lên mây đi chùa ở hầu hết các cơ quan.
Vào những ngày nghỉ Tết, lẽ ra các cơ quan công quyền phải trực thường xuyên để giải quyết công việc cho người dân, nhưng lại nghỉ hết, gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…
Đồng quan điểm với Đại biểu Tiến, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế, người có nhiều năm làm việc tại Mỹ cũng mạnh dạn đề xuất: "Muốn kinh tế hội nhập, cần bỏ Tết Âm lịch" trong bài phỏng vấn trên VTC.
Theo đó, ông chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc người lao động Việt uể oải sau kỳ nghỉ Tết kéo quá dài. Bên cạnh một số lợi ích thì kỳ nghỉ kéo dài bộc lộ nhiều bất lợi, trong đó thiệt hại về kinh tế, xã hội vô cùng lớn.
Nghỉ Tết 9 ngày quá dài (Ảnh minh họa). |
"Theo tôi được biết, chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc mới có kỳ nghỉ Tết kéo dài như vậy. Nhật Bản không ăn Tết Âm lịch từ lâu rồi. Họ chỉ ăn Tết Dương lịch nhưng vẫn giữ gìn được những truyền thống văn hóa riêng có. Tất cả các nước trên thế giới ăn Tết Dương lịch trong ngày 1/1 và ngày Noel chứ không nghỉ tới 9 ngày như Việt Nam…
Kỳ nghỉ Tết dài tạo ra nhiều hệ lụy như khiến con người trì trệ trong công việc, lười biếng không muốn trở lại với công việc", ông Trí Hiếu nói.
Cũng với những con số tệ nạn, tai nạn tăng vọt gây sốc bằng giờ này năm ngoái, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cũng bày tỏ quan điểm Tết âm lịch chỉ nên nghỉ 1 ngày.
"Quan điểm của tôi ủng hộ chọn nghỉ Tết Dương lịch 5-7 ngày còn Tết Âm lịch chỉ nghỉ 1 ngày. Tuy rằng điều này sẽ có rất nhiều người hoài cổ, bảo tồn văn hóa dân tộc phản đối. Nhưng quan điểm của tôi, văn hóa dân tộc còn phải mang điểm hiện đại, phù hợp với cuộc sống hiện đại, hòa nhập với nhiều cộng đồng, nền văn hóa và kinh tế khác", ông Đực lý giải thêm.
Thực ra, câu chuyện về những hệ lụy đối việc nghỉ tết quá dài không còn xa lạ nữa, vấn đề này đã được các chuyên gia lên tiếng nhiều lần.
Còn nhớ, cách đây 3 năm (năm 2013) GS. TS Võ Tòng Xuân chia sẻ quan điểm ăn Tết Ta theo ngày dương lịch để hội nhập cùng thế giới, ngay sau đó bài viết cũng nhận được những phản hồi trái chiều từ độc giả.
"Tôi phải khẳng định lại là chúng tôi không đề xuất bỏ Tết cổ truyền, bỏ lịch âm gì cả. Chúng tôi đề nghị chỉ cần thay đổi lịch nghỉ: Kéo dài ngày nghỉ Tết dương lịch và rút ngắn ngày nghỉ âm lịch.
Cụ thể, nghỉ Tết dương lịch nằm trong khoảng từ 26/12 đến 5/1 dương lịch; còn Tết âm lịch, chúng ta vẫn duy trì nhưng nghỉ ngắn từ 1 – 3 ngày", GS Nguyễn Anh Trí cũng chia sẻ những suy nghĩ đồng quan điểm với GS Xuân trên VTC.
Minh Trang (tổng hợp)/ PNO
Bình luận (0)