Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nghỉ Tết, teen nô nức “chạy sô”

Tạp Chí Giáo Dục

Tết này, học trò được nghỉ dài hơi hơn mọi năm (khoảng hai tuần). Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cộng với thị trường việc làm dành cho teen đang nở rộ, nhiều bạn háo hức rủ nhau "chạy sô" kiếm tiền vui xuân…

* 1001 kiểu "chạy sô" của teen Sài Gòn

Với ngoại hình dễ nhìn, những ngày cuối năm, Quang Đăng (sv năm 1 trường đại học Hoa Sen) tất bật với việc làm mẫu chụp ảnh cho các shop thời trang chuyên bán quần áo, phụ kiện cho teen. Sẵn ngón đàn Organ, buổi tối, Đăng còn tranh thủ biểu diễn cho các tiệc cưới, quán café… Bận rộn liên tục, nhưng anh chàng vẫn tỏ ra "khỏe re": "Thời điểm gần tết, có rất nhiều "việc tìm người". Chụp hình thời trang thường không có cát – sê, chỉ được chủ shop tặng sản phẩm. Nhưng như thế cũng hay vì đỡ sắm đồ tết. Còn với việc đánh đàn, mỗi tối mình kiếm được từ 150 – 200 ngàn đồng. Chạy sô một tuần cũng có rủng rỉnh tiền đi chơi xuân mà không cần xin tiền bố mẹ".

Khác với Đăng, Hoàng Luân (sv năm 1 trường đại học Kỹ thuật Công nghệ) chọn đóng vai quần chúng cho các phim vẫn còn bấm máy cận ngày tết. Luân khoe: "Cuối năm, học trò đi làm diễn viên nghiệp dư như mình không ít đâu nhé. Công việc này tuy thu nhập không cao (khoảng 500 ngàn đồng/ "sô" kéo dài trên dưới một tuần), nhưng vui lắm vì có cơ hội đi du lịch miễn phí. Như tết năm ngoái, mình được theo đoàn phim đến Phan Thiết 3 – 4 ngày, ăn uống miễn phí mà hổng tốn đồng nào. Khà khà!".

Còn anh chàng có nick Khinhoc_lilom92@…. (trường Lê Thị Hồng Gấm – Q.3) thì đang "ăn nên làm ra" trong vai trò nhân viên tiếp thị của một công ti mĩ phẩm. Tuy mang tiếng kinh doanh nhưng bạn không phải bỏ vốn, chỉ cần tìm được người mua, sau đó liên lạc với công ti để lấy hàng cho khách, bán được nhiều thì tiền hoa hồng nhiều. Vốn "lanh miệng", bạn không ngại giới thiệu sản phẩm cả với thầy cô. Thu nhập từ công việc đòi hỏi nhiều… nước bọt này cũng đủ để bạn phụ giúp gia đình mua sắm vật dụng trong nhà mấy ngày tết.

"Túm" lấy tâm lí thích mua sắm đồ làm điệu vào dịp cuối năm của teen, Bảo Phụng (sv Học viện Ngân hàng) tung ra dịch vụ kinh doanh online các mặt hàng thời trang. Phụng bật mí: "Sau khi mình đăng thông tin cần người lấy hàng giá sỉ để bán lẻ, đã có ngay một nhóm học sinh cấp 3 đăng kí hợp tác. Trung bình mại dô mỗi món đồ, các bạn kiếm được từ 15 – 20k. Nhiều bạn bán giỏi, có tuần kiếm được khoảng 300k"…

* "Làm ăn" ngày tết, mỗi nơi mỗi vẻ

Tết năm nay, Thành Vinh (19 tuổi, cựu học sinh trường Thái Phiên – Hải Phòng) tiếp tục thẳng tiến đến đền Nghè với việc bán cành lộc. Giá cành lộc khá rẻ (từ 3 – 20k/cành, tuỳ chủng loại và kích cỡ) nên thu nhập của Vinh chủ yếu dựa vào số lượng người đi cúng đền, đặc biệt là đêm giao thừa. Tự mình kiếm được vài trăm ngàn tiêu tết, với Vinh, cảm giác ấy "lâng lâng" thật khó tả!

