Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Nghi vấn về học bổng khổng lồ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trên một số trang web, mạng xã hội mấy tháng nay giới thiệu rầm rộ chương trình học bổng Thách thức biến đổi khí hậu thế giới (WCCCSP) với hơn 1.500 suất du học ở những trường đẳng cấp trên thế giới dành cho sinh viên VN và các nước đang phát triển, mỗi suất trị giá từ hàng chục đến hàng trăm ngàn USD.

Thông tin trên website về học bổng
Thông tin trên website về học bổng
Học bổng này thuộc Công ty TNHH Climate Change Challenge (WCCC), trụ sở tại TP.HCM. Khi tìm hiểu, PV Thanh Niên nhận thấy có nhiều điều đáng ngờ.
Không yêu cầu trình độ ngoại ngữ !
Ngày 18.2, trên trang https://www.facebook.com/groups/wcccscholarship của WCCCSP, một người có tên là Lưu Hương Thảo Vy đăng tải nội dung bằng tiếng Anh, tạm dịch như sau: “Tôi là Vy, người mới được bổ nhiệm làm quản lý marketing truyền thông xã hội cho tổ chức WCCC. Hơn 100 trường ĐH đẳng cấp trên thế giới tham gia vào chương trình học bổng WCCC có khả năng cung cấp hơn 1.500 học bổng trước và sau ĐH liên quan đến những nghiên cứu về biến đổi khí hậu…”.
Trước đó, ngày 20.1, Thảo Vy còn đăng trên trang này “Danh sách các trường ĐH đã tham gia chương trình học bổng của WCCC” với 114 trường ĐH (và cho biết tiếp tục cập nhật) của Mỹ, Canada, Pháp, Đức…
Trang mạng trên cũng đăng tải rất nhiều nội dung giới thiệu, hướng dẫn cách nộp hồ sơ nhận học bổng WCCCSP cho sinh viên VN và nhiều nước khác. Điều đáng quan ngại là một chương trình học bổng nước ngoài mà người tư vấn lại cho rằng không yêu cầu trình độ ngoại ngữ. Khi ứng viên tên Le Tram thắc mắc: “Hồ sơ có yêu cầu trình độ ngoại ngữ không?” thì nhận được câu trả lời: “Không bạn ạ. Trong link đăng ký không yêu cầu bất cứ bằng cấp hay bảng điểm gì hết. Bạn nên viết bằng tiếng Anh vì giám đốc bên mình sẽ ưu tiên đọc trước, bọn mình có thể hỗ trợ bạn hoàn thành bài viết bằng tiếng Anh. Hoặc bạn cũng có thể dùng tiếng Việt, sau này bọn mình sẽ dịch lại rồi gửi qua giám đốc duyệt. Còn trình độ ngoại ngữ, kiến thức và các bằng cấp liên quan sẽ được xem xét khi bạn đã được xét học bổng, lúc này WCCC sẽ dựa vào đó để tư vấn trường và ngành phù hợp với lựa chọn của bạn”…
Ông Paul Phillips, người Úc, tự xưng là “International Director” – Giám đốc quốc tế của WCCC, cho biết: “Chương trình này chúng tôi chạy trong 4 năm. Vậy nên bạn trẻ VN nào chưa giỏi tiếng Anh cũng đừng nghĩ rằng mình không thể theo đuổi. Cứ theo dõi thông tin trên mạng hay Facebook, trau dồi tiếng Anh và bạn vẫn có thể đăng ký vào năm 2019 chẳng hạn”.
Chưa có nguồn quỹ đã quảng bá
Ngày 1.2, trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, ông Paul Phillips khẳng định: “Chúng tôi làm việc với khoảng 100 trường ĐH, cũng như chính phủ và sinh viên các nước. Điều chúng tôi muốn hướng đến là phát triển nền công nghiệp liên quan đến khí hậu ở những quốc gia này. Học bổng là để đào tạo nguồn nhân lực khi trong tương lai, có thể VN cần đến khoảng hơn 2.000 nhân sự để làm việc trong ngành này”.
Ông Paul Phillips trả lời PV Thanh Niên - Ảnh: Như Lịch

