Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nghĩ thêm về bài thơ “Đi đường”

Tạp Chí Giáo Dục

“Đi đưng” (Tu l) là mt trong hai bài thơ trong tp “Nht kí trong tù” ca H Chí Minh đưc chn đưa vào ging dy trong chương trình Ng văn lp 8 (Nhà xut bn Giáo dc – 2008).


Giáo viên và hc sinh đc bài thơ “Đi đưng” ti thư vin trưng (nh minh ha). Ảnh: V.Yên

Phần ghi nhớ trong sách giáo khoa nêu rõ: “Đi đường là bài thơ tứ tuyệt giản dị mà hàm súc, mang ý nghĩa tư tưởng sâu sắc; từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lý đường đời: vượt qua gian lao chồng chất sẽ tới thắng lợi vẻ vang”. Ngoài ra, trong một cuốn tài liệu tham khảo, người làm sách hướng dẫn cho học sinh cảm thụ vẻ đẹp của bài thơ với hai nội dung chính: “Bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong bài thơ, qua con mắt của người tù bị áp giải trên đường, giống như một bức tranh sơn thủy được ghi lại bằng một vài nét chấm phá đơn sơ nhưng rất gợi hình” và “Tinh thần quyết tâm vượt khó và lạc quan tin tưởng của người chiến sĩ cách mạng được thể hiện qua nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên trong bài thơ”. Rõ ràng đó là những nội dung cơ bản không chỉ thể hiện qua bài “Đi đường” mà còn bộc lộ qua nhiều bài thơ khác, nếu không nói đó là một trong những tư tưởng chủ đạo của tập thơ “Nhật kí trong tù”. Và “Đi đường” cũng là một minh họa hùng hồn, sâu sát cho nhận xét về tập thơ “vừa hướng nội, vừa hướng ngoại, khi hiện thực, khi lãng mạn…”. (Nguyễn Đăng Mạnh).

1. “Đi đường” là bài thơ về không gian hùng vĩ; thế giới quan của Hồ Chí Minh bộc lộ qua bài thơ mang màu sắc vũ trụ với một không gian đa chiều có gần, có  xa, có cao, có rộng bao trùm bài thơ. Đó còn là sự khẳng định chắc chắn về con đường cách mạng của cả dân tộc mà Người là đại diện tiêu biểu đang dấn bước; là niềm tin tất thắng mang tính quy luật về tương lai đất nước. Bức tranh mà người tù Hồ Chí Minh vẽ nên qua hai câu đầu của bài thơ như những nét khắc chạm khỏe khoắn của người thợ đá, tạc vào không gian một cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi (trùng san) chạy dài tít tắp về phía chân trời, hết lớp này đến lớp khác, chồng chất lên nhau như không bao giờ dứt khỏi tầm mắt người. Khi viết lên những câu thơ này, hẳn người tù “bị trói chân tay” đang trên đường bị giải đi đối diện với tầng tầng lớp lớp những bức tường thành lừng lững bằng núi đá chắn ngang trước mắt mà người thường ắt dễ chán chường tuyệt vọng, dễ dàng bị khuất phục trước những trở ngại khó có thể vượt qua.

Mở đầu bài thơ là một nhận xét mang tính chất khái quát, đúc kết: Có đi đường mới biết đường đi khó. Và câu tiếp theo triển khai, giải thích, minh họa cho nhận xét đó: Hết lớp núi này lại đến lớp núi khác. Cái tứ của bài thơ đến đây hầu như chưa bộc lộ ra – “vần chửa thấy”! Chỉ là một nhận xét bình thường mang tính triết lý. Nhưng hai câu thơ cuối đã đem lại cho bài thơ một sức mạnh đột ngột, bất ngờ: Khi đã vượt qua các lớp núi lên đến đỉnh cao chót/ Thì muôn dặm nước non thu cả vào tầm mắt. Đó là sức nặng của một tư duy chiến lược được phát biểu bằng những từ ngữ gợi cảm với cấu tứ không gian của bài thơ. Nó gợi ta nhớ đến một câu hát dân gian: Đèo cao thì mặc đèo cao/ Ta lên tới đỉnh, ta cao hơn đèo!

