Y tế - Văn hóaThư giãn

Nghĩ và viết ở phương Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, các tác phẩm phê bình, nhất là phê bình văn học tương đối hiếm hoi trên văn đàn, đặc biệt là những tác phẩm phê bình từ những tác giả đang giữ cương vị quản lý. Chính vì thế, cuốn tiểu luận phê bình Nghĩ và viết ở phương Nam (NXB Văn học) của Lê Quang Trang được chú ý bởi không chỉ tác giả là một nhà thơ, nhà lý luận phê bình mà còn đang đảm đương vai trò Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM.
Tác phẩm chia làm hai phần, phần đầu dành cho tiểu luận gồm các bài viết của tác giả về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội hôm nay dưới góc nhìn của một người làm văn hóa. Từ chuyện hệ lụy khi kinh tế phát triển, phẩm chất dân tộc trong bối cảnh mới, thực tiễn và dự định trong sáng tác đến những vấn đề trong xây dựng và phát triển VHNT trong nước hiện nay. Dĩ nhiên, là một người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, tác giả đã ưu ái dành những tâm huyết của mình cho sự nghiệp phát triển văn học.
Khác với nhiều nhà lý luận khác vốn nặng tính học thuật hơn thực tiễn, Lê Quang Trang đã có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các vấn đề của những người sáng tác hôm nay như các bài viết “Vấn đề là phát hiện và ứng xử với tài năng”, “Mặt bằng và đỉnh cao trong một cuộc thi bút ký”, “Văn nghệ trên báo chí”…
Phần hai tác giả tập trung vào phê bình qua những bài viết về tác phẩm, tác giả. Cũng như ở phần đầu, các bài viết ở phần hai cũng được chia thành hai dạng rõ rệt. Đầu tiên là những bài viết về các tác giả đã nổi tiếng như Chế Lan Viên, Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Lê Anh Xuân… cùng các tác phẩm của họ.
Điểm khác biệt là tác giả không sa đà vào những điều người khác đã viết mà gắn liền các tác giả, tác phẩm với đời sống VHNT hiện tại. Ngoài ra, một số trường hợp tác giả kết nối với những hồi ức của chính tác giả.
Thực ra, tác phẩm còn một phần thứ 3 nhưng so với hai phần trước đó đây có thể xem như một ghi nhớ, hoài niệm riêng mà tác giả muốn chia sẻ với bạn đọc. Phần này cũng được đặt tên thể hiện điều đó: “Nhớ và ghi”. Chỉ có vỏn vẹn hai bài viết mang đậm tính hồi ức, bài đầu là phác thảo về văn nghệ giải phóng, một dòng văn nghệ đặc biệt gắn liền với lịch sử cách mạng đất nước.
Bài thứ hai cũng vẫn là văn nghệ giải phóng nhưng đi liền với một cột mốc lịch sử quan trọng là Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975. Đây có thể xem là phần nền tảng của một công trình nghiên cứu chứ không thuần túy là những bài viết đơn lẻ.
Có lẽ việc đưa ra hai bài viết là sự chuẩn bị, đón nhận ý kiến bạn đọc của tác giả để cho những dự án sáng tác lớn hơn sau này của ông.
Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)