Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghĩ về Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Nghĩ đến Bác, ngay cả một người bất hạnh đến cùng cực, cũng thấy được an ủi, sẻ chia.

1.Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác kể lại, có những đêm, khuya rồi, Bác đã tắt đèn, nhưng trong phòng vẫn có tiếng đài. Đồng chí Vũ Kỳ tưởng Bác đã ngủ, rón rén đến tắt. Bác ngăn lại: “Đừng… Cứ để thế cho căn phòng Bác nó ấm, vì có tiếng người, tiếng phụ nữ…”. Không ngờ Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành người bạn đường, người sẻ chia, an ủi Bác, trong những khoảnh khắc Người cô đơn nhất! Ta hiểu vì sao Bác luôn quan tâm đến những người nghèo, người lao động. Bác luôn hướng đến người lao động. Bác đặt tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Nghĩa là Đảng của tất cả mọi người, vì ai mà chẳng là người lao động. Bác còn dành lương mua quà cho người nghèo. Vào những dịp Tết đến, xuân về, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm và chúc Tết. Chuyến thăm rất bí mật, không báo trước để địa phương nghênh đón, rồi tuyên truyền, đưa tin. Thường chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ. Một chị lao công, ở trong khu hẻm nhỏ, đêm 30 Tết còn đi gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang, không có cả nải chuối, tấm bánh. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên căn nhà chị. Bởi thế, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước, khi thấy Bác đột ngột xuất hiện trong căn nhà tồi tàn của mình: “Trời ơi, Bác… Gia đình cháu khổ lắm… Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu…”. “Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai?…”. Chị bật khóc. Và Bác cũng khóc. Đó là một trong những cái Tết cuối cùng của Bác trong ký ức của đồng chí Vũ Kỳ.

2. Bác có tầm nhìn rất xa và rất chuẩn xác. Năm 1941, Bác có bức tranh, vẽ cây kèn, con số 1945 cùng câu thơ “Việt Nam độc lập thổi kèn loa”. Và như thế, Bác đã “nhìn” thấy ngày độc lập từ năm 1941. Sau này, Người cũng đoán chuẩn xác năm giải phóng Sài Gòn. Tối 30-4-1960, trong diễn văn chào mừng Quốc tế Lao động tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có một dòng rất đặc biệt, lúc đó Người đã giấu đi bằng một nét gạch xóa, nhưng vẫn còn được lưu giữ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh “…Cùng lắm cũng chỉ 15 năm nữa, nước nhà sẽ thống nhất, đồng bào Nam, Bắc sẽ sum họp một nhà…”. “15 năm nữa…” tính từ thời điểm năm 1960 thì đúng là năm 1975. Rất chuẩn xác. Bởi thế, có người coi Bác như một vị thánh. Tài nhất là nghệ thuật dùng người. Đây chính là mấu chốt quyết định sự thắng lợi của cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người công dân số 1, đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: T.L

3. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, bằng phép nhiệm mầu nào mà Bác đã nhìn thấy khả năng thiên tài quân sự trong Võ Nguyên Giáp, một người chưa từng qua bất kỳ một khóa học quân sự nào? Lúc ấy, ông Giáp chỉ đơn thuần là một ông giáo dạy sử ở Trường tư thục Thăng Long. Một con người hoàn toàn xa lạ với quân binh, trận mạc, vậy mà Bác lại trao cho việc phụ trách quân sự, rồi phong thẳng lên Đại tướng và ủy nhiệm cho toàn quyền quyết định việc quân. Sau này, tôi mới biết việc chọn Tướng Giáp của Bác tài tình đến như thế nào. Võ Nguyên Giáp quả là một thiên tài quân sự. Tên tuổi ông có thể đặt bên cạnh những tên tuổi lừng danh nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: Những Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung… Vậy bằng cách nào Bác phát hiện được khả năng tiềm ẩn một thiên tài quân sự trong dáng vẻ bạch diện thư sinh của một ông giáo dạy sử ở một trường phổ thông? Đó chính là một bí mật. Nhà báo nổi tiếng Mỹ Ladi Boston kể lại rằng, có lần, mấy nhà báo Pháp cũng rất ngỡ ngàng hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh một câu hỏi khá hóc búa: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài phong ông Giáp lên thẳng chức Đại tướng, là phong theo tiêu chí nào?”. Bác bảo: “Nước tôi là nước du kích. Chúng tôi đánh giặc theo lối du kích, thì phong hàm cũng là phong theo kiểu du kích. Ông Giáp của chúng tôi đã đánh thắng tất cả các ông tướng tài giỏi của nước Pháp, vậy thì ông ấy phải là Đại tướng thôi”. Nói rồi, Bác cười rất sảng khoái. Mấy nhà báo quốc tế cũng cười. Bác Hồ là thế đấy!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

 

Bình luận (0)