Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nghĩ về bài văn 21 trang giấy của em học sinh lớp 9

Tạp Chí Giáo Dục

Một học sinh lớp 9 ở Hà Tĩnh đạt 9,75 điểm môn ngữ văn với bài thi dài 21 trang trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập vừa rồi trở thành chủ đề bàn tán xôn xao trên mạng xã hội. Người khen, kẻ chê, người tán tụng, kẻ dè bỉu… và em học sinh này bỗng dưng trở nên nổi tiếng một cách bất đắc dĩ. Cá nhân tôi cho rằng đây là một học sinh rất giỏi. Các giám khảo khi hạ bút cho đến điểm gần như tuyệt đối cho một bài thi môn ngữ văn có nghĩa là họ đã rất cân nhắc và thận trọng, đủ căn cứ để cho điểm số như trên. Trong thực tế hiện nay thì có nhiều học sinh giỏi hơn thầy cô, kiến thức vững chắc, sâu sắc hơn, tư duy nhạy bén và khả năng diễn đạt tốt hơn. Đó là điều bình thường và cũng rất đáng mừng.

Viết văn ngắn gọn, súc tích, đủ ý mà sâu sắc là rất giỏi. Nhưng viết dài, không trùng lặp ý, kiến thức mênh mông, diễn đạt trôi chảy cuốn hút, nói đâu ra đấy còn giỏi hơn. Có những người giỏi, họ có thể viết rất ngắn gọn giản đơn nhưng họ cũng có thể viết rất dài và kỹ càng về cùng một vấn đề. Theo đó, một vấn đề họ có thể nói trong 3 phút hoặc có thể nói trong 3 tiếng. Đó là bậc thầy, chuyên gia, đẳng cấp, giáo sư. Nhưng cũng có những người không thể nói dài, viết dài vì kiến thức, hiểu biết và khả năng diễn đạt hạn chế. Có những người lại không thể nói ngắn, viết ngắn vì không đủ tầm và khả năng diễn đạt để cô đọng vấn đề.

Hãy nhớ lại cách viết báo của Nguyễn Ái Quốc. Sang Pháp, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc muốn viết báo bằng tiếng Pháp để tuyên truyền cứu nước. Ban đầu, Nguyễn Ái Quốc được dạy cố gắng viết thật dài về một vấn đề, sau đó lại được dạy là viết lại thật ngắn, cũng về vấn đề đó. Điều này làm chàng trai trẻ đến từ Việt Nam rất ngạc nhiên nhưng chàng vẫn chăm chỉ thực hành, và sau trở thành một nhà báo vĩ đại như chúng ta đã thấy.

Đừng lo học sinh viết quá dài. Hãy khuyến khích các em viết càng dài càng tốt, sẽ rèn luyện được kỹ năng diễn đạt và bổ sung vốn kiến thức dồi dào, tư duy sâu sắc, mạch lạc. Khi đã viết dài, các em lại có thể viết rất ngắn, nghĩa là đã làm chủ về kiến thức, ngôn ngữ và ở một tầm cao, chứ không phải nói năng, viết lách cụt lủn chẳng đâu vào đâu. Tuy nhiên, đó là chuyện chuyên môn, khoa học, còn đối với một số cán bộ khi nói trong các cuộc họp với thuộc cấp và với công chúng, tôi có lời khuyên chân thành là nên nói càng ngắn gọn càng tốt. Nhiều người nói trước công chúng, thuộc cấp hàng mấy tiếng đồng hồ, chẳng khác gì tra tấn người khác, nghe xong lỗ tai họ bùng nhùng và hoang mang ngơ ngác, chẳng hiểu các vị vừa nói cái gì.

Trn Quang Đi  

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)