Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nghĩ về một lối sống từ bài thơ khuyết danh

Tạp Chí Giáo Dục

“Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng, bông trắng, lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bài thơ quá quen thuộc, đã từng đi vào giấc ngủ bao nhiêu trẻ thơ qua lời ru của bà, của mẹ.
Bài thơ cũng đã từng được dùng như một lời giáo huấn của những thế hệ đi trước dành cho thế hệ sau hướng đến lối sống tốt đẹp: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Nhưng cũng chính từ dòng thơ mang hồn của cả bài này gợi cho ta nhiều suy nghĩ: Phải chăng “sen” “gần bùn”?
Phùng Quán trong bài thơ Hoa sen đã viết: “Bùn với sen đâu phải chuyện gần/ Chính là sen mọc lên từ trong đó”. Từ đó, ông đã mạnh mẽ và rất sắc sảo khi lên án: “Nhưng tôi không thể nào tin được/ Câu ca này gốc gác tự nhân dân/ Bởi câu ca sặc mùi phản trắc/ Của những phường bội nghĩa vong ân”.
1. Có ý kiến cho rằng, suy nghĩ của Phùng Quán và thái độ trân trọng của nhiều người Việt Nam đối với bài thơ không có gì là mâu thuẫn. Bởi lẽ, đối với một tác phẩm văn học thì việc tiếp nhận từ nhiều hướng, hiểu theo nhiều cách cũng là chuyện thường tình. Huống hồ đây lại là một tác phẩm thơ với đặc điểm thể loại là rất cô đọng. Phùng Quán hiểu như thế vì ông coi chính Hoa Sen là chủ thể của phát ngôn này. Còn với cách hiểu phổ biến lâu nay xuất phát từ việc mặc định chủ thể phát ngôn là người quan sát đầm sen, ngất ngây với vẻ đẹp của hoa sen, và đặc biệt thú vị với phát hiện: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tuy nhiên, hiểu theo cách thứ hai này còn nhiều điều cần suy ngẫm. Một người bình thường, trong men say trước cái đẹp của đầm sen, của hoa sen thốt lên câu này thì cũng bình thường. Bài thơ này với cuộc sống lâu đời chắc phải là sản phẩm của một tâm hồn thi nhân, mà tâm hồn thi nhân ngoài nồng nàn với cái đẹp, còn rất sâu lắng, tinh tế trong cảm nhận nên việc chỉ dừng lại, cảm nhận cái đẹp ở vẻ bề ngoài (hoa sen “gần bùn” chỉ là hình thức dễ thấy, còn đi vào sâu xa thì sen đâu chỉ “gần bùn”) hình như không thuyết phục lắm! Hơn nữa, đối với một bài thơ về cảnh vật, cả người sáng tác lẫn người tiếp nhận sẽ không dừng lại ở lớp nghĩa cảnh vật. Vậy nghĩa hàm ẩn của bài thơ hiểu như Phùng Quán có vẻ hợp lý hơn dù quá nặng nề bởi sự bất ngờ so với cách hiểu phổ biến lâu nay. Vấn đề khiến ta suy nghĩ là tại sao “sặc mùi phản trắc” mà bài thơ lại có một vị trí đáng ao ước như vậy trong cuộc sống nhân dân? Có thể bài thơ đã đáp ứng được một số điều trong tâm thức của người tiếp nhận.
Đầu tiên là tâm lý hướng thượng của con người, của nhân dân Việt Nam. Đó là ước mơ, là khao khát “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Dễ dàng thấy khi nhắc đến bài thơ, thậm chí khi không nhắc đến bài thơ, câu này nếu gặp tình huống phù hợp sẽ có thể bật ra tức thì. Thứ hai, bài thơ chọn đề tài là hoa sen. Đây là một hình ảnh mộc mạc, rất gần gũi với đời sống của con người Việt Nam, của đất nước Việt Nam nhưng cũng hết sức tinh khiết, thanh cao. Hoa sen từng được đề cử là quốc hoa của Việt Nam. Trong lòng người Việt, hoa sen còn là hình ảnh của một con người thân thương nhất, vĩ đại nhất: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