Nhóm D4U (lớp 11E trường Cao Thắng – Huế) thì gây "ngạc nhiên chưa!" với việc kinh doanh hoa hồng gỗ. Bằng gỗ vụn (xin từ các xưởng mộc), kết hợp với sơn nước, giấy màu, sau khoảng 30 phút đục đẽo cắt dán, nhóm có thể cho "ra lò" sản phẩm trang trí ngày tết nhìn "ngộ hết biết!". Chi phí làm một hoa hồng gỗ khoảng 10k, nhóm bán với giá 15k. Lấy công làm lời, các "nghệ nhân" học trò tranh thủ thời gian nghỉ tết để "tăng gia sản xuất".

"Mùa tết này, việc làm thời vụ dành cho teen khá đa dạng: bán hàng hội chợ, phát quà khuyến mãi, nghiên cứu thị trường, phục vụ… với mức lương tăng khoảng 10 – 20% so với năm ngoái. Chẳng hạn, nhân viên bán hàng hội chợ có thể kiếm từ 200 – 300 ngàn đồng/ngày (nếu không đòi hỏi ngoại ngữ thì từ 80 – 120 ngàn đồng/ngày); nhân viên phục vụ từ 60 – 80 ngàn đồng/ngày (bao ăn); nhân viên nghiên cứu thị trường có thu nhập tính theo số lượng bản nghiên cứu, dao động từ 30 – 50 ngàn đồng/bản…
Nhân đây, anh muốn lưu ý các em vài điều trước khi đi xin việc làm thêm trong mùa tết: Chuẩn bị sẵn hồ sơ để khi được gọi, các em có thể đi làm ngay; tìm hiểu trước công việc sẽ làm để không bị bỡ ngỡ; với những việc đòi hỏi kĩ năng (nghiên cứu thị trường, bán hàng…), các em không nên nhận bừa nếu chưa "chắc ăn" về vốn liếng giao tiếp, ngoại ngữ; hỏi thêm thông tin từ cán bộ tư vấn ở các trung tâm giới thiệu việc làm để được hướng dẫn cách trả lời phỏng vấn khi "đối mặt" với nhà tuyển dụng…"

Anh NGUYỄN VĂN SANG (Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên)

Những năm gần đây, chuyện về những mẩu đất tẻo teo "đẻ ra tiền" không còn lạ ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nữa. "Mượn" gia đình một mảnh vườn nhỏ, Quy (16 tuổi) tự mình cày xới để trồng rau và hoa "thập cẩm" bán chợ tết. Quy hi vọng năm nay có thể "hốt bạc triệu" như năm ngoái để tha hồ du xuân với bạn bè và lì xì mấy đứa em. Năm ngoái, cũng trồng hoa, Liễu (lớp 11A5 trường Huỳnh Ngọc Huệ) không chỉ hào hứng với thu nhập xấp xỉ một triệu đồng trước giờ giao thừa mà còn "sướng rơn" với số hoa còn sót lại có thể bán tiếp vào dịp rằm tháng giêng (tận thu thêm tới 500 – 600k lận đó!). Năm nay, cô chủ vườn hoa có nhiều thời gian hơn để "làm ăn", hi vọng doanh thu sẽ tăng vọt.

Cũng ở Quảng Nam, mấy ngày này, nhóm bạn của Hương (16 tuổi, nhà gần thị trấn Aữi Nghĩa, huyện Đại Lộc) đang lăng xăng chuẩn bị "đồ nghề" gồm: muối, trầu cau tươi… Mỗi thứ một ít được bọc cẩn thận thành những gói nhỏ, cho vào đĩa, trang trí thật đẹp rồi mang ra chợ bán. Hương giải thích: "Tụi mình bán mỗi gói lộc giá 5 – 6k, tuy rẻ nhưng một lời ba lận đó. Hì hì!"…

Theo MTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)