Ông Paul Phillips trả lời PV Thanh Niên – Ảnh: Như Lịch

Theo ông Paul, giá trị học bổng tùy thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân, dao động khoảng từ 40.000 – 50.000 USD/ứng viên/năm tùy vào trường và quốc gia chọn theo học. Giả sử như học 3 năm thì tốn khoảng 150.000 USD. Học bổng sẽ bao gồm: học phí, tiền ăn ở, bảo hiểm sức khỏe, thị thực, vé máy bay…
Điều đáng nói, học bổng này lại vận hành theo quy trình ngược. Thay vì phải có nguồn quỹ cũng như đã thông qua các thủ tục pháp lý liên quan mới tiến hành quảng bá và kêu gọi các ứng viên đăng ký thì WCCCSP cho đến thời điểm này chưa có các điều kiện cần thiết nêu trên mà đã kêu gọi đăng ký cho dù dưới danh nghĩa đăng ký dự bị! Trả lời PV Thanh Niên, ông Paul cho hay: “Chúng tôi mới mở phần kêu gọi ứng viên đăng ký dự bị (pre-registration) trong tuần cuối tháng 1 và đến đầu tháng 2 đã có hơn 100 em từ 15 quốc gia đăng ký, và chương trình cần thu hút sự quan tâm nhiều hơn.
Đến khi nào có khoảng 3.000 em, có tiền trong quỹ thì chúng tôi sẽ thông báo đã đến lúc các em bắt đầu tranh học bổng. Sau khi tập hợp đủ số lượng thì khoảng 1 – 2 tháng sau sẽ có đơn đăng ký chính thức”. Ông nói thêm: “Chúng tôi muốn tìm khoảng 2.000 ứng viên trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 150 học sinh, sinh viên VN”.
Ông Paul khẳng định: “Hiện tại, chúng tôi đã có được những cam kết giúp đỡ, hỗ trợ từ những trường ĐH tham gia và chính phủ các nước. Khi chúng tôi kết nối được hết các trường ĐH, chính phủ và sinh viên, chúng tôi sẽ nộp đơn cho Green Climate Fund – Quỹ khí hậu xanh (GCF) để kêu gọi phần tiền quỹ cho học bổng. Đến nay thì vẫn chưa có quỹ. Phải có sự đăng ký của sinh viên, khi đó phần tài chính mới có”.
Ông Paul cho rằng trong trường hợp GCF không thể hỗ trợ hết thì bên ông sẽ liên hệ nộp hồ sơ qua một số đơn vị khác, như Ngân hàng Thế giới. Ông nhấn mạnh: “Cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa thể gửi hồ sơ cho GCF, vì mọi thứ vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Vẫn chưa có đủ sinh viên thì cũng không thể nộp. Có đủ sinh viên rồi thì quỹ mới cho tiền, rồi chúng tôi sẽ tiến hành các bước còn lại”.
Mập mờ thông tin
Mặc dù trả lời với PV Thanh Niên rằng chương trình học bổng của WCCC chưa gửi hồ sơ cho GCF để xin quỹ tài trợ nhưng trước đó trên website WCCC (http://www.wccc-corp.com), mục dự án WCCCSP 2016 đã đăng tải những thông tin mập mờ, nhập nhằng liên quan đến GCF.
Chẳng hạn website này ghi: “Kinh phí WCCCSP chiếm tỷ lệ nhỏ trong cam kết từ mỗi quốc gia phát triển dành cho GCF”. Một đoạn khác thể hiện: “Ngân sách WCCCSP đề xuất ban đầu là 1 tỉ USD trong 6 năm. Một phần rất nhỏ trong số 250 tỉ USD của GCF dự kiến sẽ được tích lũy từ các nước phát triển trong cùng thời gian. Số tiền này sẽ tài trợ khoảng 12.000 suất học bổng trong thời gian này”.
Không dừng lại đó, website này còn ghi: “Phương thức tốt hơn để thực hiện WCCCSP ở từng quốc gia là đi kèm với một “tổ chức đối tác” mà GCF đánh giá đủ năng lực để nhận tiền và thực hiện những dự án khí hậu. Tổ chức đối tác này sẽ nhận tất cả tiền hỗ trợ từ GCF và sẽ chịu trách nhiệm chi trả học phí cho các ĐH, cũng như những chi phí phát sinh khác của sinh viên nhận học bổng”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm trên website của GCF thì không thấy đơn vị nào là ủy quyền của WCCC. Vì vậy, chúng tôi đã hỏi lại ông Paul Phillips: “Có thông tin cho thấy GCF hiện không tài trợ cho WCCC và WCCC không được ủy quyền của GCF?”. Ngày 24.2, ông Paul Phillips trả lời qua thư điện tử, thừa nhận rằng WCCC không phải là tổ chức được ủy quyền của GCF, hơn nữa WCCC cũng không có ý định trở thành tổ chức được ủy quyền. WCCC sẽ làm việc với từng quốc gia thông qua các đơn vị được ủy quyền…
Gom phí từ các trường đại học
Ông Paul Phillips quả quyết với PV Thanh Niên: “Không ai phải đưa tiền gì cho chúng tôi cả. Sinh viên sẽ không có bất cứ nghĩa vụ tài chính nào đối với học bổng này”.
Trong khi đó, trên website giới thiệu về học bổng, WCCC lại đăng công khai phí tham dự (125 USD/năm) kèm nội dung: “WCCC đưa ra duy nhất một lần “phí tham gia WCCC” là 750 USD (tức 125 USD/năm trong 6 năm của chương trình) để đảm bảo trong 16.000 trường ĐH trên toàn thế giới, chúng tôi đạt mục tiêu 100 trường ĐH cam kết hỗ trợ những người trẻ từ các nước đang phát triển như VN và Ấn Độ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Các trường ĐH và CĐ khi tham gia sẽ được nêu tên trong chương trình học bổng WCCC 6 năm; Tài trợ học bổng bao gồm cho khoảng 20 sinh viên học trong 4 năm để hoàn tất các chương trình về biến đổi khí hậu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của trường; Logo trường ĐH có trên tất cả các trang web của WCCC; Nếu được yêu cầu, WCCC sẽ cung cấp tài liệu tham khảo và hỗ trợ cho trường ĐH và CĐ tham gia thành lập hoặc phát triển thị trường, đối tác hoặc xin cấp giấy phép ở các nước như VN, Ấn Độ… (Còn tiếp)
Công ty không hoạt động du học nhưng tư vấn du học
Theo ông Paul Phillips, tổ chức của ông đã thành lập 8 năm, ở Úc, tiền thân là Asia Pacific Development Corporation (APDC), sau đó đến VN đổi tên thành WCCC. Trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH Climate Change Challenge do Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM cấp vào tháng 9.2014 thì công ty đăng ký kinh doanh 21 ngành, nghề, bao gồm: Bán buôn xe máy điện; Lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp; Lắp đặt hệ thống điện; Đại lý ô tô và xe có động cơ khác; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu (tư vấn về môi trường, trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật)… Đứng tên chủ sở hữu công ty là bà Nguyễn Thị Nhung.

 

Như Lịch – Kim Nga/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)