Bài thơ và câu hát dân gian giống nhau ở chỗ cùng tạc vào trời xanh cái dáng kiêu hùng, ngạo nghễ của con người, luôn làm chủ ngoại cảnh, chiến thắng mọi khó khăn, bất khuất trước mọi trở lực. Nhưng bài thơ còn là một nỗi khát khao chiến thắng, là niềm mơ ước tột bậc của Người về độc lập, tự do, thống nhất đất nước, thu giang sơn gấm vóc về một mối. Trong đời, nhiều lần Bác nói ra thành lời ước mơ này. Từ ngày còn là anh thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc, trước mặt quan thượng thư thuộc địa “uy phong lẫm lẫm” tại Pa-ri (Pháp), con người mảnh khảnh ấy đã thẳng thắn, đanh thép nói lên khát vọng của trọn cuộc đời mình là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… (Trần Dân Tiên). Và ước vọng ấy còn là nỗi niềm sâu nặng trong tim Người, đau đáu đến cuối đời. Trên giường bệnh, trong những ngày tháng chín đau thương ấy, Người vẫn dõi theo từng bước trên tiền tuyến, lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa (Tố Hữu). Có thể nói chưa bao giờ, nỗi khát khao độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc nguội tắt trong tim Bác.

Bài thơ gợi ta nhớ lại một danh ngôn của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Nhưng vượt lên trên một lời khuyên, một kinh nghiệm sống, “Đi đường” là một nỗi niềm khát khao cháy bỏng trong tim Người: Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác để đạt đến thắng lợi cuối cùng, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, dân tộc, thống nhất đất nước, dù phải đốt cháy cả dải Trường Sơn…

2. Dịch thơ là một việc khó; dịch trung thành cả âm, cả nghĩa và đạt đến bản dịch thơ hay là một việc còn khó hơn nhiều lần. Bài thơ của dịch giả Nam Trân là một bản dịch tài hoa, ngọt ngào với âm điệu lục bát và bay bổng thăng hoa đến câu thơ cuối Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non. Nhưng một điều không thể không thấy là: âm điệu hùng vĩ, mênh mông đến rợn ngợp của điệp ngữ “trùng san” được lặp lại ba lần trong nguyên tác không còn thấy ở “núi cao”. Tính hệ thống của kết cấu từ ngữ trong nguyên bản khi chuyển sang dịch thơ không còn giữ vững làm người đọc không còn cảm nhận được sự liên tục, chồng chất, triền miên không dứt của các dãy núi mà chỉ còn thấy trước mắt những dãy núi lẻ loi, đứt đoạn, rời rạc. Câu thơ thứ ba “Núi cao lên đến tận cùng” làm người đọc không hình dung được chủ thể của bài thơ là người tù đang “dĩ tại chinh đồ thượng”, đang quyết chí vượt qua các dãy núi, mà chỉ còn thấy các đỉnh núi kéo dài từ thấp đến cao. Nhưng, dù sao bản dịch cũng đã nói lên được cái thần của bài thơ, cho ta cảm nhận được các tầng nghĩa phức hợp ẩn hiện trong bài thơ. Đó là mối quan hệ biện chứng hài hòa trong con người Hồ Chí Minh: giữa hiện thực và tương lai, giữa hiện hữu và ước mơ khao khát, giữa con người và vũ trụ…

“Đi đường” cũng như các bài thơ khác của Bác, đã đem đến cho ta nhiều bài học quý báu trong cuộc sống. Biết cảm nhận cái đẹp, quyết tâm chiến thắng ngoại cảnh khắc nghiệt, lạc quan tự tin trong cuộc sống, và vượt lên trên hết là nỗi khát khao làm một điều gì đó cho cuộc sống này mỗi ngày mỗi tươi đẹp hơn. Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn (Tố Hữu), tìm hiểu thơ văn, qua đó học tập những phẩm chất cao đẹp của Hồ Chí Minh là một cuộc đi dài không điểm cuối.

Tẩu lộ

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan/ Trùng san chi ngoại hựu trùng san/ Trùng san đăng đáo cao phong hậu/ Vạn lí dư đồ cố miện gian.  

Dịch nghĩa

Có đi đường mới biết đường đi khó/ Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác/ Khi đã vượt các lớp núi lên đến đỉnh cao chót/ Thì muôn dặm nước non thu cả vào tầm mắt.

Dịch thơ

Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/  Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

(Nam Trân dịch)

[Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập (tập 3), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000]

Đỗ Thành Dương
(Trưng D b ĐH dân tc TW Nha Trang)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)