2. Trên cơ sở đó, bồi thêm là nét đẹp từ phẩm chất vô cùng cao quý thể hiện bằng việc sử dụng biện pháp đối lập: “Gần bùn chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chưa hết, hình như phẩm chất này còn được nhân lên bởi sự khiêm tốn: “Sen” đâu chỉ có “chẳng hôi tanh”, “sen” còn ngát hương nữa chứ! Trước những tác động dồn dập như thế, yếu tố “gần” trong “gần bùn” được đưa vào thật êm ái và việc tiếp nhận do đó cũng nhẹ nhàng, không trắc trở!
Nhưng khi trạng thái ngất ngây qua rồi, người ta mới thấy đắng lòng: “Bùn với sen đâu phải chuyện gần/ Chính là sen mọc lên từ trong đó”.
Chính là sen đã mọc lên từ trong bùn. Ngay cả lúc sen đang đẹp nhất trong đầm, ngay cả lúc sen đang tỏa ngát hương, ngay cả lúc sen đang khẳng định “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, sen vẫn đang nhận sự sống từ bùn!
Có thể, chủ thể phát ngôn hoa sen này đã được nuôi dưỡng lớn khôn rồi thành đạt bởi đồng tiền không được sang trọng, thậm chí không được trong sáng. Có thể, đấng sinh thành và dưỡng dục chủ thể hoa sen là một “con cò mà đi ăn đêm”. Nhưng trong đồng tiền “ăn đêm” đó, là khát khao cháy bỏng con mình sẽ lớn khôn, sẽ thành đạt, sẽ được sung sướng, hạnh phúc, sẽ được đổi đời… Và ẩn sâu hơn nữa trong những đồng tiền “ăn đêm” đó là tình yêu con vô bờ bến, là sự hy sinh thầm lặng, quên mình, ngay cả khi đứng trước cái chết cũng chỉ nghĩ đến con, lo cho con, sợ con bị tổn thương: “Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.
Hôm nay, trên đỉnh cao của danh vọng (đẹp nhất trong đầm), chủ thể phát ngôn hoa sen đã tiếp nhận và thực hiện được khát khao lớn lao của đấng sinh thành. Nhưng yếu tố thứ hai ẩn chứa trong những đồng tiền “ăn đêm”, sự hy sinh cao cả, thiêng liêng của đấng sinh thành trong hoa sen đâu rồi khi sen phủi tay phủ nhận “gần bùn”, khi sen miệt thị, khinh khi “hôi tanh mùi bùn”. Hóa ra khi khẳng định mình “chẳng hôi tanh mùi bùn” không phải là sự khiêm tốn như đã nói ở trên, mà chỉ để bày tỏ sự ghê tởm, mà chỉ để khẳng định bản thân mình không thể có mối quan hệ, dính líu gì với “bùn”. Thật đau lòng, thật chua chát!
3. Giá như chủ thể phát ngôn hoa sen không chỉ tiếp nhận khát khao đổi đời cho con mà còn tiếp nhận được cả sự hy sinh quên mình thầm lặng của đấng sinh thành để không chỉ trở thành một tài năng thành đạt mà còn quan trọng hơn là một nhân cách cao quý; giá như chủ thể phát ngôn hoa sen chắt lọc, tiếp nhận được trọn vẹn những tinh hoa từ “bùn” để thay vì nói câu phủ phàng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” thì tự hào rằng “Từ bùn được tỏa ngát hương dâng đời” thì cuộc sống đáng yêu vô cùng không chỉ cho đời mà cho cả hoa sen nữa!
Như vậy, mới hay rằng hiệu quả thực sự của kỹ năng truyền đạt, kỹ năng sống được quyết định bởi tấm lòng!
Lê Thị Mỹ
(Giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng)

Một tiết học văn của học sinh Trường THCS Dương Bá Trạc (Q.8, TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi
Lý do tạo vị thế cho bài thơ phải kể đến là tài năng về nghệ thuật của người sáng tác. Nhiều thủ pháp nghệ thuật đã được sử dụng khéo léo, sắc sảo mang lại hiệu ứng rất cao. Để khẳng định “sen” đẹp nhất trong đầm, tác giả đi từ hình thức bên ngoài với sự hài hòa nên dù nhiều màu sắc nhưng vẫn trang nhã, nhẹ nhàng: “Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng”. Câu này được lập lại không chỉ để gây ấn tượng mà còn để thêm men cho vẻ đẹp thấm vào hồn người, cho hồn người thêm chếnh choáng (mà đã chếnh choáng sẽ bớt đi sự tỉnh táo). 
 

Bình luận (0)