Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Nghĩ về lời Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức”

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Trần Tuấn Anh (GV Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM)  đã có nhiều sáng kiến đột phá trong việc dạy môn giáo dục công dân

Trong buổi nói chuyện tại lớp học chính trị của giáo viên (GV), năm 1959, Bác Hồ nhấn mạnh: “GV phải chú ý cả tài, cả đức; tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì GV phải có đức… Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”(1).

Lời Bác cách nay hơn nửa thế kỷ vẫn tươi mới, rất sâu sắc và thiết thực đối với ngành GD-ĐT. Lời dạy của Bác Hồ đã thấm nhuần trong chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” như NQ Hội nghị TW 8 (khóa XI). Trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, thì vấn đề bức thiết nhất và quan trọng nhất – là vấn đề nâng cao chất lượng người thầy (bao gồm GV và cán bộ quản lý giáo dục – CBQLGD – các cấp).

Theo lời Bác dạy, phẩm chất của thầy giáo, cô giáo phải có hai điều cơ bản: Đức và Tài; nghĩa là có đạo đức – tư tưởng chính trị tốt, có văn hóa – chuyên môn giỏi. Về Đức, thực tế ngành GD-ĐT hiện nay, biểu hiện ở nhà trường các cấp, chúng ta đã có một đội ngũ GV mà đại bộ phận là những người có lòng yêu nghề, có trách nhiệm và lương tâm đối với sự nghiệp “trồng người”. Nhà giáo là kỹ sư tâm hồn của HS-SV. Dạy học là một nghề đặc thù, vừa lao động trí óc, vừa lao động thể lực, vừa mang tính khoa học, lại vừa mang tính nghệ thuật, có nhiều khó khăn, vất vả, phức tạp, thường gặp nhiều bức xúc. Đại bộ phận GV hiện nay lương thấp, đời sống còn thiếu thốn. Tuy vậy, đa số các thầy, cô vẫn bám lớp, bám trường, yêu thương học trò, miệt mài dạy học. Họ xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ: “Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”(2).

Tuy nhiên, hiện nay, một số CBQLGD và GV sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, làm giảm uy tín người thầy, khiến dư luận xã hội bất bình. Đây là điều rất đáng tiếc, cần được ngành GD-ĐT quan tâm khắc phục.

Về Tài, tức là về khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của người thầy giáo, thì nhìn thẳng vào sự thật, đội ngũ CBQLGD và GV của ta đông, nhưng chất lượng còn nhiều bất cập, yếu kém. Rất ít những HS giỏi thật sự vào các trường sư phạm. Các trường sư phạm chất lượng đầu vào và đầu ra đều yếu. Phần đông CBQLGD và GV các cấp ngại ngần về việc tự học, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ. Việc đào tạo trên ĐH còn nhiều tùy tiện, dễ dãi, chạy theo “thành tích” và mang “tính thương mại”, khiến nhiều thạc sĩ và tiến sĩ chưa đạt chất lượng đích thực. Số GS và PGS của ta có khoảng 10.000 người, nhưng có một tỷ lệ không nhỏ thực chất trình độ không tương xứng với học hàm và chỉ có khoảng 2% PGS, GS trực tiếp giảng dạy tại các trường CĐ-ĐH. Phong trào nghiên cứu khoa học, viết giáo trình ở bậc ĐH, viết sáng kiến, kinh nghiệm giảng dạy ở bậc phổ thông gần như bị quên lãng; một số rất ít có làm thì đều chiếu lệ, hình thức, nên chất lượng yếu kém. Bên cạnh đó, SGK và giáo trình của ta rất lạc hậu, thiếu tính khoa học và tính hiện đại. Ở bậc phổ thông, số lượng các loại sách và đầu sách quá nhiều, biên soạn rất tùy tiện, chắp vá, kiến thức nặng nề; nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy lại thay đổi liên tục. Ở bậc ĐH-CĐ, giáo trình các bộ môn khoa học cơ bản và chuyên ngành thì quá cũ kỹ, biên soạn mới thì chất lượng yếu, nhiều hiện tượng “đạo văn”. Tất cả những cái đó, làm cho chất lượng chuyên môn của phần đông GV các cấp còn nhiều hạn chế. Một điều hiển nhiên là, GV không có trình độ chuyên môn giỏi thật sự, thì không thể dạy tốt, không thể đào tạo ra những HS-SV giỏi thật sự, không thể nâng cao được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Xét về mặt Tài, thì đây là điều rất đáng lo ngại đối với đội ngũ người thầy giáo nước ta hiện nay!

Lời Bác dạy: “GV phải chú ý cả tài, cả đức” – tức là phải gương mẫu về Đức, phấn đấu về Tài. Đó là hai yêu cầu bức thiết và mãi mãi đối với người thầy giáo. Vấn đề “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, trước hết phải cải cách, nâng cao phẩm chất của đội ngũ CBQLGD và GV; nói cách khác, là cải cách về Đức và Tài của người thầy giáo! Công cuộc CNH, HĐH, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, đưa nước nhà “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” (lời Bác Hồ) càng đòi hỏi CBQLGD các cấp và các cô giáo, thầy giáo nỗ lực phấn đấu về 2 tiêu chí cực kỳ hệ trọng này. Đảng, Nhà nước và nhân dân đang tạo điều kiện tốt để ngành GD-ĐT thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả của mình. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng (1-2016), phần V – về GD-ĐT nêu rõ: “Phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực” đã nói lên vai trò “quốc sách hàng đầu” của GD-ĐT, mà cốt lõi và trước hết là bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất và năng lực của người thầy giáo!

Đào Ngọc Đệ
(Giảng viên chính ĐH Hải Phòng)

(1): “Hồ Chí Minh – Về vấn đề giáo dục”, NXB Giáo dục, Hà Nội – 1990, tr. 188
(2): Sđd, tr. 236

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)